(Tổ Quốc) - Theo Vưu Lệ Quyên, ngày nay thế hệ mới là những con người lớn lên trong thời bình, tư duy sẽ rất khác so với thế hệ trước đó. Như vậy, điều nữ CEO Biti's muốn là tạo một môi trường nơi mọi người được bày tỏ quan điểm, được cống hiến, được muốn đến và được thử thách mỗi ngày: đó chính là cảm xúc trong công việc.
Là một trong những thương hiệu có mặt từ những năm 1980s, Biti’s có lẽ là đơn vị không những không bị lu mờ mà còn tiếp tục phát triển mạnh cho đến hiện tại. Trong sự thành công đó, cần thiết nhắc đến ái nữ Vưu Lệ Quyên - CEO 8X được biết đến với những chiến lược táo bạo, đưa thương hiệu Biti’s vực dậy từ bờ vực suy thoái trước những tay chơi mới nổi trên thị trường.
Chèo lái con thuyền gia đình trước áp lực cạnh tranh gia tăng, chưa kể sự khác biệt về thế hệ, câu chuyện của nữ lãnh đạo nhà Biti’s cũng mang những màu sắc mới mẻ dù không ít thử thách, gian truân.
Lựa chọn khía cạnh ‘cảm xúc và môi trường chung của doanh nghiệp’ cho câu chuyện chia sẻ tại Leaders Forum 2021, Vưu Lệ Quyên nhấn mạnh đến yếu tố "sợ hãi" hiện nay trong đa số doanh nghiệp.
Theo vị này, cảm xúc và môi trường chung là điểm mấu chốt quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Nhận thức rõ vấn đề trên, Vưu Lệ Quyên đã lựa chọn những bước đi khác biệt. Một trong số đó, nữ CEO chia sẻ: "Tôi đặc biệt không có trợ lý và thư ký riêng, bởi tôi thấu cảm vai trò thư ký, họ phải luôn bị động, đợi chờ để chốt lịch cho sếp. Trong khi ngày nay, với ứng dụng công nghệ thì mình có thể tự quản lý thời gian biểu của mình. Song song, tôi cũng kiểm soát được năng lượng cũng như tính kiên nhẫn của chính mình".
Thậm chí, Vưu Lệ Quyên cho biết mình khá cá biệt khi làm lãnh đạo nhưng vẫn tham gia cùng học với cán bộ công nhân viên. "Có lẽ lãnh đạo sẽ thấy khó khăn khi học chung với cấp dưới. Tuy nhiên theo tôi điều này là cần thiết để nhân viên noi gương khi họ nhận thức được rằng sếp cũng đang học hỏi, đang hoàn thiện bản thân", bà Vương nói.
Hơn hết, khi tiếp xúc với nhân viên, Vưu Lệ Quyên nhấn mạnh sẽ hiểu rõ được nhân viên của mình, người nào có lợi thế điểm yếu như thế nào. Ngược lại, cán bộ nhân viên cũng hiểu được lãnh đạo. Và như vậy, khi hai bên hiểu được điểm mạnh điểm yếu của nhau có thể hỗ trợ nhau tốt hơn trong công việc.
Tiếp tục câu chuyện, suốt 17 năm hoạt động tại Biti’s và trải qua tất cả các phòng ban, Vưu Lệ Quyên nhận thấy một khuyết điểm lớn nhất của Công ty: chính là dùng nỗi sợ hãi để buột nhân viên tuân thủ quy tắc.
Thực tế chiến lược này theo Vưu Lệ Quyên cũng đã phát huy nhiều điểm tốt, minh chứng là Biti’s phát triển mạnh mẽ giai đoạn 1980-2000. Nhưng, điều cần nói ở đây là liệu chúng ta có ôm được tư duy quá khứ để áp dụng lên thế hệ trẻ?
Theo cô, giai đoạn trước kia sở dĩ tạo ra sự sợ hãi có thể giúp Công ty phát triển bởi cán bộ nhân viên ngày ấy là thế hệ cũ – những con người vươn lên từ thời chiến tranh. Lúc bấy giờ, để nâng cao được tính kỷ luật, nhiều đơn vị dùng sự sợ hãi để đảm bảo sự tuân thủ của toàn thể người lao động. "Thậm chí cấp trên nói cấp dưới phải nghe, không được cãi lại", Vưu Lệ Quyên nhấn mạnh.
Được biết, tiền thân của Biti’s là 2 tổ hợp sản xuất Bình Tiên và Vạn Thành năm 1982 tại đường Bình Tiên, quận 6, Tp.HCM với 20 công nhân chuyên sản xuất các loại dép cao su đơn giản. Đến năm 1986 hai tổ hợp này sáp nhập lại thành hợp tác xã cao su Bình Tiên chuyên sản xuất giày dép chất lượng cao tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Đông Âu và Tây Âu.
