(Tổ Quốc) - CEO VPBank cho biết đang trong giai đoạn đàm phán tích cực và sẽ sớm hoàn thiện, công bố đối tác thời gian ngắn sắp tới.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ với nhà đầu tư ngày 22/6, Tổng Giám đốc VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, trong kế hoạch kinh doanh năm 2022 của ngân hàng đã chỉ ra rõ kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ là mục tiêu quan trọng của ngân hàng. Để đáp ứng chiến lược phát triển dài hạn, ngân hàng cần nền tảng vốn mạnh, vững chắc, thì khi đó mới mở rộng lĩnh vực kinh doanh, đón được các cơ hội tốt.
Được biết, theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông, trong năm 2022, VPBank dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ lên tới 79.334,2 tỷ đồng, thông qua 3 hoạt động chính: Phát hành cổ phiếu ESOP, dùng nguồn lợi nhuận để lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược.
"Tổng vốn chủ sở hữu của VPBank hiện nay đã lên 96.000 tỷ. Cùng với kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao trong năm 2022, vốn chủ sở hữu sẽ còn tăng cường hơn nữa thời gian tới. HĐQT quyết định dùng một phần VCSH để tăng vốn điều lệ để VPBank đáp ứng được các chỉ số an toàn cho việc mở rộng hoạt động, chẳng hạn như tham gia M&A, phát triển dịch vụ mới", ông Vinh nói.
Về kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược. CEO VPBank cho biết đang trong giai đoạn đàm phán tích cực và sẽ sớm hoàn thiện, công bố đối tác thời gian ngắn sắp tới. Mục đích của việc phát hành không chỉ để tăng vốn mà còn hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quản trị từ đối tác. Với vốn điều lệ dự kiến đạt gần 80.000 tỷ, VPBank kỳ vọng sẽ được cơ quan quản lý tạo điều kiện cho việc mở rộng hệ sinh thái.
Vị lãnh đạo ngân hàng cũng chia sẻ, mục tiêu tăng vốn của VPBank không phải nhằm trở thành ngân hàng có vốn lớn nhất mà để tạo nền tảng giúp ngân hàng nắm bắt các cơ hội kinh doanh tốt sẽ bùng nổ trong 5-10 năm tới.
"Nền tảng này hết sức quan trọng. Quý 1 vừa qua, ban lãnh đạo đã làm việc với các đối tác về tư vấn chiến lược, chúng tôi đang ở giai đoạn cuối cùng để hoàn thành chiến lược 5 năm, chỉ ra các cơ hội kinh doanh cũng như thách thức. Với việc thực hiện thành công chiến lược kinh doanh giai đoạn 10 năm vừa qua. Chúng tôi tự tin sẽ thành công trong giai đoạn tới, để đưa VPBank lên tầm cao mới".
Trong 1-2 năm đầu, khi tăng vốn mạnh như vậy thì cũng có thể dẫn đến tình trạng chỉ số ROE bị trùng xuống. Nhưng chắc chắn đồng vốn của cổ đông sẽ được đảm bảo hiệu quả lâu dài.
Năm 2022, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế gần 30.000 tỷ đồng. Trong quý 1, ngân hàng đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 11.146 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm ngoái và cao nhất từ trước đến nay.
Kết quả tăng trưởng đột biến này một phần đến từ việc ngân hàng vừa ký kết thỏa thuận phân phối độc quyền với AIA, kéo dài thời gian hợp tác và ghi nhận Up front fee ngay trong quý 1.
Ông Phùng Duy Khương, Phó TGĐ VPbank cho biết, thị trường bảo hiểm vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng vì tỷ lệ người tham gia bảo hiểm tại Việt Nam còn thấp so với khu vực trong khi thu tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh. Do đó, ngân hàng xác định đây là lĩnh vực tiềm năng thời gian tới.
Chúng tôi đã có các thoả thuận với AIA để có chiến lược đưa hoạt động Banca của VPBank lên vị trí TOP 3 bền vững, thậm chí TOP 1 về doanh thu. Hiện, VPBank thường đạt TOP 5-TOP 6 doanh số bảo hiểm.
Theo đó, ngân hàng sẽ bán hàng theo phân khúc khách hàng, từ thượng lưu đến trung lưu, may đo sản phẩm triển khai mô hình bán phù hợp với khách hàng.
Liên quan đến chiến lược phát triển mảng kinh doanh bảo hiểm, tại đại hội đồng cổ đông, VPBank sẽ trình thông qua phương án mua Công ty cổ phần bảo hiểm OPES. Kế hoạch này nằm trong một phần chiến lược mở rộng hệ sinh thái của nhà băng này, giúp ngân hàng mở rộng tệp khách hàng, mở rộng năng lực bán chéo sản phẩm. Sau khi mua lại công ty bảo hiểm OPES, VPBank sẽ định hướng công ty này tập trung vào sản phẩm phi nhân thọ, không có mâu thuẫn gì với việc hợp tác với AIA.
Thu Thuỷ