(Tổ Quốc) - Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 9, chiều 16/3, Ủy ban Thường vụ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai thông qua chính sách thuế
Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) đặt vấn đề, từ 14/6/2019, Quốc hội đã có Nghị quyết số 82 giao Chính phủ nghiên cứu đề xuất giải pháp để khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai thông qua chính sách thuế theo hướng người sử dụng nhiều đất, nhiều nhà, đất bỏ hoang thì đánh thuế cao, nhưng gần 3 năm rồi chúng ta vẫn chưa có chính sách này.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải đáp, về vấn đề Đại biểu Đồng Ngọc Ba nêu, thứ nhất là phải sửa trong Luật Thuế, hai là sửa trong Luật Đất đai. Luật Đất đai dự kiến Quốc hội họp phiên thứ 5, hoặc muộn hơn nếu Quốc hội cho phép.
Bộ trưởng đồng tình với nội hàm chính sách này: "Tôi không muốn nói đến thuế bất động sản, mà muốn nói đến thuế sử dụng đất. Ở nghị trường này đã bàn đến thuế bất động sản mà chưa đủ cơ sở để đảm bảo quy định. Nhưng về thuế sử dụng đất, đối với dự án chậm sử dụng đất, khi đấu giá, đấu thầu phải đưa ra lộ trình sử dụng, coi đó là quy định bắt buộc, nếu kéo dài phải đánh giá để tránh "găm", tránh đầu cơ, trục lợi. Thuế đó tăng thế nào chúng ta sẽ bàn. Cùng với tốc độ tăng của giá đất hiện nay, tăng thuế đó sẽ lớn hơn".
"Ở Mỹ, sợ lắm khi có nhà mà không ở, có nhà mà không cho thuê. Kể cả nhà ở, kể cả dự án mà không đầu tư, kể cả đất nông nghiệp mà không sử dụng, chúng ta đánh vào thuế sử dụng đất"- Bộ trưởng nói và nhấn mạnh: "Chúng ta không đánh thuế chuyện có 5-6 nhà nhưng nhà nào không ở, nhà nào không sinh lời cho xã hội, cho thuê, kinh doanh, thương mại phải đánh".
Tình trạng "bong bóng", trốn thuế trong giao dịch đất đai
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 16/3, Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) đặt vấn đề: "Dấu hiệu của "bong bóng" bất động sản đang làm "rung lắc" thị trường, vấn đề trốn thuế trong các giao dịch đất đai đang xảy ra. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp của Bộ để khắc phục tình trạng này. Quan điểm của Bộ trưởng là có nên hình sự hóa hành vi gây lũng đoạn thị trường bất động sản hay không?".
Về vấn đề "thổi giá", đầu cơ đất đai mà các đại biểu đề cập, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đây là một hiện tượng rõ ràng là có thực.
"Tất nhiên, cùng với điều kiện Covid-19, người dân, doanh nghiệp gửi tài sản của mình bằng đất, mà đất cứ lên giá như ngựa phi thì rõ ràng ai cũng nghĩ là sẽ gửi. Nhưng khi đã đầu tư toàn bộ tiền, tài sản của xã hội vào đất đai, thì không mang lại hiệu quả. Đó là điều rất không tốt với nền kinh tế" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng chỉ rõ chiêu trò thổi giá: "Đất chưa sử dụng, nhưng lại tiếp tục tham gia đấu giá để giữ đất, găm đất. Găm đất lâu không sử dụng vì giá vẫn tiếp tục lên". Do đó, theo Bộ trưởng, chính sách phải làm sao để kiểm soát được các dự án đầu tư phải khả thi, xác định lộ trình của dự án để đưa vào phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, phải phân biệt các phân khúc thị trường, lây nhu cầu bất động sản nhà ở làm cơ sở để quyết định đầu tư phát triển đô thị và bất động sản. Ngoài ra, vấn đề quy hoạch sử dụng đất đai và quy hoạch đô thị cũng hết sức quan trọng, phải dựa trên cơ sở tính toán, dự báo của thị trường về nhu cầu.
Bộ trưởng cho rằng, vấn đề này hiện nay chưa thể hình sự hóa, nếu muốn hình sự hóa phải bổ sung chế tài để xem xét dấu hiệu lợi dụng trục lợi để xử lý.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân tiếp tục tranh luận: "Bộ trưởng cũng cho rằng thao túng thị trường, thổi giá không tốt cho nền kinh tế, Bộ trưởng lại cho rằng chính sách có sơ hở, nhưng về giải pháp thì tôi rất băn khoăn khi Bộ trưởng nói do cung cầu thị trường quyết định". Đại biểu Xuân nói và đề cập đến vấn đề bỏ cọc của công ty Tân Hoàng Minh, lập luận rằng số tiền mà nhà đầu tư bỏ cọc không đáng gì so với sự tăng đẩy giá đất của các khu vực xung quanh. Đại biểu Xuân vẫn giữ quan điểm cần hình sự hóa vụ việc này.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời, rằng hình sự hóa cần có quy định pháp luật, và thống nhất là phải xử lý nghiêm.
Tham gia cùng các đại biểu và Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định: "Hình sự hóa là việc biến quan hệ dân sự, hành chính thành quan hệ hình sự. Còn với vụ việc đấu thầu bỏ cọc vừa rồi, quá trình xem xét xử lý, nếu thấy có sai phạm dân sự thì xử theo pháp luật dân sự, sai phạm hành chính thì xử lý về hành chính, còn nếu rà soát điều tra thấy có sai phạm về hình sự thì xử lý hình sự".
