(Tổ Quốc) - Lao đao trong đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã tính đến việc cắt giảm ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số. Tuy nhiên, theo ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng giám đốc VNG, CEO VNG CLOUD, sự đầu tư này tuy có thể tốn kém trong giai đoạn đầu song thật sự cần thiết để doanh nghiệp tồn tại và vượt qua khủng hoảng.
Theo số liệu từ Cục Quản lí đăng kí kinh doanh (Bộ KH&ĐT), gần 63.500 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường trong bảy tháng đầu năm, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông đánh giá như thế nào về tình hình này? Dịch Covid-19 đã có những tác động như thế nào đến các nhóm doanh nghiệp khách hàng mục tiêu của VNG CLOUD?
Covid đã ảnh hưởng trầm trọng tới du lịch, khách sạn, hàng không, cũng như tác động tiêu cực tới hành vi tiêu dùng của khách hàng. Trong thời gian giãn cách xã hội, các ngành như bán lẻ, ăn uống… cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Việc nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa không nằm ngoài dự đoán và chắc chắn nhiều doanh nghiệp trong số đó đã, đang hoặc sắp là khách hàng của VNG CLOUD. Tất cả các kế hoạch trước dịch về việc đầu tư mở rộng chi nhánh, phát triển các ứng dụng đặt trên đám mây, chuyển đổi số dữ liệu khách hàng… đều bị dừng lại hết. Các khoản đầu tư dài hạn cũng vậy. Giờ đây doanh nghiệp chỉ quan tâm duy nhất tới việc làm sao tồn tại được, cắt giảm chi phí cách nào, làm sao để cắt giảm nhân sự ở mức tối thiểu nhất….
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, vì sao nhiều chuyên gia vẫn nhận định Điện toán đám mây (ĐTĐM) là phương thức tối ưu để hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại trong Covid-19?
Trái với suy nghĩ của nhiều người, thực ra chuyển đổi số lại giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vô cùng hiệu quả. Các nhân viên có thể làm việc từ xa mà không cần tương tác trong môi trường vật lý. Các công cụ hỗ trợ như họp trực tuyến, ứng dụng chat/nhắn tin miễn phí được sử dụng rất mạnh trong suốt thời gian qua. Ngành bán lẻ là minh chứng nổi bật nhất khi bán hàng trực tuyến tăng trưởng rất tốt trong suốt đợt dịch. Bản thân VNG CLOUD đang có rất nhiều giải pháp và sản phẩm giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, loại bỏ được nhiều khâu không cần thiết trong quy trình làm việc, giảm được cả sự đầu tư cho hạ tầng công nghệ….
Nhưng nhiều chủ doanh nghiệp vẫn lo lắng vì phải thắt chặt hầu bao nên không có ngân sách để chuyển đổi số nữa. Quan điểm của ông về sự quan ngại này như thế nào?
Những khoản đầu tư mà không cần thiết thì chắc chắn doanh nghiệp họ sẽ cắt. Nhưng một khi doanh nghiệp thấy là kênh bán hàng offline khá mong manh và phụ thuộc yếu tố khách quan quá nhiều, họ phải chuyển lên online, thì bắt buộc họ sẽ phải đầu tư. Những doanh nghiệp muốn có nền tảng để tiếp cận tới khách hàng online nhiều hơn bắt buộc phải triển khai xây dựng và vận hành sàn TMĐT. Như vậy, sự đầu tư này là hoàn toàn cần thiết và sống còn để doanh nghiệp có thể tồn tại được.
Nhưng thị trường điện toán đám mây – chuyển đổi số tại Việt Nam dường như vẫn chưa có nhiều lựa chọn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ? Các doanh nghiệp nước ngoài dường như vẫn đang chiếm ưu thế lớn so với các doanh nghiệp đám mây trong nước?
So với các nước thì ĐTĐM ở Việt Nam mới ở thời điểm bắt đầu, nhưng chắc chắn sẽ tăng tốc rất nhanh vì đó là nhu cầu và xu thế tất yếu. Thậm chí những biến cố như Covid-19 còn giống như chất xúc tác khiến nhận thức về chuyển đổi số được thúc đẩy nhanh hơn.
Hiện tại trên thị trường điện toán đám mây Việt Nam đang có 3 tầng dịch vụ. Tầng dưới cùng là dịch vụ về hạ tầng. Hạ tầng nghĩa là cung cấp khả năng về tính toán, khả năng lưu trữ, một số khả năng về dữ liệu. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ĐTĐM trong nước sẽ có lợi thế cung cấp tầng dưới cùng tốt hơn, vì data center (trung tâm dữ liệu) nằm trong nước nên tất cả mọi thứ liên quan đến đường truyền, kết nối đều ổn định, chi phí thấp. Trong khi đó, tất cả những doanh nghiệp nước ngoài hiện nay đang cung cấp đều đang không có data center tại Việt Nam, nghĩa là bất kì một GB dữ liệu nào muốn được xử lý hoặc lưu trữ trên cloud của nước ngoài đều phải đi qua đường truyền quốc tế, chi phí rất lớn nhưng đường truyền lại bị giới hạn.
Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động các dịch vụ trong môi trường bình thường sẽ có nhiều điểm khác biệt khi di chuyển lên môi trường cloud, đòi hỏi sự hỗ trợ tích hợp kịp thời của đơn vị cung cấp dịch vụ ĐTĐM. Về phương diện này thì các doanh nghiệp nước ngoài họ thường không có đội ngũ kĩ thuật ở Việt Nam.
Một yếu tố khác nữa là sử dụng dịch vụ trong nước cũng sẽ đảm bảo tuân thủ Luật an ninh mạng Việt Nam khi lưu trữ một số dữ liệu theo quy định tại Việt Nam thay vì đặt tại data center nước ngoài.
Hồi tháng 4, Bộ Thông tin & Truyền thông đã công bố 4 doanh nghiệp nòng cốt của Chiến dịch Chuyển đổi số bằng ĐTĐM, trong đó có VNG CLOUD. Mục tiêu của chiến dịch này là gì, và vì sao VNG CLOUD lại tham gia chiến dịch đó?
Cho tới nay thì chương trình này đã tạo được một số hiệu ứng nhất định. Các khách hàng đã biết tới 4 doanh nghiệp đám mây nòng cốt của Việt Nam nhiều hơn. Để được lựa chọn là doanh nghiệp nòng cốt trong chiến dịch thì cần hội đủ nhiều yếu tố: Thứ nhất là xét về mặt công nghệ, VNG CLOUD làm chủ hoàn toàn công nghệ đám mây của mình, tự xây dựng toàn bộ dựa trên mã nguồn mở. Trong khi rất nhiều doanh nghiệp xây dựng cloud dựa trên nền tảng của các nhà cung cấp nước ngoài như là Microsoft hay là VMware. Thứ hai là mình có hạ tầng về data center tại Việt Nam để có thể cung cấp cho khách hàng.
Tuy nhiên trong thời gian tới, để chiến dịch có thể có tác động rộng hơn, các doanh nghiệp trong nước hy vọng phía cơ quan quản lý sẽ có những hướng dẫn cụ thể hơn cho khách hàng/người dùng khi lựa chọn dịch vụ điện toán đám mây; cũng như chính sách cụ thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp đám mây trong nước, nhất là khi nguồn lực về làm thương hiệu, marketing của chúng ta không thể so được với các doanh nghiệp nước ngoài.
Data Center VNG CLOUD đặt tại Quận 7, TP.HCM
Định vị và cách tiếp cận của hệ sinh thái sản phẩm VNG CLOUD có khác biệt gì so với các doanh nghiệp khác ở cả Việt Nam và nước ngoài?
Bên cạnh những thế mạnh chung của doanh nghiệp cloud trong nước như tôi đã chia sẻ trước đó, thì các doanh nghiệp nước ngoài thường không có những giải pháp cụ thể cho các khách hàng. Họ chỉ dừng lại ở tầng nền tảng, còn VNG CLOUD sẽ cùng với khách hàng điều chỉnh, tích hợp ở cả phần lõi để giải bài toán nhằm tối ưu chi phí và hiệu quả vận hành, gọi là "full-stack service".
Đối với những nhà cung cấp dịch vụ Cloud ở trong nước, thì phần lớn cái họ có không phải là Cloud thực tế, mà ảo hóa nhiều hơn. Ảo hóa khác với cloud đích thực (true cloud), tức là họ không có sự tự động hóa tốt. Tôi lấy ví dụ, dịch vụ Auto Scaling của VNG CLOUD cho phép website hay ứng dụng xem bóng đá không bao giờ bị nghẽn mạch nhờ khả năng tự động co giãn linh hoạt hạ tầng phục vụ lượng truy cập gia tăng đột biến tại những thời điểm khác nhau. Còn đối với ảo hóa, khách hàng phải chạy lên ký hợp đồng, mua, xong làm thủ tục cấp thêm băng thông mới. Một ví dụ nữa là lưu trữ thông minh giúp khách hàng tiết kiệm ít nhất 50% chi phí. Cụ thể, những tài liệu lưu trữ 1 2 năm mà không có truy cập sẽ tự động chuyển xuống tier thấp hơn, rẻ tiền hơn; 3 năm không truy cập sẽ chuyển xuống 1 tier nữa, mình có 4 tiers tổng cộng, truy cập nhiều để ở tier tốt nhất, cứ như vậy chuyển từ từ xuống. Một ngân hàng chẳng hạn, họ có hàng trăm TiB dữ liệu của khách hàng họ phải lưu 5 năm. Hiện giờ họ đang phải trả đồng giá cho những dữ liệu từ mới tinh cho tới những dữ liệu 5 năm không bao giờ truy cập. Hiện nay thì VNG CLOUD đã xây dựng 2 trung tâm dữ liệu đặt tại Việt Nam với hơn 10,000 máy chủ trên cả nước và đều đáp ứng các tiêu chuẩn bảo mật quốc tế khắt khe như PCI DSS, ISO 27001.
Cảm ơn ông!
Ánh Dương