(Tổ Quốc) - Là doanh nghiệp tiên phong nhập khẩu hải sản cao cấp trên thị trường với 18 năm kinh nghiệm, những tưởng câu chuyện kinh doanh của Hải sản Hoàng Gia luôn “xuôi chèo mát mái”.
Nhưng dịch bệnh bất ngờ ập đến. Làm thế nào để tồn tại? Làm sao để tìm kiếm cơ hội phát triển ngay giữa khó khăn? là những vấn đề khiến CEO Trần Văn Trường băn khoăn trước quyết định "bẻ lái" con tàu doanh nghiệp.
Cách đây 18 năm, khi điều kiện tiêu dùng của người dân vẫn còn nhiều hạn chế, lý do nào khiến ông quyết định thành lập nên thương hiệu Hải sản Hoàng Gia chuyên cung cấp hải sản nhập khẩu tươi sống cao cấp?
Trước đây tôi đã từng có thời gian lập nghiệp trong ngành thủy sản, tham gia trực tiếp công việc trong mảng đông lạnh. Khi ấy tôi đã luôn băn khoăn với câu hỏi: Vì sao người dân mình chỉ được ăn hải sản cấp đông mà không phải hải sản sống?
Tôi bắt đầu tìm hiểu và áp dụng kỹ thuật "ngủ đông" cho tôm sú để đảm bảo sau khi vận chuyển đến tay khách hàng thì tôm vẫn còn sống. Sau tôm sú, tôi tiếp tục ứng dụng kỹ thuật để phân phối hải sản sống đến tay người dân thay vì hàng đông lạnh. Khi có trong tay kỹ thuật rồi, tôi bắt đầu sang các nước phát triển như Mỹ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản… để tìm hiểu thị trường và bắt đầu nung nấu kế hoạch làm sao để đưa được những loại hải sản tươi ngon, giàu dinh dưỡng tại những vùng biển trên thế giới về phục vụ người Việt. Và lý do để Hải Sản Hạ Long (tiền thân của Hải Sản Hoàng Gia) được thành lập vào năm 2002 là như vậy.
Như vậy có thể hiểu rằng bí kíp để đảm bảo chất lượng hải sản đến tay khách hàng của Hải sản Hoàng Gia chính là độ tươi sống?
Đúng là như vậy. 18 năm hoạt động trên thị trường, điều khiến tôi tự hào nhất đó chính là kỹ thuật đưa con hàng nhập khẩu còn sống tới tay người tiêu dùng. Hiện chúng tôi đã đưa được King Crab từ Nga, Na Uy; Hàu, Tôm Hùm, Ốc Vòi Voi, cua Dungeness từ Mỹ, Canada; Bào Ngư từ Hàn Quốc, Úc… về tới Việt Nam mà vẫn khỏe mạnh tung tăng trong hồ.
Trước đây, để thưởng thức hải sản nhập khẩu hạng sang ví dụ như Cua Hoàng Đế thì khách hàng trong nước phải trả số tiền bằng cả… 1 con bò. Nhưng khi chúng tôi đứng ra xin giấy phép và thực hiện đầy đủ quy trình để nhập khẩu được Cua hoàng đế sống về trong nước thì khách hàng đã hoàn toàn có thể thưởng thức được hương vị Vua của các loài cua chỉ với giá thành khoảng 1/3 so với trước.
Trước khi xuất hiện thương hiệu Hải sản Hoàng Gia trên thị trường, muốn thưởng thức Cua hoàng đế thì thực khách phải tốn chi phí ngang giá 1 con bò - một mức giá rất "trên trời". Vậy điều gì khiến ông tự tin vào tiềm năng phát triển của thị trường trong thời điểm đó?
Sự lạc quan xuất phát từ việc đánh giá thói quen tiêu dùng của khách hàng. Nhu cầu thưởng thức ẩm thực biển cao cấp ngày càng cao, nhưng nguồn cung hiếm, giá thành cao. Trước đây người ta muốn ăn hải sản cao cấp thì phải vào nhà hàng, khách sạn 5 sao bởi không phải ai cũng có thể tự chế biến các con hải sản lớn, cao cấp như King Crab, Tôm Hùm Alaska, Ốc Vòi Voi… tại nhà.
