Các đồng tiền rủi ro và chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh, USD và Bitcoin tiếp tục tăng

(Tổ Quốc) - USD và Bitcoin tiếp tục tăng trong phiên vừa qua, trong khi chứng khoán Mỹ đảo chiều hồi phục. Giá vàng quay đầu giảm khi nhà đầu tư bắt đầu trở lại với tài sản rủi ro. Các tài sản của Nga tiếp tục giảm mạnh, chứng khoán Nga niêm yết ở London mất một nửa chỉ trong 2 tuần qua.

USD tiếp tục tăng so với đồng euro do các nhà đầu tư lo sợ về tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine leo thang đối với triển vọng kinh tế, trong khi các đồng tiền liên quan đến hàng hóa tăng trở lại.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 2/3 theo giờ Việt Nam tăng 0,16% lên 97,5774, trước đó có lúc đạt 97,834, mức cao nhất kể từ tháng 6/2020. Đồng euro giảm 0,3% so với USD ở cùng thời điểm, sau khi có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 21 tháng, là 1,1059 USD.

"Chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư đã hạ mức đánh giá về khu vực đồng euro, cả về tiền tệ và vốn chủ sở hữu do tính chất dễ bị tổn thương trước bất kỳ động thái leo thang nào tiếp theo ở khu vực Đông Âu", các nhà phân tích của JP Morgan cho biết.

Shaun Osborne, chiến lược gia tiền tệ thuộc Ngân hàng Scotia cho biết: "Diễn biến xung quanh xung đột ở Ukraine sẽ vẫn là yếu tố chính quyết định xu hướng đồng euro". Theo ông: "Xung đột tiếp tục leo thang mà không có bước đột phá rõ ràng nào đối với Nga đang kéo đồng euro tiến về mức 1,10 trong những ngày tới".

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục với kế hoạch tăng lãi suất trong tháng này để cố gắng kiềm chế lạm phát, ngay cả khi cuộc xung đột ở Ukraine vẫn còn "rất không chắc chắn", Chủ tịch Fed, Jerome Powell, cho biết hôm thứ Tư (2/3).

"Lời phát biểu của ông ấy khá phù hợp với quan điểm của chúng tôi rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo", Bipan Rai, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối khu vực Bắc Mỹ của CIBC Capital Markets, ở Toronto, cho biết .

Dữ liệu vừa công bố cho thấy các chủ lao động trong lĩnh vực tư nhân của Mỹ đã thuê nhiều công nhân hơn dự kiến trong tháng 2/2022, và dữ liệu của tháng trước đó đã được điều chỉnh tăng lên do thị trường lao động phục hồi.

Các loại tiền tệ liên quan đến hàng hóa, bao gồm tiền Canada, Australia và New Zealand tăng trong phiên vừa qua do nhà đầu tư kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng cao.

Giá dầu đã tăng lên gần mức cao nhất trong vòng 8 năm, lúa mì lên mức đỉnh 14 năm, trong khi giá nhôm, khí đốt của Hà Lan và hợp đồng than châu Âu đạt mức cao kỷ lục lịch sử do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Đô la Australia (AUD) lúc kết thúc ngày 2/3 theo giờ Việt Nam tăng 0,19%, kiwi New Zealand (NZD) tăng 0,2%, trong khi đô la Canada (CAD) tăng 0,4%.

"Xu hướng này có tiếp diễn hay không còn phụ thuộc vào việc giá dầu có tăng tiếp hay không", chuyên gia Rai của CIBC Capital Markets cho biết.

Các đồng tiền rủi ro và chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh, USD và Bitcoin tiếp tục tăng - Ảnh 1.

Cập nhật tỷ giá tiền tệ thế giới.

Đồng tiền Canada mở rộng đà tăng sau khi Ngân hàng Trung ương Canada hôm thứ Tư (2/3) đã nâng mức lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên 0,50%, lần tăng đầu tiên kể từ tháng 10 năm 2018, và cho biết sẽ tiếp tục giai đoạn tái đầu tư cho chương trình mua trái phiếu của mình.

