(Tổ Quốc) - Với Hiệp định EVFTA, Vinatex đề nghị các Bộ, Ngành chuẩn bị các hướng dẫn và thông tư nhanh nhất để khi Hiệp định được phê duyệt của quốc hội thì triển khai được ngay, doanh nghiệp mới thu được lợi ích vàng.
Sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị với doanh nghiệp (DN) "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi kinh tế" theo hình thức truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ ngành.
Vẫn chưa thể kiểm chứng được tâm lý và hành vi tiêu dùng sẽ thay đổi như thế nào?
Tham gia tham luận, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhấn mạnh lại dịch Covid-19 đang tạo ra một khủng hoảng chưa từng có, bất ngờ không dự đoán trước được, và DN chưa có một kinh nghiệm nào trong xử lý. Đến nay, vẫn chưa có được dự báo/tín hiệu nào cho sự trở lại trạng thái bình thường: Nó như cũ hay là "bình thường mới"?, phía Vinatex đặt vấn đề.
Mặt khác, thị trường chưa thể kiểm chứng được tâm lý và hành vi tiêu dùng sẽ thay đổi như thế nào, nhất là với các mặt hàng tiêu dùng; ảnh hưởng của nó với tổng cầu trong tương lai…?
Về phía Tập đoàn, nhận thức được khó khăn và nguồn lực hỗ trợ từ phía Chính phủ hữu hạn, doanh nghiệp cũng đã tự thân ứng phó. Trong đó, ngành dệt may xác định 2 tài sản lớn nhất cần bảo vệ bằng mọi biện pháp đó là lao động và vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu (khách hàng).
Với lao động, do ngành dệt may là ngành thâm dụng lao động, kỹ năng giản đơn, thu nhập trung bình thấp nên không có tích luỹ. Khi bị cho nghỉ chờ việc, dù được hỗ trợ 1,8 triệu VND/tháng từ Chính phủ thì họ cũng sẽ phải tìm việc khác nhanh chóng để duy trì đời sống.
Dự báo, nếu đã cho ngừng việc, nghỉ việc thì khả năng mất trên 50% lao động là rất thực tế. Khi đó dù thị trường có sớm quay lại thì DN cũng không còn cơ hội SXKD để bù lại các tổn thất từ dịch bệnh. Do vậy, DN dệt may gần như không chọn giải pháp cho ngừng việc hưởng hỗ trợ, mà chọn hướng đi:
(1) Sản xuất mọi mặt hàng có thể làm được trên trang thiết bị công nghệ hiện có, dù rất khó khăn, phải nhiều sáng tạo, thu nhập doanh nghiệp rất thấp so với mặt hàng truyền thống. Ưu tiên đủ chi phí trả lương trên mức tối thiểu cho toàn bộ người lao động. DN chấp nhận có khấu hao không đầy đủ và thiếu nhiều chi phí quản lý chung.
(2) Kế hoạch sản xuất linh hoạt, làm 3 ca khi có nhu cầu, nghỉ bù khi thiếu đơn hàng. Tổ chức sản xuất 40h/tuần thay vì 54h/tuần như trước kia để đảm bảo 100% lao động có việc làm dù thu nhập có thấp đi nữa.
Với chuỗi cung ứng, nếu không có các hoạt động liên tục mang tính chia sẻ cao, thì khó duy trì được vị trí, mức độ ưu tiên khi thì trường từng bước hồi phục nhưng vẫn thấp hơn trước khủng hoảng.
Tập đoàn chủ động là đầu mối tổ chức sản xuất nhanh các mặt hàng mới như khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế, với tất cả các DN của mình, đưa ra thị trường đầu tiên và đã sản xuất trên 100 triệu sản phẩm, xuất khẩu trên 50 triệu đơn vị.
Tín hiệu đáng mừng: Dù chỉ số kinh doanh giảm mạnh, tổn thất lao động lớn nhưng thực tế đã khắc phục được 50% mức suy giảm dự kiến
Bằng việc tuyên truyền vận động người lao động cùng chia sẻ khó khăn với DN; công khai hóa doanh thu, chi phí khi làm các mặt hàng mới; phối hợp với các hiệp hội các nhà sản xuất, vận động, thuyết phục các nhà mua hàng lớn trên thế giới có sự chia sẻ với các DN…
Kết quả đến nay, quý 1 kim ngạch xuất khẩu giảm 2% so với năm trước, hết tháng 4 đã giảm 6% so với 2019. Riêng kim ngạch xuất tháng 4 giảm 20% so với tháng 3. Nhưng, so với dự báo đầu tháng 3 là giảm khoảng 40-50% thì DN đã ít nhiều khắc phục được 50% mức suy giảm so với dự kiến.
Kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu 4 tháng giảm trên 7,6% cho thấy các nỗ lực sử dụng nguyên liệu trong nước, nhất là cho mặt hàng khẩu trang, quần áo y tế đã có kết quả. Mức độ suy giảm của dệt may Việt nam so với các quốc gia cạnh tranh như Trung Quốc, Ấn độ, Bangladesh chỉ bằng ~50% cho thấy việc chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh và nỗ lực sáng tạo của DN cũng đã hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực chung của thị trường. Tất nhiên tình hình còn rất khó khăn, mọi nỗ lực làm giảm tổn thất nhưng không duy trì được hiệu quả như 2019, mức giảm khoảng 50% hiệu quả, 25% doanh thu và kim ngạch xuất khẩu.
Vinatex hết tháng 4 chưa cho công nhân nghỉ hưởng 1,8 triệu hỗ trợ. Mức độ thiếu việc dự báo tháng 4-5 là tương đương khoảng 40.000-45.000 lao động (30% lao động Vinatex) nhưng thực tế thiếu 22.000-24.000 bằng 50% dự báo.
Thời gian tới sẽ chuyển nguồn nguyên liệu đầu vào để đáp ứng EVFTA
Tiếp tục ứng phó thời gian tới, Vinatex dự tập trung làm việc với các nhà cung cấp để chuyển sourcing cả nguyên liệu vào Việt Nam đáp ứng EVFTA như Uniqlo, H&M, Zara. Song song, DN sẽ làm các đơn hàng thử nghiệm, nhỏ, yêu cầu cao cũng như tiếp tục làm mặt hàng khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế dự báo có thể có nhu cầu cao hết quý 2.
Với Hiệp định EVFTA, Tập đoàn đề nghị các Bộ, Ngành chuẩn bị các hướng dẫn và thông tư nhanh nhất để khi Hiệp định được phê duyệt của quốc hội thì triển khai được ngay, doanh nghiệp mới thu được lợi ích vàng.
Phía Tập đoàn đưa ra các kiến nghị bao gồm phương pháp hỗ trợ nên nhanh, cách tiếp cận qua ít các bước xét duyệt thủ công mà dựa trên cơ sở dữ liệu tin cậy đang có.
Vinatex tiếp tục đề xuất cho miễn BHXH và Công đoàn phí 2020 từ tháng 5 đến hết tháng 12. DN chỉ cần trình bảng lương vẫn duy trì việc làm cho thu nhập trên tối thiểu cho người lao động là được miễn.
Liên quan đến phương pháp đánh giá của ngân hàng với DN lúc này cũng cần hết sức linh hoạt, Vinatex nhấn mạnh: "Cho giãn các khoản nợ đầu tư đến hạn trả gốc là rất cấp thiết với DN. Các dự án dở dang, các tham số của dự án có thay đổi xấu đi do dịch bệnh nhưng cần duy trì giải ngân đúng tiến độ".
Bảo An