(Tổ Quốc) - Theo Hiệp hội Cá Tra Việt Nam (Vasep), bất chấp đại dịch Covid cản đường, kim ngạch xuất khẩu cá tra cả năm 2021 ước đạt 1,54 tỉ USD, tăng 3% so với năm 2020. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ cá tra tại một số thị trường lớn hồi phục mạnh vào những tháng cuối năm. Riêng thị trường Trung Quốc chiếm 28% tỉ trọng xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Trong quý III và IV/2021, Mỹ đã tăng lượng nhập khẩu cá tra với mức gần 50% để bù đắp cho một số thị trường khác có sự sụt giảm đáng kể. Đặc biệt, có doanh nghiệp thắng lớn (IDI chiếm lĩnh đến 22%) ở thị trường Nam Mỹ khi các nước Mexico, Brasil đổ xô ăn hàng sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Một trong những lý do khiến cá tra "hút hàng" vì đây là nguồn thực phẩm rất quí giá với khách phương Tây, giàu các dưỡng chất Omega 3,6,9, DHA, protein và phong phú các loại Vitamin A, E hoàn toàn tự nhiên. Họ cho rằng ăn cá tra có lợi cho sức khỏe, bởi các Axid béo không no có tác dụng kháng khuẩn rất tốt. Điều này càng có ý nghĩa thiết thực hơn trong tình hình Covid và các biến thể đang đe dọa đến cuộc sống con người.
Chủ tịch Cty IDI (thứ 2 từ bên phải sang) trao đổi với khách Tây về dinh dưỡng từ cá tra Việt Nam
Người thành công luôn có lối đi riêng
Ông Huỳnh Văn Hòa – phường Tân Lộc, Quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) cho biết, năm 2021 người nuôi cá tra đối mặt rất nhiều khó khăn khi xuất khẩu bị ách tắt do Covid hoành hành, chi phí logistics tăng cao đã làm doanh nghiệp thủy sản điêu đứng nên họ hạn chế mua và cán cân cung - cầu tiếp tục lệch mạnh. .
Theo đó, giá cá tra nguyên liệu liên tục rơi tự do (17.000 - 18.000 đồng/kg), thấp hơn giá thành sản xuất nhưng vẫn không có đầu ra khiến hàng ngàn hộ nuôi ở ĐBSCL lăm le trên bờ vực phá sản. Tuy vậy, nhưng riêng ông Hòa cùng nhiều hộ khác nhờ tham gia hợp tác với Cty IDI trong nhiều năm vẫn "an yên" vì họ đã được doanh nghiệp này bao tiêu với giá cao như đã cam kết.
Cá Tra Việt Nam tiếp tục quẫy đuôi bơi xa
Còn về phía IDI, thì Cty này đã biến "nguy" thành "cơ" trong thời gian giãn cách xã hội. Một mặt giữ chữ tín với các vệ tinh trong vùng nuôi liên kết, mặt khác còn giúp giải quyết thêm nguồn cá nguyên liệu giá rẻ từ những hộ nuôi tự do để tăng kho hàng dự trữ lên đến 1.400 tỷ đồng. Dồi dào và đa dạng chủng loại sản phẩm đã giúp IDI linh hoạt chốt nhiều đơn hàng từ những Cty cùng ngành do họ bị khủng hoảng về nguyên liệu và thiếu container rỗng để giao hàng đúng hợp đồng và đúng thời hạn…
Muốn đi xa phải đi cùng nhau
Mô hình hợp tác giữa Cty IDI và hộ nuôi "chung thủy" suốt 12 năm bên nhau và càng được "thử tải hiệu quả" qua những mùa dịch căng thẳng, là bài học kinh nghiệm đáng để suy ngẫm và học tập.
Sau cơn bĩ cực, ngành cá tra Việt Nam đang đến hồi thới lai vươn đến những mục tiêu mới. Lãnh đạo Sở NN&PTNT 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp cho rằng, ngành cá tra cần phải được phục hồi và phát triển để bù đắp cho những cơ hội bị bỏ lỡ trong suốt 4.5 tháng giãn cách do dịch. Muốn vậy thì buộc phải tái cơ cấu toàn diện, trong đó tập trung xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường liên kết vùng; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất; hạ giá thành sản phẩm và nâng cao sản phẩm giá trị gia tăng.
Với tổng sản lượng dự kiến lên đến 910.000 tấn, tăng khoảng 4% so với năm 2020 đã cho thấy sự trỗi dậy của con cá tra ở 2 tỉnh An Giang - Đồng Tháp đang thống lĩnh sản lượng nuôi trồng và xuất khẩu, kể cả những doanh nghiệp lớn sở hữu vùng nuôi tự có và vùng nuôi liên kết.
Các hộ nuôi liên kết với Cty IDI hăng hái trong niên vụ mới
"Các địa phương cần nhìn về một hướng, cùng liên kết từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu. Các doanh nghiệp cùng đồng thuận là việc rất quan trọng để góp phần giúp ngành cá tra phục hồi và trỗi dậy sau dịch". Bộ Trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Ánh Dương