(Tổ Quốc) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh điều này tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra chiều ngày 2/12.
Mặc dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam 11 tháng năm nay vẫn đạt mức xuất siêu là 20,1 tỷ USD. Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng ước đạt 489 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
"Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu 11 tháng đã tăng 1,5%. Như vậy, các hoạt động của doanh nghiệp đã trở lại, nhập khẩu thiết bị, máy móc và nguyên phụ liệu để phục vụ sản xuất. Như vậy, tăng nhập khẩu là điều rất đáng mừng!" - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Trong đó, chủ yếu nhập khẩu nhóm hàng về tư liệu sản xuất chiếm 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, theo Bộ trưởng, có thể nói, đây là một tín hiệu rất tốt trong chuỗi cung cầu sản xuất hàng hóa, đang dần hồi phục trở lại.
Theo dữ liệu từ Bộ Công thương, tính chung 11 tháng năm 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 234,78 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 85,43 tỷ USD, giảm 9,6 %; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 149,35 tỷ USD, tăng 9,4%.
Trong 11 tháng năm 2020 có 34 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 4 mặt hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, chiếm 49,3%), trong đó điện tử, máy tính và linh kiện đạt 57,4 tỷ USD (chiếm 24,5% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 33,1 tỷ USD, bằng cùng kỳ năm trước; điện thoại và linh kiện đạt 14,6 tỷ USD, tăng 9,3%; vải đạt 10,6 tỷ USD, giảm 12,3%; chất dẻo đạt 7,5 tỷ USD, giảm 9,4%; sắt thép đạt 7,3 tỷ USD, giảm 16,7%; sản phẩm chất dẻo đạt 6,5 tỷ USD, tăng 9,7%; ô tô đạt 5,5 tỷ USD, giảm 18,5%; kim loại thường đạt 5,4 tỷ USD, giảm 7,5%; sản phẩm hóa chất đạt 5,1 tỷ USD, tăng 3,1%.
Xét theo nhóm hàng, về nhóm hàng cần nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu 11 tháng năm 2020 ước đạt 207,39 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 88,44% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 22%; điện thoại các loại cũng tăng 9,3%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 9,7%; sản phẩm hóa chất tăng 3,1%.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất khác giảm như: Vải các loại giảm 12,3%; sắt thép các loại giảm 16,7%; nguyên, phụ liệu dệt may giảm 10,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 1,7%...
Với nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng chính trong nhóm hàng này tháng 11 tăng 6,9% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhóm hàng này giảm khá mạnh so với 11 tháng năm 2019, ước đạt 14,62 tỷ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ. Trong đó: Rau quả giảm 28,2%; bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc giảm 9,8%; ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ giảm 32,9%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 8,7%.
Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 73,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 42 tỷ USD, giảm 2,9%; thị trường ASEAN đạt 27,3 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 4,8%; thị trường EU đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,3%; Hoa Kỳ đạt 12,6 tỷ USD, giảm 3,6%.
Thái Quỳnh