Việc các tiền tệ rủi ro tăng trở lại đã gây một chút áp lực lên các loại tiền trú ẩn an toàn như franc Thụy Sĩ và yên Nhật bị áp lực, với đồng USD tăng 0,2% so với đồng franc và tăng 0,5% so với đồng yên.

Rúp Nga tiếp tục xu hướng giảm do các lệnh trừng phát của phương Tây đã gây ảnh hưởng đến hệ thống tài chính của Nga.

Tại Moscow, rúp giảm gần 10% xuống 110 RUB/USD, mức thấp nhất mọi thời đại. Trên thị trường quốc tế, rúp thậm chí còn yếu hơn khi xuống mức 115 RUB/USD và 120,5 RUB/EUR (cũng giảm gần 10%). Đồng tiền này đã mất 1/3 giá trị từ đầu năm đến nay, bất chấp việc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã tăng lãi suất gấp hơn 2 lần, lên 20%, và yêu cầu các công ty chuyển đổi 80% nguồn thu ngoại tệ của họ trên thị trường nội địa vì CBR hiện đang bị phương Tây trừng phạt và đã ngừng can thiệp ngoại hối.

Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp Nga niêm yết tại London đang bốc hơi nhanh chóng, với chỉ số Dow Jones Russia GDR Index giảm 98% chỉ trong vòng 2 tuần qua, tương đương mất đi 570 tỷ USD. Việc bán tháo liên tục trong ngày 2/3 đã khiến hoạt động giao dịch bị tạm dừng nhiều lần. Riêng trong ngày 2/3, chỉ số Dow Jones Russia GDR Index – theo dõi 11 công ty lớn nhất của Nga được niêm yết tại sàn London – đã giảm 81%. Thị trường chứng khoán Nga vẫn tiếp tục đóng cửa.

Các đồng tiền rủi ro và chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh, USD và Bitcoin tiếp tục tăng - Ảnh 2.

Chứng khoán Nga niêm yết tại London lao dốc mạnh.

Trong khi đó, chứng khoán Mỹ hồi phục trở lại sau thông điệp từ Chủ tịch Fed về việc tăng lãi suất. Tất cả 11 lĩnh vực chính trong chỉ số S&P đều tăng điểm, trong đó chỉ số ngành ngân hàng tăng 1,4% vào lúc kết thúc ngày 2/3 theo giờ Việt Nam, hồi phục từ mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm 2021 trong phiên trước đó; cổ phiếu năng lượng tăng mạnh 1,8% bởi giá dầu thô tăng lên cao nhất gần 8 năm.

Bitcoin tiếp tục tăng phiên thứ 3 liên tiếp khi nhiều nhà đầu tư đặt cược rằng tiền điện tử sẽ được hưởng lợi từ sự biến động gia tăng trên thị trường tài chính. Bitcoin kết thúc ngày 2/3 theo giờ Việt Nam ở mức trên 44.000 USD.

Các đồng tiền rủi ro và chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh, USD và Bitcoin tiếp tục tăng - Ảnh 3.

Giá Bitcoin ngày 2/3.

Giá vàng thoái lui khi nhà đầu tư quay trở lại với tài sản rủi ro trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Mỹ tăng.

Vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 2/3 theo giờ VN giảm 0,7% xuống 1.929,12 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 4 giảm 0,6% xuống 1.932,30 USD.

David Meger, giám đốc giao dịch kim loại thuộc High Ridge Futures cho biết: "Chúng ta đang chứng kiến sự thoái lui có động cơ kỹ thuật nhiều hơn vì nhu cầu trú ẩn an toàn giảm nhẹ. Thị trường chứng khoán đang ổn định trở lại.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Vũ Ngọc Diệp

Tin Cùng Chuyên Mục
 Ngân hàng không nghỉ Tết

Ngân hàng không nghỉ Tết

Nhờ ứng dụng số hóa, nhiều ngân hàng đã hoạt động xuyên Lễ, Tết, không để gián đoạn dịch vụ. Trong đó, Ngân hàng số và các điểm giao dịch số đóng vai trò quan trọng trong việc mang đến các dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại cho khách hàng.
Tin mới