Khi thành công mang King Crab sống về Việt Nam, chúng tôi đã khiến giá thành của loại hải sản cao cấp bậc nhất thế giới này rẻ đi rất nhiều và phù hợp hơn với các phân khúc khách hàng tầm trung. Có thể nói sự xuất hiện của Hải sản Hoàng Gia tại thời điểm đó đã tạo ra một sự thay đổi rất lớn trong thói quen tìm mua hải sản của người Việt. Chúng tôi từng bước đáp ứng được nhu cầu thưởng thức hải sản cao cấp và từ đó tiếp tục phát triển những sản phẩm mới để ai cũng được ăn hải sản ngon của thế giới.
Trong vai trò là doanh nghiệp tiên phong trên thị trường nhập khẩu hải sản cao cấp, việc tìm kiếm nguồn hàng và đảm bảo chất lượng lượng sản phẩm nhập khẩu về Việt Nam đã được ban lãnh đạo công ty triển khai như thế nào?
Để tìm kiếm nguồn hàng, chúng tôi đã phải liên tục bay đi các nước để chọn lựa được nguồn sản phẩm đạt chuẩn về chất lượng, đảm bảo độ an toàn và tìm được các nhà cung cấp uy tín để đưa hải sản về Việt Nam. Hàng hải sản sống nhập khẩu đòi hỏi yêu cầu rất cao của cơ quan quản lý nhà nước nên chúng tôi phải mất từ 3-6 tháng để hoàn thiện các hồ sơ nhập khẩu. Để bảo quản con hàng về tới Việt Nam an toàn, chúng tôi đầu tư thiết bị máy móc ngoại nhập, kho vận đạt tiêu chuẩn để nuôi hải sản trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt vốn không tương đồng với bản xứ.
Hiện nay chúng tôi đang là đối tác lâu dài và uy tín của các nhà cung cấp hải sản lớn tại nhiều nước như Canada, Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Ireland... Bên cạnh sản phẩm nhập khẩu, chúng tôi cũng đặt ra trọng trách hỗ trợ ngư dân Việt trên thương trường, mong muốn mang tới những sản phẩm nội địa cao cấp, chất lượng tới người dùng, nhằm nâng tầm ẩm thực biển Việt Nam và Thế Giới, xây dựng cuộc sống thịnh vượng cho khách hàng, đối tác và đội ngũ.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng trên thị trường, theo ông, lợi thế nào giúp Hải sản Hoàng Gia đứng vững và phát triển thành một hệ thống rộng khắp cả nước như ngày hôm nay?
Ban lãnh đạo và đội ngũ nhân sự của Hải sản Hoàng Gia đã xác định rất sớm mục tiêu, sứ mệnh là đưa những con hải sản ngon từ mọi vùng biển trên thế giới về phục vụ người Việt. Ngay cả trong những thời điểm thị trường đầy thách thức thì đội ngũ vẫn sát cánh để cải tiến chất lượng dịch vụ mỗi ngày, đáp ứng được ngày càng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng. Chúng tôi tự hào là công ty đầu tiên mở ra và phát triển mô hình siêu thị hải sản tươi sống cao cấp có bếp. Từ việc đảm bảo hải sản tươi sống chất lượng từng con đến tay khách hàng, đến dịch vụ chế biến mang đi do các đầu bếp chuyên nghiệp trên 10 năm kinh nghiệm đảm nhiệm. Bởi vậy, chúng tôi tự tin khi cam kết 1 đổi 1 tại nhà trong vòng 24 giờ khi sản phẩm không đạt chuẩn tươi sống và đầy thịt. Đây là điểm khác biệt lớn nếu so sánh Hải sản Hoàng Gia với các đơn vị kinh doanh khác trên thị trường.
Áp lực cạnh tranh vốn không hề thấp, kèm theo đó là tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, nguồn thu nhập của người dân bị ảnh hưởng... Những yếu tố này đã ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của công ty thời gian qua, thưa ông?
