(Tổ Quốc) - Vị trí quán quân và á quân bám đuổi gần như sát nút và hai địa phương này chỉ hơn kém nhau chưa tới 50 triệu USD.
Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021 vừa được Bộ Công thương công bố, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 336,310 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020.
10 địa phương dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu gồm: TP. HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, Phú Thọ.
TP. HCM vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước, với xuất khẩu đạt 44,902 tỷ USD. Bắc Ninh bám sát nút sau TP. HCM với 44,85 tỷ USD.
Hà Nội đứng ở vị trí thứ 8 (tụt 1 bậc so với năm 2020, xếp sau Bắc Giang), đạt 15,5 tỷ USD.
TP. HCM và Hà Nội, dù vẫn là những thành phố có tỷ trọng xuất khẩu cao nhất, nhưng tỷ trọng tăng trưởng không cao bởi trong năm qua đây là 2 trong số những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19.
Năm 2021 có thể nói là năm khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Sự xuất hiện biến thể mới có tốc độ lây lan nhanh khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, giai đoạn tháng 8-9 có thể coi là đỉnh dịch với số lượng ca nhiễm lớn, các biện pháp chống dịch phải thực hiện ở mức cao nhất. Đợt dịch lây lan diện rộng ở các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp của cả nước như TP. HCM , Bình Dương, Đồng Nai,... khiến các doanh nghiệp phải dừng sản xuất hoặc tổ chức sản xuất tại chỗ làm ảnh hưởng đến nguồn hàng xuất khẩu.
Song, nước ta đã đạt được bước tiến nhanh trong công tác tiêm chủng. Đến cuối tháng 12/2021, Việt Nam đã tiêm chủng chạm mốc 150 triệu liều vaccine, nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ, các Bộ, ngành đã nỗ lực xây dựng các giải pháp ứng phó với những tình huống chống dịch ở mức cao nhất, thực hiện “mục tiêu kép” - đảm bảo tăng trưởng trong khi giữ được hiệu quả của công tác phòng chống dịch theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến chỉ đạo công tác đẩy mạnh xuất khẩu.
Ngay từ đầu quý II, khi đợt dịch Covid-19 lần này còn chưa diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng Đề án Phát triển xuất nhập khẩu bền vững trong những tháng cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Chính phủ sau đó đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 để các Bộ, ngành, địa phương cùng triển khai thực hiện.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam đã thích ứng nhanh, linh hoạt trong đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu, tận dụng đà phục hồi của các thị trường trọng điểm. Doanh nghiệp khai thác tương đối hiệu quả các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA mang lại để tăng trưởng xuất khẩu. Hoạt động sản xuất, xuất khẩu cũng đã nhanh chóng được phục hồi trong quý IV, góp phần tăng trưởng mạnh mẽ xuất khẩu, đưa cán cân thương mại từ nhập siêu chuyển sang xuất siêu.
Nhờ đó, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có sự tăng trưởng ngoạn mục, trở thành điểm sáng của nền kinh tế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; trong đó xuất khẩu tăng 19%, nhập khẩu tăng 26,5%.
Nhã Mi