(Tổ Quốc) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2022 đạt gần 27,72 tỷ USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, dòng vốn FDI đến từ các quốc gia Đông Nam Á đổ vào Việt Nam đạt 6,9 tỷ USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,26 tỷ USD và gần 1,29 tỷ USD. Còn lại là các ngành khác.
Đến nay, đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 39,7% so với cùng kỳ 2021.
Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 4,88 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD, chiếm gần 17,3% tổng vốn đầu tư, tăng 22,7% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan..
Trong các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, ngoài Singapore, các quốc gia khác cũng đã đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, các quốc gia đã đầu tư vào Việt Nam là Thái Lan, Malaysia, Brunei, Campuchia, Philippines, Indonesia, Lào và Myanamar.
Trong đó, Singapore dẫn đầu trong các quốc gia ở Đông Nam Á đầu tư vào Việt Nam với 280 dự án cấp mới và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 6,45 tỷ USD. Theo sau là Thái Lan với 37 dự án cấp mới và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 198,86 triệu USD. Xếp ở vị trí thứ 3 là Malaysia với 38 dự án cấp mới và tổng vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam đạt 184,18 triệu USD.
Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chiếm khoảng 40% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam. Đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản, tiếp theo là lĩnh vực sản xuất điện, hai lĩnh vực này chiếm khoảng 45% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam.
Các dự án FDI của Thái Lan đầu tư vào Việt Nam đa số có quy mô nhỏ, các dự án có quy mô dưới 10 triệu USD chiếm tới gần 80% tổng số dự án đầu tư. Lĩnh vực thu hút nhiều dự án FDI của Thái Lan là công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp Thái Lan đã đầu tư tại 50 tỉnh, thành của Việt Nam nhưng chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối thuận lợi như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cùng với đó, các dự án đầu tư của Malaysia tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đứng thứ hai là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; tiếp theo là lĩnh vực sản xuất điện; 3 lĩnh vực này chiếm khoảng 70% tổng vốn đầu tư của Malaysia tại Việt Nam
Malaysia hiện đã có đầu tư tại hơn 30 tỉnh, thành của Việt Nam (trong đó có khu vực dầu khí). Một số tỉnh, thành mà Malaysia đã đầu tư vào là TP. Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đối với Brunei, Campuchia, Philippines, Indonesia, Lào và Myanmar, các dự án của các quốc gia này đầu tư vào Việt Nam có quy mô tương đối nhỏ.
Xét về lũy kế tổng vốn đầu tư FDI đến hết 2022, Singapore vẫn là nền kinh tế đầu tư nhiều tiền nhất vào Việt Nam trong các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, lũy kế tổng vốn đầu tư FDI từ Singapore vào Việt Nam đạt khoảng 70,85 tỷ USD với 3.097 dự án tính đến hết 2022.
Bên cạnh đó, Thái Lan là nền kinh tế có lũy kế tổng vốn đầu tư đến hết năm 2022 vào Việt Nam xếp thứ 2 trong các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, lũy kế tổng vốn đầu tư FDI từ Thái Lan vào Việt Nam đạt khoảng 13,1 tỷ USD với 677 dự án tính đến hết năm 2022.
Các quốc gia còn lại như Malaysia, Brunei, Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia và Myanmarcó lũy kế tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đạt lần lượt là 13,06 tỷ USD; 971 triệu USD; 639 triệu USD; 606 triệu USD; 71,11 triệu USD; 69,43 triệu USD và 0,91 triệu USD.
Đại Phú