(Tổ Quốc) - Các đầu tàu về công nghiệp của Việt Nam cũng là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của làn sóng dịch bệnh thứ 4; các biện pháp siết chặt khiến năng lực sản xuất công nghiệp sụt giảm mạnh; chỉ số sử dụng lao động ở mức thấp.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê tại thời điểm 1/9/2021 cho thấy các tỉnh/thành phố khu vực phía Nam có chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái thấp nhất cả nước. Đây là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của làn sóng đại dịch thứ tư tại Việt Nam, đến nay đã ghi nhận hàng trăm nghìn ca nhiễm. TP HCM đã ghi nhận hơn 381 nghìn ca nhiễm, Bình Dương gần 209 nghìn ca và Đồng Nai 28 nghìn ca; đây là ba tỉnh/thành phố thủ phủ công nghiệp của Việt Nam.
Các biện pháp siết chặt để đối phó với dịch được triển khai mạnh mẽ, trong đó có "3 tại chỗ", cho các công nhân ăn - ở - sinh hoạt ngay tại nhà máy. Bên cạnh đó xuất hiện tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng ở nhiều khâu, logistics gặp khó khăn. Điều này khiến cho công suất sử dụng lao động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chỉ được duy trì ở mức thấp.
Vĩnh Long chính là tỉnh có chỉ số sử dụng lao động công nghiệp thấp nhất cả nước, chỉ 16,9% so với cùng kỳ. Top 5 có thêm Trà Vinh 22,1%, Hậu Giang 32,4%, TP HCM 36,7% và Đồng Tháp 40,5%.
Đáng chú ý nhất là TP HCM, nơi có lực lượng lao động lớn nhất cả nước nhưng phần lớn rơi vào tình trạng không thể làm việc.
Các tỉnh có lượng lao động lớn khác gồm Bình Dương, chỉ số sử dụng lao động đạt 75,2% so với cùng kỳ. Đồng Nai gây bất ngờ với chỉ số đạt 97,5%. Thực tế Đồng Nai hiện ghi nhận hơn 48.000 ca nhiễm COVID-19, xếp thứ ba cả nước.
Hai tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long đông lao động là Long An và Tiền Giang có chỉ số sử dụng lao động đạt 88,9% và 72,3%.
Thống kê cho thấy, chỉ số sử dụng của cả nước chỉ đạt 86,1%.
Tại thời điểm cuối năm 2020, lực lượng lao động của khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng Sông Cửu Long lần lượt ghi nhận 10,1 triệu người và 9,9 triệu người. Hai khu vực này chiếm 36,5% tổng số lao động được thống kê trên cả nước (trên 15 tuổi).
Hứa Vân