(Tổ Quốc) - Sắp tới, tuyến cao tốc Vân Đồn- Móng Cái với vốn đầu tư hơn khoảng 11.195 tỷ đồng sẽ đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh sở hữu đường cao tốc xuyên tỉnh dài nhất Việt Nam hiện nay. Điều này phù hợp với định hướng phát triển "Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá” của tỉnh.
Trong năm 2020, Quảng Ninh có mức tăng trưởng GRDP đạt 10,05%, thu ngân sách đạt 49.300 tỷ đồng. Đáng chú ý, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 6.700 USD, cao hơn gấp đôi bình quân chung cả nước, đứng đầu ở khu vực phía Bắc.
Dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng GRDP tại các địa phương. Tuy vậy, Quảng Ninh vẫn ghi nhận mức tăng GRDP 8,6% trong 9 tháng đầu năm. Vậy những nhân tố nào giúp Quảng Ninh đi đầu trong nhóm các tỉnh, thành có tốc độ phát triển cao?
Hạ tầng giao thông
Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước chỉ như là “vốn mồi”. Mục đích là kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, phát triển hình thức đối tác công-tư.
Ngoài ra, Quảng Ninh còn tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghệ, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển.
Giai đoạn 2016-2021, Quảng Ninh đã phân bổ hơn 49.000 tỷ đồng vốn ngân sách cho đầu tư trong nhiều lĩnh vực. Giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn đầu tư công vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 dự kiến gần 58.700 tỷ đồng. Trong năm 2021, vốn phân bổ dự kiến là 11.700 tỷ đồng.
Cầu Triều nối Quảng Ninh và Hải Dương. Nguồn ảnh: Báo Giao Thông
Về hạ tầng giao thông, Quảng Ninh ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông có tính liên kết cao, các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển. Mục đích là tạo ra các trung tâm kết nối hạ tầng dịch vụ, giao thông quốc tế. Ngoài ra, tỉnh còn muốn thu hút đầu tư xây dựng, phát triển, hoàn thiện hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển trọng tâm là: Con Ong-Hòn Nét, Hải Hà, Vạn Ninh, Nam Tiền Phong…
Sau 14 tháng xây dựng, cầu Triều nối Quảng Ninh với Hải Dương chính thức được thông xe và đưa vào khai thác từ đầu năm 2021. Cùng với việc nâng cấp, thông tuyến đường 389, cầu Mây, việc phát triển đường xá đã tạo một nền móng vững chắc cho tăng trưởng đáng kinh ngạc của Quảng Ninh trong những năm gần đây.
Nhiều dự án đầu tư từ trong và ngoài nước
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, FDI đăng ký vào Việt Nam 10 tháng đầu năm đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút 1,15 tỷ USD, đứng thứ 6 trong top 10 tỉnh thành thu hút vốn FDI nhiều nhất 10 tháng đầu năm 2021.
Trong 7 dự án FDI lớn tại Quảng Ninh năm 2021, Công ty Jinko Solar Hong Kong Limited có 2 dự án lớn với hơn 800 triệu USD. Đầu tiên là dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam với tổng mức đầu tư 500 triệu USD. Dự án còn lại là công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam (Jinko Solar 2) với tổng mức đầu tư 365,6 triệu USD.
Đáng chú ý, Quảng Ninh đồng loạt khởi công 4 dự án trị giá 12 tỷ USD vào ngày 24/10 vừa qua. 4 dự án bao gồm dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh, dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, dự án Sân golf Đông Triều và dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh.
Trong đó, chủ đầu tư của dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh là Liên danh Tập đoàn Vingroup và Công ty cổ phần Vinhomes. Dự án này có tổng vốn đầu tư dự kiến 232.369 tỷ đồng, trên diện tích 4.109,64ha, và quy mô dân số khoảng 244.000 người.
Dự án này là một trong những dự án phát triển đô thị có quy mô lớn nhất tại Quảng Ninh trong những năm gần đây, phạm vi ảnh hưởng đến 2 địa bàn có tốc độ phát triển năng động bậc nhất của tỉnh.
Tiếp đến, dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh được là dự án nhiệt điện khí đầu tiên tại Quảng Ninh, sẽ góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”.
Nhà máy được xây dựng trên diện tích khoảng 60ha tại phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Với mức đầu tư trên 47.000 tỷ đồng, tổng công suất đạt gần 1.500MW, sử dụng nhiên liệu là khí thiên nhiên hóa lỏng. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 57.700 tỷ đồng trong vòng 25 năm.
Mảnh ghép "cuối cùng" của tuyến cao tốc xuyên tỉnh dài nhất Việt Nam
Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được coi là đoạn tuyến cuối cùng của trục cao tốc dọc tỉnh Quảng Ninh (Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái). Tuyến cao tốc này có chiều dài hơn 80km, thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 120km/h.
Sau khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Vân Đồn đi Móng Cái xuống còn gần 1 tiếng, tạo thuận lợi cho giao thông đường bộ, cũng như di chuyển đi và đến từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Vậy nên, đây được đánh giá là vị trí chiến lược trong sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh.
Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đang trong quá trình thi công. Nguồn ảnh: Báo Quảng Ninh.
Tuyến cao tốc này còn tạo ra những cơ hội phát triển kinh tế -xã hội cho nhiều huyện miền Đông của tỉnh, kéo gần khoảng cách với các địa phương có tốc độ phát triển cao như Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái....
Đặng Sơn