(Tổ Quốc) - Trước hết, VNG không cần vốn gấp. Thứ hai, việc mở rộng ra các thị trường khác trên toàn cầu không phải là ưu tiên hàng đầu lúc này của người sáng lập Lê Hồng Minh.
VNG là công ty đầu tiên của Việt Nam đạt được vị thế kỳ lân với mức định giá hơn 1 tỷ USD. Công ty từng đạt được Biên bản ghi nhớ (MOU) với Nasdaq năm 2017 để theo đuổi phương án phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), tuy nhiên kế hoạch này sau đó bị bỏ ngỏ. VNG được cho là có kế hoạch huy động 3 tỷ USD trong một thương vụ sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).
Bloomberg đưa tin, kế hoạch huy động vốn của VNG là để chuẩn bị cho việc mở rộng sang Ấn Độ, Nga và các thị trường châu Á khác, mức định giá ước tính từ 2 – 3 tỷ USD. Vậy điều gì đã khiến cho kỳ lân công nghệ của Việt Nam không thể thực hiện thành công việc niêm yết cổ phiếu?
Trong một cuộc phỏng vấn trên podcast với GGV Nextbillion, ông Lê Hồng Minh, Người sáng lập kiêm Tổng giám đốc của VNG đã tiết lộ thông tin quan trọng về lý do công ty chậm tiến hành IPO.
Trước hết, VNG đang không cần vốn gấp. Theo những gì ông Lê Hồng Minh nói trong cuộc phỏng vấn, VNG luôn sử dụng lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh game để đầu tư vào các mảng kinh doanh mới. VNG tiền thân là Vinagame. Hai tháng sau khi ra mắt trò chơi nhập vai trực tuyến đầu tiên, công ty đã có lãi. VNG hòa vốn và có lãi kể từ năm thứ hai hoạt động.
VNG cũng có sự tham gia của các nhà đầu tư vốn cổ phần tư nhân hàng đầu thế giới. Khoản đầu tư mạo hiểm đầu tiên mà công ty này nhận được là 350.000 USD từ IDG Việt Nam. Sau khi mở rộng sang các lĩnh vực khác ngoài game, công ty đổi tên thành VNG Corporation năm 2008.
Một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia đã chỉ ra rằng, thành công của Zalo đã giúp VNG thu hút thêm Temasek, GIC và Goldman Sachs cũng như hai quỹ thuộc Tencent, thúc đẩy định giá công ty lên 2 tỷ USD.
Thứ hai, việc mở rộng sang các thị trường khác trên thị trường toàn cầu không phải ưu tiên hàng đầu trong suy nghĩ của CEO VNG. Ông nói với GGV: "Việc mở rộng tự nhiên chỉ đến khi bạn thực sự tập trung vào thị trường địa phương của mình, và bạn biết rằng bạn sẽ cố gắng giành chiến thắng trên nhiều ngành dọc so với một ngành dọc và mở rộng một cách quyết liệt".
VNG được thành lập năm 2004, hiện có vị thế hàng đầu trong lĩnh vực game PC và sở hữu các mảng kinh doanh khác gồm nền tảng nhắn tin – giao tiếp (Zalo), thanh toán (ZaloPay), dịch vụ nghe nhạc trực tuyến. (Zing MP3) và dịch vụ trung tâm dữ liệu đám mây (VNG Cloud), cũng như thương mại điện tử (Tiki)…
Năm 2020, mảng trò chơi góp 79% trên tổng doanh thu của VNG. Kể từ khi được cấp phép trò chơi từ Kingsoft, một công ty phần mềm của Trung Quốc, VNG đã phát triển năng lực của riêng mình và mở rộng kinh doanh trò chơi sang Ấn Độ, Nga, châu Mỹ - Latinh và các nước Đông Nam Á như Myanmar, Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia và Malaysia… cạnh tranh trực tiếp với Tencent và Garena (thuộc Sea – Singapore). Ông Lê Hồng Minh cho biết, 20% doanh thu game đến từ thị trường nước ngoài.
Cuối cùng, VNG đang không tìm kiếm thương vụ mua bán sáp nhập nào, ít nhất là trong ngắn hạn. Suốt 15 năm qua, VNG chỉ thực hiện hai thương vụ M&A. Khoản đầu tư chiến lược gần đây nhất là vào Got It (nền tảng tặng quà P2P) trị giá 6 triệu USD.
Bước đi tiếp theo của VNG là gì?
Zalo, nền tảng liên lạc – nhắn tin, tính năng "business one mobile" hiện có 39 tính năng cho phép người dùng thực hiện thanh toán tại cửa hàng, đặt vé máy bay, thanh toán học phí, truy cập vào các dịch vụ công, cũng như các dịch vụ và sản phẩm khách thuộc VNG, ông Vương Quang Khải – Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách mảng AI của Zalo chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia.
Khi tỷ lệ sử dụng internet tiếp tục gia tăng ở Việt Nam (hiện khoảng 70%), dân số còn tương đối trẻ (với độ tuổi trung bình 32,5), trong khi chính sách chuyển đổi số của Chính phủ yêu cầu dữ liệu phải được lưu trữ trong nước, VNG sẵn sàng để gặt hái những lợi ích và còn nhiều dư địa để phát triển tại quốc gia mẹ. Vì vậy, xây dựng một nền tảng siêu ứng dụng tổng hợp tất cả các sản phẩm và dịch vụ của VNG mà người tiêu dùng Việt Nam sử dụng hàng ngày sẽ là chiến lược tốt nhất và phù hợp với DNA của VNG.
Xét đến bầu không khí chống độc quyền đang nổi lên với các ông lớn công nghệ tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới hiện nay, việc xây dựng một "siêu ứng dụng tại Việt Nam" có lẽ không đủ hấp dẫn để thuyết phục các nhà đầu tư quốc tế ở Mỹ mua cổ phiếu hoặc ADR của VNG khi công ty được niêm yết tại đây. Do đó, việc VNG niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước thay vì tìm kiếm IPO ở nước ngoài sẽ hợp lý hơn.
Tốt nghiệp cử nhân tại Úc và được đào tạo như một chuyên viên ngân hàng đầu tư, Lê Hồng Minh là một lãnh đạo chiến lược sắc sảo và có những bước đi thận trọng. Trong trường hợp các nhà tư không vội vàng thoái lui, việc VNG muốn chờ thời cơ tốt nhất và lựa chọn giai đoạn tốt nhất để "toả sáng" là điều dễ hiểu, DigiTimes asia viết.
* ADR: American Depositary Receipt - một công cụ có thể giúp cho nhà đầu tư Mỹ mua cổ phần của một công ty nước ngoài.
Đông A