(Tổ Quốc) - Việc không tăng giá mẫu iPhone mới nhất tại thị trường Mỹ và một số thị trường khác cho thấy Apple chấp nhận giảm lợi nhuận biên so với những năm trước.
Theo Nikkei Asia, sau khi tiến hành bóc tách các mẫu iPhone 14 cao cấp của Apple, họ phát hiện ra rằng chi phí sản xuất của máy đã tăng khoảng 20% so với mẫu iPhone 13 năm ngoái, biến iPhone 14 trở thành mẫu smartphone đắt đỏ nhất mà Apple từng chế tạo ra. Dù số lượng tính năng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, iPhone 14 vẫn cho thấy chiến lược tập trung vào những thiết bị có công nghệ phần cứng tân tiến và hiệu suất cực đỉnh của Apple, như con chip 4nm độc quyền hay các linh kiện camera mới toanh.
Tuy vậy, công ty lại không hề tăng giá mẫu iPhone mới nhất tại thị trường Mỹ và một số thị trường khác. Điều này cũng đồng nghĩa họ chấp nhận giảm lợi nhuận biên so với những năm trước.
“Apple không có lựa chọn nào khác ngoài chiến lược tạo ra những thiết bị hiệu suất cao để giúp bản thân nổi bật giữa thị trường, khi mà họ không thể cạnh tranh với các đối thủ khác trong việc trang bị các tính năng mới” - theo Minataka Kashio thuộc Fomalhaut Techno Solutions, công ty nghiên cứu trụ sở tại Tokyo đã giúp Nikkei mổ xẻ 3 mẫu iPhone 14.
Fomalhaut ước tính chi phí sản xuất của iPhone 14 Pro Max dựa trên các linh kiện là 501 USD - tăng 60 USD so với iPhone 13 Pro Max nắm ngoái. Dù giá linh kiện của các mẫu iPhone Max thường dao động trong khoảng 400 - 450 USD kể từ khi xuất hiện vào năm 2018, mẫu iPhone 14 Pro Max mới nhất đã vượt ra khỏi khuôn khổ đó và trở thành mẫu iPhone có tổng chi phí cũng như mức tăng chi phí cao nhất từ năm 2018.
Trên thực tế, Apple đã tăng giá bán dòng iPhone 14 ở Nhật Bản do giá trị đồng Yên bị suy yếu. Ngược lại, tại Mỹ, iPhone 14 Pro Max với dung lượng lưu trữ thấp nhất vẫn được bán với giá 1.099 USD, không tăng dù chỉ một xu so với phiên bản tương đương năm 2018 là iPhone XS Max. Công ty dường như quyết định gánh chịu phần chi phí sản xuất tăng thêm, thay vì đổ lên đầu người tiêu dùng.
Nguyên nhân của việc tăng chi phí sản xuất nhiều khả năng là do con chip A16 Bionic bên trong iPhone 14 Pro và Pro Max. Con chip độc quyền này có giá 110 USD - cao gấp 2,4 lần so với chip A15 của iPhone 13 Pro Max năm ngoái. TSMC và Samsung Electronics là hai công ty phụ trách sản xuất hàng loạt con chip 4nm cho Apple.
Bên cạnh đó, iPhone 14 còn được trang bị cụm camera mới, với cảm biến hình ảnh CMOS của Sony Group. Các cảm biến này lớn hơn 30% so với thế hệ trước, và do đó giá cũng cao hơn 50%, cụ thể là 15 USD.
Ngay cả các cảm biến hình ảnh nhỏ hơn của Sony cũng được thiết kế để hoạt động hiệu quả trong các tình huống thiếu sáng mà vẫn đảm bảo cho ảnh độ nhiễu tương đối thấp, từ đó giảm bớt sự lệ thuộc vào công nghệ phần mềm hậu kỳ để cho ra những bức ảnh và video chất lượng cao. iPhone 14, giống như thế hệ trước, sở hữu màn hình điện phát quang mà Apple mua từ đối thủ Samsung.
Nhà sản xuất chip Mỹ là Qualcomm từ lâu đã là nhà cung ứng chip liên lạc chính cho iPhone. Nhưng gần đây, Apple đã sử dụng chip của riêng họ cho iPhone mới sau khi “học hỏi” được kỹ thuật sản xuất chip cho smartphone từ Intel vào năm 2019, cũng như nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc vào Qualcomm sau vụ kiện liên quan sở hữu trí tuệ năm 2017 (đã dàn xếp thành công vào năm 2019).
Theo NikkeiAsia, linh kiện dành cho iPhone 14 chủ yếu đến từ các nhà cung ứng Mỹ, chiếm khoảng 32,4% tổng chi phí linh kiện - tăng 10% so với mẫu iPhone năm 2021. Hàn Quốc, nhà cung ứng linh kiện số một cho iPhone vào năm ngoái, nay chỉ chiếm khoảng 24,8%, giảm 5% so với năm ngoái. Việc Apple tăng cường sử dụng linh kiện do chính công ty sản xuất là một trong những yếu tố góp phần giúp các nhà cung ứng Mỹ chiếm ưu thế so với Hàn Quốc.
Apple sản xuất hầu hết số iPhone của mình tại Trung Quốc. Nhưng hiện nay, công ty đang dần chuyển dịch dây chuyền sang các quốc gia khác như Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á nhằm tránh những tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Đáng chú ý, trong quá trình khám phá bên trong iPhone 14, Fomalhaut không phát hiện ra bất kỳ linh kiện mới nào dành riêng cho tính năng gọi điện khẩn cấp qua vệ tinh, bởi đây là một tính năng liên quan đến phần mềm nhiều hơn là phần cứng.
Tham khảo: Nikkei Asia
Khánh Vy