(Tổ Quốc) - Tập đoàn LG buộc phải có những động thái thay đổi đối với hoạt động sản xuất điện tử của mình sau sự thua lỗ liên tục của mảng điện thoại và màn hình. Chuyển dịch sang quốc gia khác nhằm tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ và thị trường địa phương là một trong những phương án được lựa chọn.
Nối gót Samsung, cuối tháng 7 vừa qua, LG đã tiết lộ kế hoạch xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) tại Việt Nam. Tập đoàn Hàn Quốc cũng dự kiến đầu tư tăng cường công suất cho các nhà máy tại Hải Phòng.
Trong tiến trình tái cơ cấu hoạt động của LG trên toàn cầu, Việt Nam là một trong những điểm sáng hấp dẫn. Năm ngoái, LG chấm dứt cả sản xuất điện thoại và màn hình tại thị trường mẹ. Một phần trong số này được chuyển dịch sang Việt Nam, nơi mà giá nhân công trung bình thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc. Bên cạnh việc có thể tiết giảm chi phí, LG cũng muốn nhắm đến thị trường địa phương tiềm năng gần 100 triệu dân và mức sống ngày càng tăng cao.
Bị kẹp giữa Samsung và Apple ở phân khúc smartphone cao cấp, trong khi đó các đối thủ Trung Quốc (Huawei, Xiaomi, Oppo, Vivo…) vươn lên mạnh mẽ với phân khúc thấp, điều này làm cho thị phần của LG sụt giảm nhanh chóng. Từ cuối năm 2017, LG đã bay khỏi danh sách những nhà sản xuất điện thoại di động top đầu thế giới.
Mảng điện thoại của LG lỗ nặng trong năm ngoái (khoảng 850 triệu USD), đánh dấu năm thứ 5 liên tục lỗ. Điều này buộc nhà sản xuất điện tử số hai Hàn Quốc phải tìm kiếm đến lựa chọn khả dĩ hơn để tiết kiệm chi phí.
Theo tờ Nikkei, công suất sản xuất điện thoại của LG Electronics Hải Phòng sẽ tăng từ 5 triệu lên 11 triệu chiếc mỗi năm. Không chỉ sản xuất smartphone, LG Electronics Hải Phòng còn là nơi cho ra lò các sản phẩm điện tử khác như TV, điều hòa nhiệt độ, máy hút bụi, máy giặt…
Theo dữ liệu của chúng tôi, kết quả kinh doanh của dự án 1,5 tỷ USD vốn đăng ký này tăng trưởng ấn tượng trong 4 năm trở lại đây. Năm ngoái, LG Electronics Hải Phòng thu về hơn 81.600 tỷ đồng doanh thu, 3.560 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đây chính là nhà máy quy mô lớn nhất trong các đơn vị của LG tại Việt Nam.
Ngoài Electronics, LG cũng đang sở hữu hai dự án quy mô lớn sản xuất những sản phẩm khác nhau. LG Display Hải Phòng vốn đăng ký 2,1 tỷ USD chuyên chế tạo các tấm màn hình OLED, POLED; và LG Innotek Hải Phòng vốn đăng ký 1,05 tỷ USD sản xuất camera module cho smartphone.
Cả LG Display Hải Phòng và LG Innotek Hải Phòng cùng ra thông báo tăng thêm 500 triệu USD cho mỗi dự án vào giữa năm 2018. Số liệu ghi nhận về tổng tài sản của ba dự án hàng đầu của LG tại Việt Nam cũng cho thấy mức tăng trưởng kéo theo.
Năm 2019, LG Innotek Hải Phòng đạt hơn 29.600 tỷ đồng doanh thu, lãi ròng 1.600 tỷ đồng. Trong khi đó, LG Display Hải Phòng thu về hơn 25.100 doanh thu, lỗ sau thuế hơn 5.000 tỷ đồng.
Nói về số lỗ của LG Display Hải Phòng, đây chính là tình cảnh chung của Tập đoàn Hàn Quốc trên toàn cầu. Quý I/2020, công ty mẹ LG Display có quý lỗ thứ 6 liên tiếp và thậm chí lỗ kỷ lục gần 2,4 tỷ USD trong năm ngoái, cao gấp 16 lần năm trước đó.
Thực tế, hiện nay các nhà sản xuất giàu truyền thống như LG cũng khó có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp Trung Quốc trong việc sản xuất màn hình LCD. Những nỗ lực phát triển công nghệ màn hình OLED cũng nhanh chóng bị người Trung Quốc bắt kịp. LG Dislay từng kỳ vọng vào việc cung cấp màn hình cho các sản phẩm của Apple, nhưng cuối cùng lại không thể đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng.
Trong khi triển vọng màn hìnhh OLED là không rõ ràng, cạnh tranh khốc liệt ở phân khúc LCD khiến LG Display không có lợi nhuận. LG dù vẫn dẫn đầu về thị phần màn hình LCD cỡ lớn, nhưng khoảng cách với đối thủ Trung Quốc đã bị thu hẹp đáng kể.
LG Display thống trị đối với phân khúc OLED, nhưng tỷ trọng loại màn hình này trên thế giới chỉ đang chiếm hơn 1%. Với giá thành ngày càng rẻ, màn hình LCD trở nên được ưa chuộng hơn, đây là thách thức không nhỏ với sản xuất tấm hình OLED.
Hồi đầu năm, CEO LG Display, ông Jeong Ho-young chia sẻ rằng: "Sự sống còn của công ty đang bị đe dọa".
Chiến lược sắp tới của LG Display là tập trung vào phát triển màn hình OLED để làm động lực tăng trưởng chính trong tương lai. Chính vì điều này, vai trò của nhà máy LG Display Hải Phòng ngày càng trở nên quan trọng.
Ngược lại với hoạt động sản xuất màn hình, lĩnh vực camera module tại tăng trưởng tốt. LG Innotek là đối tác thân thiết của Apple, chuyên cung cấp camera cho các dòng iPhone.
Tham gia thị trường Việt Nam rất sớm từ năm 1995, những năm gần đây, dòng vốn từ LG bắt đầu đổ vào mạnh mẽ hơn. Cùng với đó, các chỉ tiêu tài chính cho thấy tính hiệu quả của khoản đầu tư gia tăng.
Theo một cách khác, LG có thể nhìn vào "đồng hương" Samsung như một tấm gương về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam. Samsung khởi động sớm hơn và chuyển dịch mạnh mẽ hơn, tận dụng những lợi thế mà Việt Nam mang lại, Tập đoàn Hàn Quốc đạt quy mô doanh thu gần 69 tỷ USD năm 2019. Con số này phân bổ vào 4 nhà máy sản xuất điện tử, trong đó lớn nhất là Samsung Thái Nguyên, đạt hơn 28 tỷ USD.
Khoảng cách giữa hai tập đoàn điện tử hàng đầu của Hàn Quốc ngày càng nới rộng. Nguồn: Nikkei
Bạch Mộc