(Tổ Quốc) - Cầu xoay duy nhất ở Việt Nam nằm tại khu vực miền Trung.
Cụ thể, cầu sông Hàn tại Đà Nẵng hiện là câu cầu xoay duy nhất ở Việt Nam. Cầu Sông Hàn được khởi công xây dựng ngày 2/9/1998 và khánh thành, đưa vào sử dụng vào 29/3/2000. Đặc biệt, cây cầu được xây dựng nhờ phần lớn tiền đóng góp, ủng hộ của toàn bộ nhân dân Đà Nẵng
Theo Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng, cầu sông Hàn dài 456,46 mét gồm 13 nhịp, hai nhịp giữa có thể quay theo chiều dọc của dòng sông để tàu có trọng tải lớn, cột buồm cao có thể đi qua, vào các cảng ở sâu trong nội địa.
Cây cầu nối từ đoạn cuối của đường Lê Duẩn bên quận Hải Châu sang bên kia là quận Sơn Trà ở đầu đường Phạm Văn Đồng rộng 45 m chạy thẳng đến bãi tắm Mỹ Khê, nối thông với con đường ven biển từ Bãi Bụt bên núi Sơn Trà đến thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, vào tận Hội An, và mai đây sẽ vượt Cửa Đại đến Chu Lai, Dung Quất.
Sau khi cầu sông Hàn đi vào hoạt động, đi từ quân Hải Châu sang quận Sơn Trà chỉ cần ba phút xe máy để qua cầu, và nếu đi bộ thì cũng chỉ khoảng 10 phút. Giao thông phát triển thuận lợi đã khơi dậy những tiềm năng, mà trước mắt là dịch vụ và du lịch của hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn nằm ở vị trí một bên là sông Hàn, một bên là biển Đông.
Đặc biệt, cầu sông Hàn đã giúp Đà Nằng phát triển kinh tế vượt bậc. Cụ thể, sau 5 năm kể từ ngày cầu Sông Hàn được đưa vào sử dụng (2000 - 2005) hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn đã không còn hộ nghèo. Không gian đô thị của thành phố đang nới rộng về phía đông và phía nam với tốc độ nhanh.
Cầu Sông Hàn không chỉ góp phần thuận lợi cho giao thông đô thị và phát triển kinh tế của vùng đất ở phía đông thành phố, mà còn là một biểu tượng văn hóa khá độc đáo của một thành phố nơi cửa biển.
Nhờ phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng nhiều cây cầu nối 2 bờ sông Hàn, mở rộng đô thị về phía Đông để phát triển du lịch, Đà Nẵng thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ. Năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả năm 2022 ước tăng 14,05% so với năm 2021. Trong đó, khu vực dịch vụ đóng vai trò trụ đỡ chính cho tăng trưởng với mức tăng cả năm ước đạt 17,85%, đóng góp 13,31 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm.
Quy mô nền kinh tế toàn thành phố theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 125.219 tỷ đồng, mở rộng hơn 17.381 tỷ đồng so với năm 2021. GRDP bình quân đầu người năm 2022 (tính theo giá so sánh năm 2010) tăng 11,7% so với năm 2021. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người tính theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 102,6 triệu đồng/người (tương đương 4.313 USD/người), tăng 13,8% so với năm 2021.
Xét trên phạm vi cả nước, năm 2022, GRDP của Đà Nẵng xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tốc độ phát triển; xếp thứ 17/63 về quy mô.
So với khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng dẫn đầu về tốc độ phát triển và xếp thứ 4/5 về quy mô. So với 5 tỉnh, thành phố thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng dẫn đầu tốc độ phát triển và quy mô trong vùng.
Năm 2023, Đà Nẵng phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,5-7%, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.500 USD, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 6-7%, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt và vượt thu ngân sách năm 2022…
Minh Tiến