(Tổ Quốc) - 8 tháng đầu năm, trong đó gần 6 tháng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng tại ĐHCĐ Tập đoàn An Phát Holdings (mã CK: APH) diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, Tập đoàn này vẫn giữ nguyên kế hoạch khởi công nhà máy PBAT An Phát, xác định đây là đại dự án quan trọng nhất trong 2 năm tới.
Riêng 2 tuần qua, An Phát Holdings đã có hàng loạt động thái tăng tốc dự án, bất chấp tình hình khó khăn chung…
"Bắt tay" với các đối tác hàng đầu thế giới
Theo thông tin vừa được công bố từ An Phát Holdings, đối tác thiết kế nhà máy sản xuất chất dẻo sinh học phân hủy hoàn toàn PBAT An Phát là Tập đoàn Technip Energies – một tên tuổi lớn trong lĩnh vực thiết kế và thi công xây dựng các nhà máy công nghiệp trong mảng lọc hoá dầu. Trước đó, Tập đoàn này đã thành công với nhiều dự án lớn trọng điểm như các tổ hợp nhà máy lọc dầu Bình Sơn (Dung Quất) - Quảng Ngãi; Nghi Sơn - Thanh Hóa; Long Sơn - Vũng Tàu; Đạm Phú Mỹ - Vũng Tàu và hàng loạt các công trình khác ở Vũng Tàu…
Technip Energies sẽ đảm nhận vai trò thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ cho nhà máy PBAT An Phát.
Trong việc làm chủ nguyên liệu xanh thì vấn đề bản quyền phát minh là điều kiện quan trọng sống còn. Để làm được điều này, An Phát Holdings đã hợp tác với đối tác Hàn Quốc nhằm sở hữu công nghệ và sáng chế sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn. Từ nền tảng sản xuất nguyên liệu xanh tại nhà máy AnKor Bioplastics (Hàn Quốc), An Phát Holdings đã cho ra các nguyên liệu mới, chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn PBAT và PBS do An Phát Holdings sản xuất được thử nghiệm tại dây chuyền của Technip Zimmer tại Đức cho ra kết quả tương đương với nguyên liệu xanh cung cấp bởi các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành nguyên liệu trên thế giới như: BASF, Novamont…
Nguyên liệu sinh học phân huỷ hoàn toàn của nhà máy PBAT An Phát sẽ được xuất khẩu và phục vụ nhu cầu sản xuất, thương mại của An Phát Holdings.
Hiện tại, An Phát Holdings là doanh nghiệp Việt Nam tiên phong tại Đông Nam Á nắm giữ sáng chế nguyên liệu và sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn, được kỳ vọng sẽ là đầu mối cung cấp nguồn nguyên liệu PBAT cho thị trường Việt Nam và thế giới.
Dịch bệnh nhưng vẫn phải nhanh…
Đầu tư khoảng 100 triệu USD, bắt tay với đối tác hàng đầu thế giới, quá trình nghiên cứu và đầu tư bài bản là minh chứng nhà máy PBAT An Phát là dự án đặc biệt quan trọng với An Phát Holdings.
Hiện, An Phát Holdings đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án xây dựng nhà máy tại KCN Đình Vũ (Hải Phòng). Nhà máy với công suất 30.000 tấn/năm, dự kiến sẽ được khởi công cuối năm nay và đi vào hoạt động đầu năm 2024. PBAT An Phát đặt mục tiêu sẽ cung cấp nguyên liệu xanh không chỉ cho nhu cầu sản xuất của Tập đoàn mà còn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, EU, Canada, Hàn Quốc, Úc.
Ông Đinh Xuân Cường - Phó Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings cho biết: "Tình hình cả nước nói chung đang gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng chúng tôi đang tập trung cao độ gấp rút đẩy nhanh, đảm bảo tiến độ xây dựng nhà máy PBAT An Phát. Dự án này hội tụ quyết tâm rất lớn của toàn Tập đoàn. Khi đi vào hoạt động PBAT An Phát sẽ hoàn thiện hệ sinh thái khép kín, chính thức đưa An Phát Holdings tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng nguyên liệu xanh toàn cầu".
Cũng trong tháng 7 vừa qua, An Phát Holdings hoàn thiện thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ, độc quyền công nghệ điều chế, sản xuất cho 2 sáng chế nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn là PBAT và PBS tại Việt Nam.
Hiện nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xanh thay cho các sản phẩm dùng một lần đang là nhu cầu lớn tại các nước phát triển và chắc chắn sẽ là xu thế ở các quốc gia đang phát triển. Với sản lượng hiện nay, dòng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn thân thiện môi trường của Tập đoàn chiếm khoảng 10-15% trên tổng sản lượng bao bì đang xuất khẩu. Mục tiêu khi nhà máy nguyên liệu xanh đi vào hoạt động, An Phát Holdings sẽ tăng tổng sản lượng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn lên 40-50%.
Ánh Dương