'Chìa khóa' giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030

(Tổ Quốc) - Mới đây, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Fraser Institute (Canada) tổ chức buổi Toạ đàm Đối thoại chính sách: "Đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước thu nhập có trung bình cao trước năm 2030" .

Theo đó, mục tiêu của buổi toạ đàm nhằm phát hiện những nút thắt về thể chế kinh tế thị trường và đề xuất chính sách nhằm giúp Việt Nam tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng khi trở thành nước có thu nhập trung bình cao.

Phát biểu khai mạc, GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, cho đến nay, Việt Nam cơ bản đã là một nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, những nỗ lực xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong suốt chặng đường vừa qua đã góp phần quan trọng vào việc đưa Việt Nam từ một nước có thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 200 USD vào đầu những năm 1990 tăng lên 3590 USD vào năm 2021 (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới). Ông nhận định, với mức thu nhập bình quân đầu người như hiện nay, Việt Nam có khả năng gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030 nếu không vướng bẫy thu nhập trung bình.

Theo ông Chương, kinh nghiệm thế giới cho thấy, trong số 101 quốc gia có mức thu nhập trung bình trong thập niên 1960, chỉ có 13 quốc gia trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2008.

"Những kinh nghiệm của Việt Nam từ những lần suy giảm kinh tế trước đây, từ khủng hoảng kinh tế châu Á 1997-1998 hay đại suy giảm toàn cầu 2008-2009, cho thấy không phải các chương trình kích cầu, đầu tư công mang lại thành tựu phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo, mà chính cải cách thể chế kinh tế mới là chìa khoá", ông Chương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Đinh Tuấn Minh - Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội cho rằng để Việt Nam có thể thực sự vượt qua bẫy thu nhập trung bình, cải cách thể chế là một việc cần được ưu tiên đánh giá và thực hiện.

"Thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam cơ bản đã thành hình hơn 30 năm qua với nhiều thành tựu như đã xác lập và bảo vệ quyền sở hữu, có được sự tự do giá cả, tự do thoả thuận và tự do kinh doanh. Nếu muốn biết Việt Nam đang ở đâu thì cần so sánh với các nền kinh tế có nét tương đồng, hoặc quốc gia có trình độ phát triển tốt hơn để tìm ra vấn đề", TS. Đinh Tuấn Minh đánh giá.

Ông Minh cho biết, để xác định bất cập trong hệ thống thể chế kinh tế khi hướng tới nước thu nhập trung bình cao, cần có cách tiếp cận mới. Cụ thể, phương pháp tiếp cận mới sẽ so sánh với các quốc gia khác, có trình độ tốt hơn. Từ đó, xem xét thể chế kinh tế Việt Nam có những vấn đề gì gây thua kém, từ đó đi vào cải cách.

Chẳng hạn, Thái Lan, Malaysia… có thể là những quốc gia tương đồng thuộc nhóm thu nhập trung bình cao mà Việt Nam có thể so sánh. Hoặc có thể so với một số quốc gia thành công, thất bại trong việc vượt qua bẫy thu nhập trung bình như Hàn Quốc, Argentina.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cũng cho rằng, vấn đề của nền kinh tế hiện nay không phải là giải phóng sức lao động thông qua đẩy mạnh thu hút FDI trên cơ sở lao động giá rẻ như giai đoạn trước nữa. Thay vào đó, vì đa số người dân hiện nay đều có tài sản tích luỹ nên trọng tâm chính sách kinh tế trong giai đoạn mới phải làm sao để tài sản của người dân có thể tìm được những kênh đầu tư hiệu quả thông qua môi trường đầu tư an toàn.

Nếu không tạo ra một hành lang pháp lý an toàn để cho người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước sử dụng đồng tiền của mình hiệu quả hơn thì chúng ta sẽ vẫn dừng lại ở mức thu nhập trung bình thấp như hiện nay và rất khó có thể đạt đến ngưỡng thu nhập trung bình cao", ông Minh nhấn mạnh.

Trọng Trần

Tin mới