(Tổ Quốc) - Rủi ro địa chính trị gia tăng đã làm rung chuyển thị trường Bitcoin, đẩy giá giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Hôm thứ Sáu (11/2), Tổng thống Mỹ, Joe Biden, kêu gọi người dân Mỹ hãy rời Ukraine ngay lập tức, cảnh báo "một cuộc xâm lược có thể bắt đầu bất cứ lúc nào." Hiện tại, Mỹ đã loại trừ việc đưa quân vào Ukraine bất chấp các hoạt động quân sự của Nga. Ngay sau đó, Bitcoin đã giảm hơn 7%.
Bitcoin sau đó hồi phục nhẹ, song ngày thứ Bảy (12/2) vẫn giảm giá khoảng 2% xuống 42.775 USD. Các đồng tiền mã hóa khác cũng đồng loạt giảm giá, với Ethereum giảm 5,1% trong cùng ngày, xuống 2.941 USD; Solana giảm 8,5% xuống 97,41 USD, Terra giảm 3% xuống 52,85 USD, Cardano giảm 7,4% xuống 1,07 USD, Shiba Inu giảm 7,4% xuống 0,000029 USD…
Chứng khoán Mỹ cũng lao dốc trong phiên cuối tuần khi các kênh trú ẩn an toàn truyền thống như vàng và USD tăng.
Diễn biến giá Bitcoin trong tuần này.
Sự mất giá mạnh của Bitcoin và nhiều đồng tiền kỹ thuật số quan trọng khác đã khiến tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa giảm sâu. Tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa hiện chỉ còn ở mức 1.987 tỷ USD.
Còn nhớ, trong tuần cuối cùng của tháng 1, Bitcoin đã giảm gần 9% xuống mức thấp nhất trong sáu tháng do lo ngại về một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Vào ngày 24 tháng 1, thị trường cũng chứng kiến sự sụt giảm của các tài sản rủi ro trên toàn thế giới dẫn tới hiện tượng bán tháo kéo dài.
Điều đáng nói là mặc dù giá Bitcoin đã giảm trong vài ngày qua, song tính chung trong tuần này, loại tiền điện tử lớn nhất tính theo vốn hóa thị trường vẫn tiếp tục tăng tuần thứ 3 liên tiếp, và biến động rất mạnh.
Bitcoin tăng giá tuần thứ 3 liên tiếp.
Trong 10 ngày qua, phần lớn các giao dịch Bitcoin diễn ra ở mức giá 41.000 – 41.500 USD. Theo nhà phân tích Jason Pagoulatos của Delphi Digital, một công ty nghiên cứu tiền điện tử. "Nếu mức giá 41.000 – 41.500 USD bị mất, Bitcoin có thể sẽ quay về mức khoảng 38.500 USD." Các chỉ báo kỹ thuật cho thấy triển vọng trung lập đối với giá loại tiền này, với mức hỗ trợ là 35.000 - 40.000 USD, còn mức kháng cự là 46.000 USD.
Thị trường tiền điện tử đang bị xáo trộn do kỳ vọng ngày càng tăng rằng các ngân hàng trung ương, dẫn đầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sẵn sàng rút lại các biện pháp kích thích đã áp dụng trong giai đoạn đại dịch – động lực thúc đẩy các tài sản rủi ro tăng giá mạnh mẽ trong thời gian qua.
Sam Doctor, giám đốc chiến lược đồng thời là trưởng bộ phận nghiên cứu của Bitooda Holdings Inc., cho biết các tài sản rủi ro, bao gồm cả tiền điện tử, có thể bước vào giai đoạn hoạt động khiêm tốn khi Fed bắt đầu tăng lãi suất tại cuộc họp của họ vào tháng 3 tới.
Ông Doctor nói: "Chúng ta vẫn đang ở trong môi trường lãi suất thấp. "Lịch sử cho thấy rằng các tài sản rủi ro ít nhất cũng có xu hướng hoạt động tốt vào mỗi đầu chu kỳ thắt chặt chính sách. Thị trường vẫn đang lạc quan rằng chu kỳ thắt chặt chỉ mới bắt đầu. "
Theo James Butterfill, người phụ trách bộ phận nghiên cứu của CoinShares, đặc điểm nhận dạng của Bitcoin là một tài sản có mối liên quan chặt chẽ với lạm phát thực sự đang "ngày càng được khẳng định bằng việc loại tiền này ngày càng nhạy cảm với các tin tức về lạm phát và lãi suất".
Theo ông Butterfill cho biết: "Những diễn biến giá cả đó cũng cho thấy các nhà đầu tư nhận thức rằng Bitcoin đã là một tài sản đang trưởng thành, vì trong những tháng gần đây, chúng tôi ngày càng thấy giá Bitcoin có phản ứng với các dữ liệu vĩ mô".
Ông Vetle Lunde, một nhà phân tích nghiên cứu thuộc công ty Arcane Research, nói rằng các tin tức liên quan đến vốn chủ sở hữu cá nhân, chẳng hạn như báo cáo thu nhập, dường như ít ảnh hưởng đến tiền điện tử hơn trước đây.
Ông nói: "Chúng tôi đã thấy những dấu hiệu về việc Bitcoin tách dần khỏi thị trường chứng khoán sau kết quả quý 4 đáng thất vọng từ Meta và các công ty công nghệ khác vào tuần trước. "Tuy nhiên, ngay sau khi con số lạm phát tăng nhanh, thị trường Bitcoin đã có phản ứng ngay tức khắc."
Thực vậy, Bitcoin tuần này vẫn tăng giá mặc dù chỉ số chứng khoán S&P 500 giảm 5,5% tính từ đầu năm đến nay, trong khi chỉ số Nasdaq – của lĩnh vực công nghệ - mất tới 9,3%.
Vốn hóa thị trường của Bitcoin so với tổng vốn hóa thị trường tiền điện tử tuần này đã tăng trên 40%. Trong giai đoạn thị trường tiền điện tử giảm giá, năm 2018, tỷ lệ vốn hóa của Bitcoin trên thị trường tiền điện tử đã tăng từ mức thấp 35% lên mức cao là 72%. Và trong năm qua, tỷ lệ này đã giảm 30 điểm phần trăm khi các altcoin tăng giá mạnh hơn Bitcoin.
Thị phần của Bitcoin trên thị trường tiền điện tử.
Một số nhà phân tích dự đoán Bitcoin sẽ tiếp tục chịu áp lực trong vài tháng nữa. "Trong đợt giảm giá vào mùa xuân năm ngoái, phải mất khoảng sáu tháng để Bitcoin phục hồi", NYDIG, một công ty nắm giữ Bitcoin, tuần này cho biết. "Nếu giá Bitcoin lần này giảm lâu tương tự như vậy thì sẽ phải đến tháng Năm thị trường mới quay lại xu hướng tăng".
Mặc dù đa số các nhà đầu tư không tin rằng ảnh hưởng của căng thẳng Nga – Ukraina đối với giá tài sản của Mỹ sẽ kéo dài, song trước mắt, những lo lắng về địa chính trị đang khiến thị trường Bitcoin biến động mạnh theo hướng xấu đi. Khi một làn sóng bán tháo chiếm lĩnh thị trường, có vẻ như Bitcoin nói riêng và thị trường tiền điện tử nói chung sẽ còn tiếp tục chao đảo.
Tham khảo: Bloomberg, Coindesk
Vũ Ngọc Diệp