Chính phủ: Xử lý dứt điểm tồn đọng tài chính, nợ không có khả năng thanh toán trong các tập đoàn

(Tổ Quốc) - Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Cụ thể, Nghị quyết yêu cầu có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt bằng, mỏ vật liệu, nhân công… để thực hiện ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện cho dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội nhằm dẫn dắt, huy động các nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước, tạo các động lực phát triển, cực tăng trưởng mới, đồng thời bảo đảm phát triển hài hòa giữa các địa phương, vùng, miền. Triển khai quyết liệt giải ngân vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng đối tượng, tránh trục lợi.

Khẩn trương thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2021 - 2025 theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm công khai, minh bạch. Tập trung tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng và phân loại doanh nghiệp, dự án, công trình đầu tư và vốn, tài sản nhà nước để có giải pháp cơ cấu lại, xử lý phù hợp. Rà soát phát hiện và có biện pháp xử lý các doanh nghiệp, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả.

Có các giải pháp phù hợp để lành mạnh hóa tình hình tài chính, xử lý dứt điểm tồn đọng tài chính, nợ không có khả năng thanh toán và các tài sản không sinh lời trong các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp thành viên.

Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo lộ trình, tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, bảo đảm Nhà nước nắm giữ tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định pháp luật; tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải nhưng không hiệu quả của DNNN.

Có giải pháp phù hợp huy động hiệu quả nguồn lực của DNNN tham gia tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như năng lượng, hạ tầng số, nền tảng số, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, cung ứng các nguyên, vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất.

Nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện phát triển một số DNNN quy mô lớn, có vai trò mở đường phát triển một số ngành kinh tế chủ lực, dẫn dắt doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Tăng cường kết nối, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp, dự án FDI, nhất là các công ty đa quốc gia.

Tiếp tục cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ gắn với đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ.

Cụ thể, phát triển mạnh sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng các ngành nghề chế biến, chế tạo. Đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt khoảng 15,5%.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu như: xăng dầu, điện, than, phân bón… Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung tổ chức kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.

Xây dựng và hoàn thiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp để có định hướng thu hút đầu tư phát triển trong dài hạn. Phát triển thị trường vật liệu xây dựng ổn định bền vững, tăng tỷ lệ sử dụng vật liệu xây dựng thay thế, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng, thân thiện với môi trường. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu năng lượng, giảm thiểu phát thải các-bon hướng tới trung hòa các-bon vào năm 2050.

Tập trung thực hiện hiệu quả các chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.

Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp và nông thôn; từng bước chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Phát triển thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản trong nước; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nghiên cứu, phân tích, dự báo thị trường để đánh giá, đề xuất các đối sách, kịch bản thích ứng với diễn biến cung - cầu trên thế giới, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, đa dạng hóa và phát triển thị trường xuất khẩu.

Tăng cường công tác khoa học công nghệ và khuyến nông; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm. Thực hiện các chiến lược phát triển ngành hàng theo hướng tích hợp đa giá trị, tăng hàm lượng khoa học công nghệ. Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.

Tăng cường quản lý, vận hành bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, các giải pháp phòng, chống thiên tai hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ mới, ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tập trung vào các dịch vụ ưu tiên phát triển như dịch vụ du lịch, dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin, dịch vụ logistics và vận tải, dịch vụ tài chính ngân hàng.

Chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị

Tiếp tục triển khai quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị, chương trình, đề án của Chính phủ về phát triển du lịch. Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng miền, kết nối với cả nước và kết nối với khu vực, bảo đảm đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế; chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị; hình thành nên các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo dựa trên nền tảng các giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc, điều kiện tự nhiên đặc trưng; đẩy mạnh xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới, hoạt động du lịch ban đêm, góp phần định vị thương hiệu du lịch quốc gia.

Tập trung khai thác thị trường khách du lịch truyền thống; tiếp tục hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh và đi lại cho khách du lịch quốc tế; tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay mới và trực tiếp kết nối với các thị trường du lịch trọng điểm và tiềm năng.

Có các giải pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội; phấn đấu hoàn thành việc phê duyệt các quy hoạch còn lại trong hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch trong năm 2023; rà soát để giải quyết các vướng mắc trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương.

Triển khai quyết liệt, hiệu quả  các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của 06 Vùng kinh tế - xã hội.

Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế liên kết vùng; nâng cao hiệu quả hoạt động các Hội đồng điều phối Vùng trong việc điều phối và tạo thuận lợi, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, sớm tạo ra các vùng động lực mới, cực tăng trưởng mới. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhã Mi

Tin mới