(Tổ Quốc) - Chiều ngày 1/12, tại Hà Nội đã diễn ra phiên họp lần thứ 3 của Hội nghị trực tuyến Mạng lưới Thực hành quy định tốt ASEAN - OECD lần thứ 6 do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức với chủ đề: "Cải cách hệ thống quy định để chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai".
Tại đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, những kinh nghiệm hay và sáng kiến tốt sẽ giúp các thành viên trong Mạng lưới thực hành quy định tốt vừa xây dựng được các chính sách tốt, vừa hợp tác chặt chẽ hơn để cùng nhau nâng cao khả năng chống chịu với khủng hoảng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói thêm: "Với việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc giai đoạn 2020-2021, Việt Nam cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực để cùng nhau giải quyết những thách thức chung, như việc phối hợp khắc phục dịch bệnh Covid-19 vừa qua".
Liên quan đến những thành công nổi bật của ASEAN trong khủng hoảng Covid-19, chuyên gia Chính sách, phòng Thiết kế chính sách, Viện Nghiên cứu kinh tế khu vực ASEAN và Đông Á, bà Intan Mumira Ramli nhận định, ASEAN đã nỗ lực đảm bảo sự hài hòa về quy định của ASEAN bằng cách áp dụng các nguyên tắc chính của thực hành quy định tốt vào Chương trình Hội nhập Kinh tế ASEAN nhằm xem xét các quy định, biện pháp, sáng kiến hiện tại và trong tương lai của từng quốc gia và khu vực. Từ đó, nhiều thỏa thuận và quy định của khu vực và trong nước đã được phê chuẩn kịp thời.
Điển hình như hội đồng vì doanh nghiệp của Singapore đã đưa thực hành quy định tốt vào toàn bộ hệ thống quản lý; đổi mới tư duy của cơ quan quản lý và cán bộ nhà nước. Bên cạnh đó, Đề án 30 của Việt Nam về cải cách thủ tục hành chính như đơn giản hóa ít nhất 30% số thủ tục hành chính và hạ thấp ít nhất 30% chi phí hành chính ; tiêu chuẩn hóa 11.000 thủ tục hành chính ở cấp xã vào 63 nhóm thủ tục minh bạch và nhất quán hơn ; cắt giảm rất nhiều chi phí...
Tại phiên họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ, chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2020 với nhiều thách thức trước mắt. Đại dịch Covid-19 đã gây ra một cú sốc lớn làm kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy thoái sâu và nghiêm trọng. "Việt Nam cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực đó. Ngoài ra, trong tháng 10, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ khu vực miền Trung, song kinh tế đất nước tiếp tục duy trì ổn định trong gần 1 năm qua".
Nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, nhiều ngành sản xuất kinh doanh có sự khởi sắc, trong đó nổi bật là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu có nhiều tín hiệu tích cực với thặng dư thương mại cao, dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong 11 tháng qua.
Cuối hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ bày tỏ mong muốn hợp tác giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ireland, các quốc gia OECD trong cải cách quy định sẽ có những bước phát triển vượt bậc. Từ đó, Việt Nam có thể thực hiện thành công các chương trình cải cách trong những năm tiếp theo; trong đó có Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh giai đoạn 2020-2025.
Hà Trần