(Tổ Quốc) - "Cũng chính vì lý do này mà hầu hết các nhà đầu tư đang nhìn startup Việt Nam một cách khá ngắn hạn, họ thoái vốn rất sớm", bà Nguyễn Thái Hải Vân cho biết.
Việt Nam nằm trong số các quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về số lượng startup, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được xếp hạng thứ 3, sau Indonesia và Singapore.
Theo bà Nguyễn Thái Hải Vân – CEO Grab Việt Nam, các startup trong nước không chỉ đông đảo mà thế mạnh còn là sáng tạo, học hỏi nhanh và dũng cảm…
"Họ có thể đi vào những lĩnh vực mà đã có các ông lớn công nghệ làm rất tốt như livestreaming, AI. Startup Việt Nam vẫn tìm được ngách riêng của mình trong cuộc chơi mà Google, Facebook thống lĩnh. Tinh thần khởi nghiệp là thế mạnh", bà Vân nói.
Tuy nhiên, khi đến số lượng startup có định giá trên 200 triệu USD trở lên, hay ở level unicorn thì Việt Nam đang gặp phải lỗ hổng lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có hai cái tên chính thức được công nhận là kỳ lân công nghệ của người Việt là trường hợp của VNG và VNPay (theo báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA năm 2020 của Google).
Vì sao lại có sự đứt gãy này, khi mà lượng ý tưởng mới rất hùng mạnh nhưng lại không thể lớn được đến một mức độ nhất định?
Theo CEO Grab Việt Nam, gọi vốn là một trong những thách thức lớn, nhưng thách thức này không nằm ở sự thiếu nguồn vốn hay thiếu sự quan tâm tới thị trường Việt Nam. Mà ngược lại Việt Nam lại thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới đầu tư quốc tế. Thậm chí 2019 là năm đầu tiên trong lịch sử tổng giá trị đầu tư vào startup công nghệ của Việt Nam vượt Singapore.
Người điều hành Grab Việt Nam cho rằng, cái thiếu của các startup là khả năng và tầm nhìn của các nhà sáng lập. Họ rất mạnh ở giai đoạn đầu tiên, tìm ra ý tưởng, xây dựng ý tưởng, nhưng đến triển khai và hoàn thiện thì thiếu hẳn khả năng lãnh đạo, thu hút nhân tài, xây dựng hệ thống, quản lý. Dó là những lĩnh vực cần phải đầu tư hơn nữa để bồi dưỡng cho startup Việt Nam.
"Cũng chính vì lý do này mà hầu hết các nhà đầu tư đang nhìn startup Việt Nam một cách khá ngắn hạn, họ thoái vốn rất sớm. Hay kể cả bản thân các startup thì tinh thần vẫn là startup để exit hơn là có một tầm nhìn 10 năm, 20 năm để trở thành một lực lượng có thể thay đổi bộ mặt của nền kinh tế", bà Nguyễn Thái Hải Vân chia sẻ.
Grab Ventures Ignite mùa 1 thu hút 300 startup hoạt động tại Việt Nam tham gia. Ảnh: Grab VN
Bản thân Grab đang tổ chức một chương trình đào tạo giành cho các startup giai đoạn tiền hạt giống tại Việt Nam mang tên Grab Ventures Ignite. Trong năm đầu tiên 5 đơn vị giành chiến thắng bao gồm bePOS, Stringee, GoDee, Papaya và Vbee.
Theo bà Vân những startup kể trên có nhiều điểm nổi trội và phù hợp tiêu chí của Grab Ventures:
Đầu tiên là mô hình kinh doanh, ý tưởng kinh doanh đặt ra những đầu vào rất rõ ràng về việc họ dùng công nghệ gì để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Câu hỏi này được đặt lên bàn cân và lật qua lật lại rất nhiều để xem họ xử lý tốt hơn các giải pháp hiện tại như thế nào. Hàm lượng công nghệ để giải quyết những vấn đề này có bền vững hay không.
Thứ hai, khi nào các dự án sẽ có lợi nhuận và cách nào để lợi nhuận đó duy trì sự phát triển trong tương lai. CEO Grab Việt Nam cho biết, mặc dù các startup này đang ở giai đoạn rất sớm, tiền hạt giống. Tuy nhiên họ đã có những kế hoạch, đưa ra những phương án để giải quyết về lâu dài bắt đầu có lời và nuôi được chính họ.
Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp ở giai đoạn tiền hạt giống chưa nghĩ đến vấn đề mô hình kinh doanh bền vững là gì, họ tập trung chủ yếu vào câu chuyện làm thế nào để tồn tại, làm thế nào để tăng trưởng. Các startup được chọn có câu trả lời về mô hình kinh doanh bền vững từ rất sớm.
Cuối cùng là năng lực của các nhà sáng lập, bao gồm năng lực ứng biến, thu hút nhân tài, năng lực đi gọi vốn đầu tư cũng như cái nhìn rộng về lâu dài, về cơ chế chính sách, những khó khăn khi mô hình được scale up rộng hơn. Các startup này có năng lực nhìn về phía trước từ 1 – 3 năm, xa hơn nhiều so với các startup khác.
Nói về sức chịu đựng của các startup trong giai đoạn khó khăn, CEO Grab Việt Nam lấy giai đoạn COVID-19 làm dẫn chứng. Bà cho rằng, những startup sống sót tốt không phải vì ý tưởng của họ hay, mà vì khả năng quản lý vận hành cũng như hiểu rõ hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi như thế nào, môi trường đầu tư thay đổi ra sao.
Các startup tồn tại là những doanh nghiệp sâu sát nhất với người tiêu dùng, cũng như năng lực đổi mới sáng tạo rất nhanh.
"Năm 2020 là bước thử cũng như bài học cho nhiều startup sau này, để họ có thể tồn tại được ở môi trường khó đoán. Đổi mới sáng tạo và năng lực quản lý là hai yếu tố sống còn", bà Nguyễn Thái Hải Vân chia sẻ.
Đông A