Còn về vấn đề trốn thuế, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, có những trường hợp đã quyết định giao đất nhưng tiền để thu thì vẫn nợ, có thể coi là chưa thực hiện trách nhiệm về tài chính. Cũng có những trường hợp, đáng lẽ giao đất để làm dự án khu công nghiệp, thì nhà đầu tư "găm" lại đó, không làm, đất đó vẫn tăng giá và quá trình giao đất thì thu tiền rồi. Việc chậm thời gian đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng, thương mại chính là trốn thuế.
Bộ trưởng nhấn mạnh, công cụ thuế đưa ra phải tính toán một dự án công nghiệp, thương mại, nhà ở... khi đấu thầu, đấu giá phải xác định thời gian được hưởng chính sách ưu đãi và phải làm xong, không làm xong thì thuế đất phải tăng lũy tiến để bổ sung nguồn thuế. Các đối tượng đầu cơ đất đai, ngày hôm nay mua, ngày mai bán, gọi là "lướt sóng", đầu cơ thì thuế phải cao hơn.
Vụ Thủ Thiêm: Nếu phát hiện dấu hiệu bất bình thường, chứng minh được thì xử lý
Cũng liên quan đến vụ việc Thủ Thiêm, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, việc đấu giá tài sản tại Việt Nam hiện quy định bởi nhiều luật, liên quan đến nhiều cơ quan.
Luật Đấu giá quy định trình tự, thủ tục. Nhưng liên quan đến tài sản nào lại liên quan luật chuyên ngành đó.Về chế tài áp dụng nếu vi phạm về đấu giá có các hình thức như xử lý dân sự, hành chính, hình sự.
Những vụ việc vừa rồi xảy ra, có thể áp dụng quy định về tình trạng nâng giá có dụng ý và tội đầu cơ, vì vậy cần đồng bộ hóa các quy định về đấu giá.
Trong trường hợp đấu giá đất tại Thủ Thiêm, nếu phân tích một cách bình thường thì theo cơ chế thị trường. Nếu phát hiện dấu hiệu bất bình thường mà chứng minh được thì cần xử lý.
"Qua các vụ vừa rồi, cần rà soát vấn đề về trình tự, thủ tục đấu giá đảm bảo chặt chẽ hơn; rà soát khung liên quan tiền đặt cọc, phí... liên quan đấu giá về đất đai", Bộ trưởng nói.
Giá đất ảo nhưng có thể thế chấp và rút tiền ngân hàng là thực, làm ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cho biết, dư luận cử tri nêu, việc đấu giá đất tại nhiều nơi có hiện tượng bắt tay ngầm để tạo sóng. Có nhiều trường hợp nhà đầu tư trả giá "trên trời" rồi âm thầm bỏ cọc, kết quả trúng đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm. Điển hình như vụ đấu giá đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Thủ Đức vừa qua. Có hiện tượng làm nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao, tạo ra hiện tượng "sốt đất ảo", thiết lập mặt bằng giá đất mới khiến quá trình giải phóng mặt bằng triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, gây mất trật tự, an ninh xã hội.
Do đó, Đại biểu Đại Thắng đề nghị Bộ trưởng cho giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng này.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời: "Vấn đề đấu giá đất, trong thời gian vừa qua đã nổi lên, không chỉ có "thổi giá" mà thực tế còn có "dìm giá", quân xanh quân đỏ, là điều hết sức bức xúc. Ảnh hưởng của nó là hết sức nghiêm trọng, làm biến động thị trường bất động sản, làm thất thoát tài sản của nhà nước và tạo ra mặt bằng giá mới, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống kinh tế. Nếu nói sâu hơn nữa, việc thổi giá, đằng sau còn rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là giá ảo, nhưng có thể thế chấp và rút tiền ngân hàng là thực, làm ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ và nhiều vấn đề khác".
Dưới góc độ của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ liên quan, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các bộ đã có đánh giá kỹ lưỡng và đặc biệt có nghiên cứu của các hiệp hội góp ý, chỉ ra các nguyên nhân.
Xét dưới góc độ pháp luật, thì vấn đề này đang được điều chỉnh bởi các luật khác nhau: Luật Đấu giá, Luật Đất đai, các quy định liên quan về Tài chính, Thuế... Trong đó, do có nhiều luật nên các quy định thiếu cụ thể, kể cả trình tự, phương thức, đặc biệt là đối với loại tài sản mà giá trị về tài nguyên khác biệt như đất đai thì không thể so sánh với loại tài sản khác.
Theo Bộ trưởng, cần có quy định, phương pháp, trình tự khác hơn, chặt chẽ hơn, để đấu giá đối với tài sản là đất đai. Hiện nay, Luật đất đai mới chỉ quy định các điều kiện về doanh nghiệp tham gia đấu giá, nhưng chưa quy định điều kiện cụ thể liên quan đến năng lực của doanh nghiệp, chấp hành kỷ cương pháp luật nói chung, hay kinh nghiệm thực tiễn... Hay việc như thế nào là cuộc đấu giá bình thường, như thế nào là không bình thường thì cần có quy định bởi pháp luật, để cho người tham gia đấu giá chịu trách nhiệm, vừa có cơ sở pháp lý để điều chỉnh.
Bộ trưởng cũng cho rằng cần phải có chế tài mạnh hơn nữa với nhà đầu tư bỏ không tham gia, để đủ sức răn đe.
Còn vấn đề "quân xanh, quân đỏ", Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường khẳng định, đây là vấn đề có thực, cần phải nghiên cứu để lựa chọn hình thức phù hợp, chọn ra nhà đầu tư có năng lực, tăng cường kỷ cương, trách nhiệm thanh kiểm tra.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn chiều 16/3
Theo chương trình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà sẽ trả lời chất vấn các nội dung sau:
Thứ nhất là, việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Thứ hai là, trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân;
Thứ ba là, việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này;
Thứ tư là, việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp. Vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19.
Thứ năm là, vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.
Trong quá trình Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Thái Quỳnh