(Tổ Quốc) - Chiều ngày 6/11, tại phiên chất vấn của Quốc hội, các đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi về những vấn đề như việc làm, thủy điện và thực trạng rừng hiện nay...
Trong phiên chất vấn chiều 6/11, đại biểu Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc) đã đặt ra vấn đề, hiện nay dự báo tình hình kinh tế - xã hội có nhiều phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng khó khăn, tình hình công nhân mất việc làm ngày càng nhiều.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Chìa khóa" tạo việc làm, giảm nghèo bền vững
Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung
Đại biểu Phùng Thị Thường đã đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội về giải pháp tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho công nhân, lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần đảm bảo trật tự an ninh, an toàn xã hội thời gian tới.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cho biết từ đầu năm đến nay đã tạo ra khoảng 7,8 triệu việc làm cho người lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64%. Bộ trưởng Dung khẳng định: "Tỷ lệ này có thể nói là sự cố gắng rất lớn và có thể chấp nhận được trong tình hình chung".
Đối với vấn đề tạo việc làm, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, điều quan trọng nhất đó là tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp. "Đây là chìa khóa tạo việc làm, giảm nghèo bền vững. Từ kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới cũng như ở các địa phương trong thời gian vừa qua, chúng ta có thể thấy điều này là quan trọng nhất".
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo lại lực lượng lao động. Hiện nay, Bộ LĐ-TBXH đang triển khai đề án nâng cao chất lượng lao động, dự kiến trình Chính phủ vào đầu năm 2021.
Thời gian vừa qua, đào tạo lao động chưa gắn với thị trường, chưa gắn với nhu cầu. Do vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần chú trọng hơn nữa đối với việc đào tạo đầu ra, đào tạo theo đơn đặt hàng, theo tiêu chuẩn công việc và vị trí việc làm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng quản trị nhân lực và đổi mới công nghệ. "Tôi cho rằng vấn đề này rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Những doanh nghiệp đi đầu trong công nghệ, những doanh nghiệp đổi mới trong quản trị thì đều đứng vững, tạo điều kiện công ăn việc làm cho người lao động".
Liên quan đến vấn đề dự báo cung cầu lao động trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, Bộ trưởng Dung kết luận: "Chúng tôi cũng đã lặn lội mời một số chuyên gia nước ngoài giúp cho Việt Nam về vấn đề này. Song mới chủ yếu dự báo được cung cầu ngắn hạn tại một số ngành nghề, lĩnh vực và giúp cho một số địa phương thực thi dự báo cung cầu, từ đó có hiệu quả hơn và tốt hơn. Tuy nhiên, đấy chỉ là bước đầu ở một số ngành nghề lĩnh vực. Thời gian tới phải tập trung vào việc này".
Mất rừng không có nghĩa là nghĩ đến thủy điện, mà bởi con người có tư duy sai!
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) đã đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về thực trạng rừng Việt Nam. Đại biểu đặt vấn đề: "Bộ trưởng nói bão lũ, sạt lở ở miền Trung trong những ngày qua là do trời mưa, địa chất bị đứt gãy. Vậy Bộ trưởng cho biết thời gian tới Bộ trưởng vẫn tiếp tục ủng hộ việc xây dựng, phát triển thủy điện nhỏ đúng không?", nữ đại biểu hỏi.
"Theo Bộ trưởng, ông trời, mẹ thiên nhiên và rừng có quan hệ gì với thực trạng bảo vệ rừng hiện nay ở Việt Nam. Với tư cách chuyên gia, đơn vị tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng thấy mình có trách nhiệm như thế nào với thực trạng đó?", đại biểu Ksor H’Bơ Khăp hỏi.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho hay: "Tôi không nói thủy điện là nguyên nhân hay thủy điện không phải là nguyên nhân, mà con người chính là nguyên nhân quyết định".
Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà
"Điển hình, Na Uy có rất nhiều thủy điện, nhưng họ dựa trên thế năng tự nhiên, còn chúng ta khai thác thủy điện mà chấp nhận đổi rừng thì lúc ấy, nguyên nhân chính là con người. Đại biểu hỏi tôi rừng quan trọng như thế nào so với trời, tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn trời, bởi tôi thở không khí từ việc lọc CO2 của rừng", Bộ trưởng Hà phát biểu.
Theo đó, ông nêu rõ, mất rừng không có nghĩa là nghĩ đến thủy điện, mất rừng là do con người có tư duy sai khi trong nhà toàn dùng đồ gỗ, sử dụng động vật hoang dã. Mất rừng do nhiều nguyên nhân khác và cần phải được quản lý. Theo Bộ trường, thời gian tới Bộ TNMT và Bộ NN&PTNN sẽ xem xét cùng Quốc hội, rà soát từng m2 đất bị chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Q.L