(Tổ Quốc) - Theo báo cáo của BVSC, lợi nhuận sau thuế sau CĐTS của PHR năm 2022 đự đoán tăng trưởng mạnh chủ yếu đến từ việc PHR sẽ nhận được tổng cộng 691 tỷ đồng tiền bồi thường đất từ dự án VSIP 3 trong năm 2022. 207 tỷ còn lại PHR dự kiến sẽ ghi nhận vào năm 2023.
CTCP Cao su Phước Hòa (mã CK: PHR) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý 2. Theo đó, công ty mẹ PHR đạt 239 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi sau thuế 8,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 32% và 76%. Tuy nhiên, do lợi nhuận quý 1 tăng đột biến do khoản đền bù đất từ VSIP 3 289 tỷ đồng nên lũy kế 6 tháng, công ty mẹ PHR lãi 249 tỷ đồng, gấp 4,3 lần cùng kỳ.
Lợi nhuận năm 2022 sẽ tăng trưởng mạnh nhờ tiền bồi thường đất dự án VSIP 3
Hoạt động sản xuất kinh doanh chủ chốt của PHR vẫn là mảng bán thành phẩm (cao su và gỗ). Theo Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), triển vọng về nhu cầu cao su tự nhiên trên thế giới sẽ rất tích cực trong các năm tiếp theo.
Theo đánh giá của BVSC, giá cao su tự nhiên thế giới vẫn sẽ tăng trong năm 2022, trước khi hạ nhiệt vào năm 2023 và sẽ bước vào chu kỳ tăng mới kể từ năm 2024. Thực tế, trong 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng và giá trị xuất khẩu cao su tự nhiên của Việt Nam lần lượt tăng 8,9% và 13,4% cùng kỳ, đặc biệt khi có sự phục hồi rất mạnh trong tháng 4 và tháng 5. Giá bán xuất khẩu trung bình 5 tháng 2022 là 1.755 USD/tấn, tăng 4,2%.
Lợi nhuận mảng cao su tích cực nhưng nhóm chuyên gia lại dự đoán lợi nhuận mảng khu công nghiệp sẽ giảm khoảng 10% trong năm 2022.
Dù vậy, thu nhập từ bồi thường đất từ dự án VSIP 3 sẽ thúc đẩy lợi nhuận PHR trong năm 2022. Dự án VSIP 3 có tổng quy mô vào khoảng 1.000 ha, trong đó có 691 ha được phát triển trên đất trồng cao su của PHR. Theo phương án bồi thường, Công ty sẽ nhận một khoản đền bù với giá 1,3 tỷ/ha – tương đương tổng giá trị 898 tỷ đồng và 20% lợi nhuận từ dự án (nhưng không thấp hơn 1,2 tỷ/ha, tương đương 830 tỷ).
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo vào buổi họp ĐHCĐ 2022, PHR dự kiến sẽ ghi nhận 691 tỷ tiền bồi thường trong năm 2022 và 207 tỷ còn lại vào năm 2023. Công ty đã ghi nhận 289 tỷ tiền bồi thường đất trong quý 1, dự kiến hơn 400 tỷ còn lại sẽ được ghi nhận trong quý 2 và quý 3. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý 2 công ty mẹ PHR, trong quý 2, PHR chưa nhận thêm tiền bồi thường đất VSIP 3.
Bên cạnh đó, việc PHR có tham gia góp vốn 20% tại dự án này cũng sẽ mang lại lợi ích lớn cho PHR trong cả dài hạn. Dự án VSIP 3 sở hữu vị trí đắc địa, liền kề các VSIP hiện hữu và trung tâm thành phố mới Bình Dương, đồng thời nằm trên trục đường vành đai 4, dễ dàng tiếp cận cao tốc Mỹ Phước – Tân Vạn. Dự án đồng thời có vị trí thuận lợi dễ dàng di chuyển đến các cảng, sân bay cũng như kết nối đến tính Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Do vậy, BVSC đánh giá dự án này sẽ thu hút rất nhiều khách hàng thuê tiềm năng và triển vọng sẽ mang lại lợi nhuận lớn. Hơn nữa, việc hợp tác cùng VSIP cũng sẽ giúp PHR nâng cao năng lực trong việc đầu tư, triển khai phát triển các dự án khu công nghiệp sau này.
Dự án VSIP 3 đã được chính thức khởi công xây dựng từ tháng 3/2022. Chuyên gia kỳ vọng rằng dự án sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu, lợi nhuận kể từ 2023. Với giả định giá cho thuê đất là 120 USD/m2/chu kỳ thuê và mức tăng giá cho thuê là 5%/năm, chuyên gia ước tính tổng doanh thu cho thuê đất ước khoảng 30.000 tỷ (chưa tính lợi nhuận từ hoạt động thu phí kéo dài đến hết vòng đời dự án). Lợi nhuận ròng đạt khoảng 17.000-18.000 tỷ, tương ứng với phần lợi nhuận thuộc về PHR đạt 3.400-3.600 tỷ.
PHR có kế hoạch phát triển các dự án KCN – Khu đô thị trong tương lai với tổng quy mô lên đến gần 3.000 ha
3 dự án mới mà PHR đang theo đuổi là KCN Tân Bình 2 (1.055 ha); KCN – Khu đô thị - Dịch vụ Hội Nghĩa, Bình Mỹ (1.717 ha); KCN Tân Lập 1 (202 ha). Tuy nhiên, vấn đề hiện nay của PHR là việc phát triển các dự án phải được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo chỉ thị trung ương. Đồng thời, việc chuyển đổi mục đích sử dụng phụ thuộc rất nhiều vào quy hoạch của Chính phủ và Chính quyền địa phương. Và quá trình này để nhận được chấp thuận có thể sẽ kéo dài.
Quỹ đất của 2 dự án Tân Lập 1 và Tân Bình 2 đủ để cho thuê trong 10-12 năm. Lợi nhuận ròng ước tính từ 2 dự án trên theo giả định hiện tại của chuyên gia BVSC rơi vào khoảng 14.500 – 16.000 tỷ (phần thuộc về PHR) nếu hoàn thành các thủ tục pháp lý và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, chuyên gia đánh giá xác suất việc PHR sẽ giành được quyền phát triển các dự án này với các thông tin hiện tại là chưa cao do phải cạnh tranh về năng lực tài chính và năng lực triển khai với các nhà đầu tư tư nhân.
Huyền Trang