(Tổ Quốc) - Đối với CEO Nguyễn Việt Hòa, "bông hồng thép" của Công ty Cổ phần Đầu tư Asia Dragon (Rồng Á Châu), trên thương trường không có ngoại lệ hay ưu thế nào dành cho phái yếu. Và chỉ cần cố gắng hết mình, ai cũng có thể thích nghi được và làm tốt nhất.
Là người sáng lập và trực tiếp điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư Asia Dragon, chuyên sản xuất dây sợi tổng hợp cho hàng hải và nông nghiệp,15 năm qua, CEO Nguyễn Việt Hòa đã đưa Asia Dragon đã trở thành tên tuổi hàng đầu của Đông Nam Á trong ngành dây sợi tổng hợp, chinh phục những thị trường khó tính nhất như: Mỹ, Úc, Canada, Brazil, Mexico... Asia Dragon còn là nhà cung cấp cho các thương hiệu lớn như: Thagri, Hoàng Anh Gia Lai, U&I, trang trại Huy Long An… trong mảng nông nghiệp và hàng loạt đại lý lớn trong mảng cung ứng sản phẩm dây thừng cho ngành biển.
Đã có rất nhiều lần, CEO Nguyễn Việt Hòaphải đứng trước những quyết định "đi tiếp hay buông", thế nhưng, có 3 quyết định "sống còn" đã giúp chị và cả một đội ngũ cùng nhau đưa Asia Dragon vươn mình mạnh mẽ ở cột mốc tuổi 15, chuẩn bị để sẵn sàng cho những thử thách lớn hơn ở phía trước.
Không buông duyên nợ lớn với nghề "dây sợi"
Quay trở lại năm 2006, khi đó CEO Nguyễn Việt Hòa là bà mẹ của 2 cậu con trai còn rất nhỏ, bằng cấp kiến thức quản trị chỉ góp nhặt từ thực tiễn trong quá trình đi làm cho một công ty chuyên về dây thừng, kinh nghiệm trong mảng sợi nông nghiệp là zero… Thế nhưng, chỉ từ một lời gợi ý của một người khách hàng ở nửa bên kia trái đất "mảng sợi nông nghiệp này rất tiềm năng, làm đi!", chị Việt Hòa đã quyết định lớn, "đổ" hết vốn liếng tích góp được bao năm để lao vào nghiên cứu thị trường, thuê nhà xưởng, mò mẫm đi nước ngoài mua máy móc… Asia Dragon được khai sinh từ đó.
"Thời điểm đó, trung bình tôi ngủ được 3-4 tiếng, còn có những ngày gần như không chợp mắt để theo sát tiến độ. Có những lúc nghĩ lại tự hỏi bản thân, lỡ lúc đó mình thất bại thì sao nhỉ? Dù rằng cũng đã có những tính toán về đường lui nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ đến con đường phía trước mình phải đến", chị Việt Hòa nhớ lại những ngày tháng đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho Asia Dragon.
Kể từ quyết định táo bạo đó, duyên nợ với nghề dây sợi tiếp tục theo chị Hòa trong suốt quá trình trưởng thành cùng Asia Dragon. Đúc kết lại những ngày tháng khởi nghiệp, thứ quý giá theo chị Hòa là tình bạn vượt thời gian, không gian của vị khách hàng đáng kính năm đó và sự tin tưởng hết lòng của các cộng sự.
Tại sao người Việt phải mua sản phẩm đội giá gấp 30%?
Với vóc dáng mảnh mai, chị Hòa dễ khiến người đối diện đánh giá là tuýp người chân yếu tay mềm. Thế nhưng ẩn giấu trong dáng vẻ "liễu yếu đào tơ" đó lại là một trái tim không đầu hàng trước khó khăn. Với tư duy đó, vào năm 2017, khi Asia Dragon đã có mặt trên đủ 5 châu lục, chị Hòa quyết định đưa công ty vào thử thách mới khi quay về thị trường nội địa. "Chính vào thời điểm đó, một công ty có thâm niên lâu nhất trong lĩnh vực dây thừng của nước ngoài công bố IPO với lợi nhuận siêu khủng, tôi chợt thấy nhói tim vì đó là tiền của người Việt, là mồ hôi, là nước mắt, là sinh mạng của ngư dân Việt… Tại sao họ lại phải trả một cái giá rất cao để mua dây thừng của công ty này?" , chị Hòa chia sẻ.
Nghĩ được làm được, Asia Dragon quyết định quay về đầu tư vào thị trường Việt Nam. Và hơn 4 năm qua, Asia Dragon đã giúp giảm gần 30% chi phí cho chủ tàu và ngư dân, các nhà phân phối không còn bị chèn ép và công ty còn có một quỹ khuyến học dành riêng cho trẻ em nghèo hiếu học vùng duyên hải.
Quyết định tái cấu trúc, số hóa để lớn mạnh hơn
Năm 2019, nhận thức được tầm quan trọng của việc số hóa doanh nghiệp trong xu thế số hóa toàn cầu, CEO Việt Hòa lại đưa ra quyết định lớn: chọn KPMG (mạng lưới dịch vụ kinh tế tài chính đa quốc gia) làm đối tác chiến lược để tái cấu trúc tổng thể, số hóa doanh nghiệp trên diện rộng.
CEO Việt Hòa chia sẻ: "Trước khi chính thức ký hợp đồng với KPMG, điều tôi đau đáu nhất là tỷ lệ biến động nhân sự sau tái cấu trúc. Câu trả lời nhận được là khoảng 50% nhưng với Asia Dragon con số cao hơn nhiều. Tuy nhiên, sau mất mát đó, Asia Dragon cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhóm nhân sự vượt được bão trưởng thành hơn rất nhiều."
Kết quả rõ ràng nhất sau số hóa đó là khả năng thích ứng nhanh của công ty trong đại dịch. Năm 2020, Asia Dragon vẫn ghi nhận tăng doanh thu 30% so với cùng kỳ và 2021 vẫn ổn định sản xuất xuyên suốt 5 tháng TP.HCM "đóng băng" do Covid-19. Sự thay đổi cốt lõi này cũng là tiền đề vững chắc để công ty tự tin hơn tiến đến mục tiêu trở thành nhà sản xuất dẫn đầu về sợi nông nghiệp và dây thừng tại thị trường châu Á.
Khi được hỏi sức mạnh nào giúp một nữ doanh nhân đủ sức mạnh để chèo lái một con thuyền lớn? Chị Hòa đã đúc kết: "Tôi chưa bao giờ có khái niệm phân biệt việc gì là của nam hay nữ. Trong kinh doanh không có ưu tiên nào dành cho phái yếu. Ai cũng cần phải nỗ lực hết sức học tập, rèn luyện và làm việc, dù ở môi trường nào chỉ cần cố gắng mình sẽ thích nghi được và làm tốt nhất. Tôi còn may mắn vì có cả một đội ngũ ở phía sau mình."
Ánh Dương