Song, ngày nay thế hệ mới là những con người lớn lên trong thời bình, tư duy sẽ rất khác so với thế hệ trước đó. Như vậy, điều nữ CEO muốn là tạo một môi trường nơi mọi người được bày tỏ quan điểm, được cống hiến, được muốn đến và được thử thách mỗi ngày: đó chính là cảm xúc trong công việc.
Tưởng tượng, chỉ một tờ trình mà phải xin cho thì điều này thực sự đang kìm hãm doanh nghiệp trong thời đại mới, và sẽ rất khó để giữ chân được nhân tài trẻ, Vưu Lệ Quyên khẳng định. Hiểu rõ và quyết tâm cải cách đến cùng, dù theo cô rất khó để thay đổi văn hoá một doanh nghiệp, chưa kể là doanh nghiệp có thâm niên như Biti’s. Cuối cùng, những cố gắng thay đổi đã mang lại kết quả.
Những năm 2005-2016, sau hàng loạt chiến dịch quảng cáo thú vị kết hợp người nổi tiếng, liên tục ra mắt dòng sản phẩm mới cùng động thái chi mạnh để áp dụng phần mềm ERP, SAP, xây dựng thương hiệu thời trang cao cấp mang tên Gosto, triển khai bán hàng trực tuyến… thương hiệu Biti’s rũ mình đứng dậy. Sản phẩm thu về lượng tương tác cao trên mạng xã hội cũng như được các chuyên gia marketing đánh giá cao về ý tưởng thực hiện.
Đặc biệt, năm 2017, dòng Biti’s Hunter đã tạo được cú huých trên thị trường với sự góp mặt của ngôi sao Sơn Tùng M-TP trong MV Lạc Trôi. Đây cũng là năm đánh dấu sự trở lại của thương hiệu Việt, sánh vai với các đối thủ nặng ký như Adidas, Nike, Jockey…
Biti’s Hunter đã tạo được cú huých trên thị trường với sự góp mặt của ngôi sao Sơn Tùng M-TP trong MV Lạc Trôi.
Về Vưu Lệ Quyên, điểm lại năm 2004, cô chính thức trở về nước, đảm nhận chức vụ Phó tổng giám đốc Kỹ thuật và Kinh doanh Biti's. Sau khi trải qua nhiều vị trí khác nhau từ kinh doanh xuất khẩu, thiết kế, sản xuất, công nghệ thông tin, tiếp thị, kinh doanh nội địa đến chuỗi cung ứng, Vưu Lệ Quyên lên giữ ghế CEO vào năm 2009.
Không chỉ ý tưởng sản phẩm, sự góp mặt của thế hệ kế cận như Lệ Quyên (và Lệ Minh) còn tạo ra nhiều bước ngoặt quan trọng ở Biti's trong các khâu sản xuất, phân phối cũng như tiếp thị sản phẩm. Đơn cử, nếu như trước đây Biti’s hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống phân phối độc lập (nhà bán lẻ) thì sau này thương hiệu đã xây dựng riêng chuỗi cửa hàng tiếp thị một điểm trên cả nước, chuyên kinh doanh chuyên biệt các sản phẩm giày dép chỉ mang thương hiệu Biti’s.
Kết thúc năm 2019, doanh thu thuần của công ty mẹ Biti's đạt 1.954 tỷ đồng, tăng đến 51% và lợi nhuận thuần 111 tỷ đồng, tăng 42% so với kết quả đạt được năm 2016.
Trở lại với chia sẻ của Vưu Lệ Quyên, trả lời để có thể thực hiện được những chiến lược của riêng mình và cả doanh nghiệp, nguồn năng lượng nào giúp cô không bỏ cuộc mỗi ngày?
"Lãnh đạo thường đặt câu hỏi động lực đi làm mỗi ngày là gì? Với tôi, cảm thấy đồng nghiệp khổ nhiều quá, mọi người không được nói tiếng nói riêng, trong khi bản thân làm lãnh đạo với rất nhiều công cụ thì thì mình đã làm được gì cho nhân viên của mình. Đây chính là nguồn năng lượng, động lực để tôi vượt qua mọi trở lại", Vưu Lệ Quyên tâm sự.
Vị này nói thêm, làm lãnh đạo sẽ nhiều lúc rất cô đơn. Và nếu mình có thể chia sẻ được với đồng nghiệp, có được môi trường yêu thương thì lãnh đạo sẽ không còn cô đơn nữa. "Bởi, có thấu hiểu thì mới có yêu thương, mình hiểu được nhân viên mới biết quý nhân viên của mình, và ngược lại", cô chốt lời.
Thảo Anh