Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nêu 9 lý do để TP.HCM là cầu nối tốt nhất cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

(Tổ Quốc) - Sáng ngày 25/8, TP.HCM (đại diện là Sở Ngoại vụ), Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại TP.HCM đã đồng tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp TP.HCM - Hoa Kỳ chủ đề "Thúc đẩy quan hệ đối tác, sáng tạo vì tương lai thịnh vượng" nhằm kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ và giúp lấy lại đà phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Diễn đàn Doanh nghiệp TP.HCM - Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ chuyển thông điệp mạnh mẽ về sự chủ động và tích cực của TP.HCM trong việc chào đón và thu hút làn sóng đầu tư mới từ các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là tập đoàn công nghệ lớn của Hoa Kỳ. Ba lĩnh vực đang được thành phố mời gọi đầu tư bao gồm: đô thị thông minh, phát triển Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông và xây dựng trung tâm tài chính.

Tại diễn đàn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhắc đến lịch sử giữa hai nước và  trích dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Ông cũng nhấn mạnh, sau 20 năm, 2 đối thủ đã thống nhất để bình thường hoá quan hệ và hướng đến tương lai củng cố hợp tác và hoà bình.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra 3 điều kiện để hai quốc gia có thể bỏ lại quá khứ chiến tranh và đi vào hợp tác như hiện nay.

Theo ông, 2 quốc gia, 2 dân tộc đều chia sẻ những giá trị cơ bản giống nhau. Đây cũng là những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945.

Hai quốc gia đều học hỏi những sai lầm trong quá khứ. Ông nhận định: "Khi tôn trọng lẫn nhau thì chúng ta có thể làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn đối với người dân hai quốc gia cũng như trên toàn cầu".

"Đối với cá nhân tôi, 25 năm mối quan hệ hợp tác và đối tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là kỷ niệm tràn đầy ý nghĩa", ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.

Ông cho biết: "Sau 25 năm, chúng ta đã chứng minh được là chúng ta có thể đạt được những mục tiêu mà lúc đầu nghe có vẻ như không thể thực hiện nổi".

Những thành tựu đạt được trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu ra 3 ví dụ điển hình. Theo ông, trên thực tế, quy mô nền kinh tế Việt Nam vẫn còn khá nhỏ. Hiện nay, Việt Nam được xếp hạng nền kinh tế đứng thứ 44 trên thế giới trong GDP. Tuy nhiên, Việt Nam là đối tác thương mại đứng thứ 13 trong danh sách các đối tác thương mại của Hoa Kỳ.

Đồng thời, kim ngạch thương mại hai chiều của 2 quốc gia tăng trưởng và đạt hơn 77 tỷ USD vào năm ngoái, hơn 38 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay.

Ví dụ thứ 2 mà Bí thư chỉ ra đó là Intel Products đã đầu tư vào TP.HCM. Đây là nhà máy lớn nhất về lắp ráp cũng như kiểm nghiệm các sản phẩm của Intel trên toàn thế giới. Khoản đầu tư 1 tỷ USD này đã được bắt đầu vào năm 2010, tổng giá trị xuất khẩu tích luỹ ngày hôm nay đã vượt con số 36 tỷ USD.

Ví dụ thứ 3, số lượng sinh viên Việt Nam đã tăng trưởng liên tục trong 18 năm vừa qua. Hiện nay, hơn 24.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ. Các sinh viên này đã đóng góp khoảng 1 tỷ USD Mỹ doanh thu học phí cho các trường tại Hoa Kỳ.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, nếu có cơ hội, các đối tác tại Hoa Kỳ nên đến Việt Nam, đặc biệt là những địa danh như Sapa, Nha Trang,...

9 lợi thế để doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào TP.HCM

Ông cũng cho rằng các đối tác nhất định phải đến TP.HCM. Ông cũng chỉ ra 9 lý do để TP.HCM là cầu nối tốt nhất cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Thứ nhất, TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn với hơn 10 triệu người, với đồ ăn đa dạng từ các nước như Ý, Pháp, Hoa Kỳ,...