Hải sản Hoàng Gia với quy mô phục vụ hơn 1.000 nhà hàng, khách sạn lớn trên cả nước quả thực phải đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn giãn cách xã hội. Nhà hàng buộc phải đóng cửa, công nợ không thu hồi được, nhân sự không có việc làm, hàng hóa nhập về không tiêu thụ được…. Chúng tôi đã quyết định "xoay trục" để thay đổi tình hình. Từ một doanh nghiệp chuyên cung cấp sỉ, Hải sản Hoàng Gia đã "bẻ lái" chuyển mình thành thành thương hiệu bán lẻ với 8 chi nhánh được thành lập chỉ trong 7 tháng. Đầu tư nhanh chóng vào marketing và dịch vụ online, phát triển dịch vụ chế biến giao tận nhà, chọn lựa những mặt bằng ở khu vực đắc địa, lưu lượng dân cư đông… là những giải pháp chúng tôi đồng thời thực hiện trong điều kiện kinh doanh mới.
Trong đợt dịch Covid vừa qua, Hải sản Hoàng Gia là đơn vị bán hải sản đầu tiên phát triển dịch vụ chế biến hải sản tươi sống và giao tận nhà với thực đơn phong phú, chất lượng đảm bảo như nhà hàng. Việc giúp người tiêu dùng hình thành thói quen mua hải sản tươi sống chế biến mang đi hoặc nhận giao hàng tận nhà sẽ vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe trong mùa dịch.
Thuận lợi trong việc chủ động tìm kiếm nguồn cầu là vậy nhưng đối với nguồn cung, công ty làm thế nào để đảm bảo số lượng cũng như chất lượng hàng hóa trong bối cảnh Covid-19 đang ảnh hưởng trực tiếp đến ngành logistic quốc tế?
Quả thực Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động vận chuyển trên thế giới. Lịch bay của các hàng hàng không thay đổi đã buộc chúng tôi phải có kế hoạch dự báo, chọn làm việc với những đối tác lớn uy tín để giảm thiểu thiệt hại. Thậm chí có khi chúng tôi phải chủ động nguồn hàng bằng cách đầu tư chuyến bay vận tải riêng để đảm bảo thông suốt lượng hàng, đáp ứng nhu cầu người dùng.
Sự linh hoạt trong hoạt động kinh doanh đã mang lại kết quả như thế nào cho công ty tính từ đầu năm 2020 đến nay?
Rất may mắn là với sự chuyển hướng kinh doanh kịp thời, dù là "người mới" trong ngành bán lẻ, chỉ trong vòng 7 tháng, chúng tôi đã mở 8 chi nhánh và phục vụ hơn 100.000 đơn hàng trong mùa Covid. Bên cạnh việc tạo ra được thói quen mới thưởng thức hải sản cao cấp tại nhà, chúng tôi đã tạo thêm được việc làm cho người lao động, hỗ trợ ngư dân tiêu thụ hải sản từ các vùng biển Việt Nam. Chúng tôi cũng tự hào vì là công ty đầu tiên mở ra 1 ngành hàng mới, mô hình mới trong mùa Covid đó là siêu thị hải sản cao cấp có bếp.
Trong bối cảnh Việt Nam đã kiểm soát tốt được dịch bệnh như hiện nay, chiến lược kinh doanh đường dài nào đang được ban lãnh đạo Hải sản Hoàng Gia đặt ra trong thời gian tới?
Hiện nay chúng tôi xác định rất rõ tầm nhìn trở thành thương hiệu hải sản số 1 Đông Nam Á, nâng tầm ẩm thực biển Việt Nam và thế giới. Trong năm nay, Hoàng Gia đang chạy nước rút để hoàn thành kế hoạch mở 10 chi nhánh, phát triển Bếp Hoàng Gia thành thương hiệu tin cậy và tiện lợi nhất về chế biến hải sản cao cấp. Trong 5 năm tới, chúng tôi dự kiến sẽ phát triển 68 cửa hàng, mở rộng hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ để mang tới ngày càng nhiều những bữa ăn sum vầy, hạnh phúc cho người Việt nói chung và "tín đồ" hải sản nói riêng.
Xin cảm ơn ông!
Ánh Dương