(Tổ Quốc) - Ngay cả khi việc sa thải là hợp lý về mặt tài chính, nó vẫn có thể làm tổn hại đến danh tiếng cũng như sự tăng trưởng dài hạn của họ", một CEO nhận định.
Hiện nay, nhiều gã khổng lồ công nghệ trên thế giới như Meta, Alphabet, Oracle, Tesla, Shopify, Microsoft… đang cắt giảm hàng loạt nhân sự hoặc đưa ra chính sách "đóng băng" tuyển dụng với lý do kinh tế suy thoái. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, họ đang phạm phải "sai lầm lớn" bởi khi tình hình ổn định hơn, các ứng viên tương lai sẽ đánh giá cách mà những công ty này đối xử với nhân viên.
Trong thời huy hoàng, các ông lớn công nghệ đã huy động được lượng tiền mặt khổng lồ, niêm yết trên sàn chứng khoán và tuyển dụng ồ ạt. Tuy nhiên, theo Danny Allan, giám đốc công nghệ của công ty phần mềm Veeam, việc sa thải hàng loạt như hiện nay sẽ khiến hình ảnh của họ bớt "lung linh" trong mắt công chúng.
"Tôi không quên được mỗi khi nhìn thấy thông báo một công ty công nghệ đã cắt giảm X phần trăm lực lượng lao động của mình. Theo tôi, họ đang tạo ra điều có thể tác động gián tiếp tới thương hiệu. Những người bị sa thải và ứng viên trong tương lai chắc chắn sẽ ghi nhớ cách mà các công ty này đối xử với người lao động. Nó có thể trở thành một trở ngại trong quá trình tuyển dụng của họ về sau, khi giai đoạn suy thoái qua đi", Allan nhận định.
Theo Richard Mabey, CEO của nền tảng tự động hóa hợp đồng Juro, một lý do có thể giải thích cho việc sa thải hàng loạt của họ là tuyển dụng thiếu trách nhiệm trong thời kỳ bùng nổ.
"Việc tuyển dụng ồ ạt tại các gã khổng lồ công nghệ đã diễn ra trong vài năm qua, khi họ kiếm tiền và huy động vốn đầu tư một cách dễ dàng. Ngay cả khi việc sa thải là hợp lý về mặt tài chính, nó vẫn có thể làm tổn hại đến danh tiếng cũng như sự tăng trưởng dài hạn của họ", ông cho biết.
Theo Allan, cắt giảm nhân sự đồng nghĩa với cắt giảm nguồn lực và mất đi sự đổi mới trong khi đây là những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với một công ty công nghệ. "Bên cạnh đó, khi sa thải nhân viên, họ đang gửi thông điệp đến mọi người rằng họ quan tâm đến tiền bạc hơn là con người", ông chia sẻ.
Mabey nói rằng việc cắt giảm một cách mù quáng sẽ dẫn đến tăng trưởng chậm lại, thậm chí là ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu trong tương lai vì việc đó không khác gì "tiết kiệm tiền mặt ngắn hạn nhưng có thể gây ra nỗi đau về trung hạn".
Theo hai vị giám đốc, thay vì áp dụng phương pháp cắt giảm và tiết kiệm cứng nhắc, các công ty công nghệ nên tập trung vào việc giữ chân những nhân viên trung thành và bồi dưỡng tài năng.
Allan nói: "Sức mạnh của họ phần lớn là nhờ vào những nhân tài mà họ sở hữu. Sự khác biệt bền vững lâu dài của bất kỳ công ty nào chính là sức mạnh của con người. Mang lại cho nhân viên lòng tin và sự yên tâm làm việc có lẽ là điều tốt nhất mà các công ty có thể làm trong bất kỳ loại thách thức kinh tế nào".
Mabey cũng có chung quan điểm với Allan. Theo ông, minh bạch là cách tiếp cận tốt nhất trong hoàn cảnh này. Ông đưa ra ví dụ về việc công khai số dư tiền mặt của công ty và các khoản chi tiêu với nhân viên để mọi người nắm rõ về tình hình hiện tại.
Hai vị giám đốc cùng đồng ý rằng nếu việc sa thải là không thể tránh khỏi, sự đồng cảm là rất quan trọng. Theo họ, các công ty có thể tìm cách để hỗ trợ nhân viên sau khi bị sa thải, ví dụ như giới thiệu họ vào một nơi làm việc khác.
"Ai cũng có một gia đình và cuộc sống cần lo liệu. Vì vậy, hãy tìm cách để giúp đỡ họ tối đa nếu buộc phải cho họ thôi việc", Allan nói.
Nguồn: BI
Mộc Tiên