Thứ 2, TP.HCM có năng suất lao động cao nhất ở Việt Nam, gấp 3 so với bình quân trên toàn quốc.

Thứ 3, TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam. Hiện nay, thành phố đang đóng góp 25% vào GDP của Việt Nam và 30% thu ngân sách Việt Nam. Vì vậy nếu đầu tư thì các doanh nghiệp sẽ nhận được rất nhiều cơ hội phát triển.

Thứ 4, TP.HCM có trung tâm phần mềm lớn nhất và thành công nhất ở Việt Nam: Trung tâm phần mềm Quang Trung, với khoảng 10 nghìn lao động và đang cung cấp không gian làm việc cho 10.000 sinh viên. Năm vừa rồi, trung tâm đã xuất khẩu được hơn 500 triệu USD phần mềm.

Thứ 5, TP.HCM có khu công nghệ cao với hơn 160 doanh nghiệp đã đầu tư hơn 7 tỷ USD vào, hơn 46.000 người đang làm việc. Tổng giá trị xuất khẩu trong 10 năm vừa qua đã đạt hơn 64 tỷ USD.

Thứ 6, TP.HCM có thể đem đến cho các nhà đầu tư, các đối tác, chuyên gia các kết quả nghiên cứu từ 54 viện trường khác nhau và các phòng nghiên cứu.

Thứ 7, TP.HCM có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin cũng như là giao thông tốt để các doanh nghiệp có cơ hội đầu tư. TP.HCM có các mô hình Thành phố thông minh với giao thông thông minh, an ninh thông minh, dịch vụ y tế thông minh và quan trọng nhất là con người thông minh.

Thứ 8, Thành phố năng đội đổi mới và sáng tạo đang hình thành tại khu nội thành của TP.HCM.

Ngoài ra, thành phố còn có các trung tâm công nghệ cao cũng như 7 khu công nghiệp khác đang hoạt động, 7 trường đại học với hơn 10.000 sinh viên đang theo học, các cơ sở nghiên cứu đổi mới sáng tạo đang nằm ngay tại TP.HCM.

Lý do cuối cùng đó là thành phố còn có trung tâm tài chính mới và đô thị mới đó là Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Mặc dù Covid-19 đang diễn ra và những tác động của biến đổi khí hậu nhưng hai quốc gia sẽ phải tiếp tục vươn lên phía trước. Hoa Kỳ và Việt Nam đã quyết định đi cùng để phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị từ cách đây 25 năm.

Bí thư phát biểu: "Tôi tin chắc rằng chúng ta đều muốn tiếp tục con đường lịch sử và thành công mà chúng ta đã đi qua 25 năm vừa qua".

"TP.HCM đang có vị trí rất quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nên chúng ta cần nâng tầm mối quan hệ giữa TP.HCM với các cơ quan chính phủ và các tổ chức của Hoa Kỳ trong thời gian tới", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân kết luận.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê năm 2019, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 60,7 tỷ USD, tăng 27,8% so với năm trước và chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2020 với kim ngạch 37,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Tại TP.HCM, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của các doanh nghiệp trên địa bàn với kim ngạch 3,87 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, tăng 4,8% so với cùng kỳ.

Theo AmCham, Việt Nam đang gia tăng vị thế là nhà cung cấp hàng đầu trong khu vực ASEAN cho Hoa Kỳ; từ năm 2014 Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lớn nhất của khu vực vào Hoa Kỳ khi chiếm 21,6% tổng kim ngạch, vượt Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Singapore.

Tính đến cuối năm 2019, tổng vốn đăng ký đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt hơn 11 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Những thương hiệu nổi tiếng như Citigroup, Intel, Ford, AIA, Coca-Cola, Pepsi-Cola, KFC… đã có mặt trên thị trường Việt Nam từ nhiều năm qua.

Q.L

Tin mới