(Tổ Quốc) - Khoản vay này là dự án ứng phó với COVID-19 đầu tiên của IFC tại Việt Nam. Dự án thuộc Gói Hỗ trợ Khủng hoảng Khối Ngành Sản xuất - Hàng hóa – Dịch vụ, cung cấp 2 tỷ USD cho các khách hàng của IFC trong các ngành y tế, hạ tầng, sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ để ứng phó với đại dịch.
IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, sẽ cấp một khoản vay trị giá 75 triệu USD cho Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng để duy trì hoạt động phát triển và kinh doanh bất động sản của công ty đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Khoản tài trợ này sẽ giúp công ty thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài chính cho các khách hàng, nhà cung cấp và nhà thầu trong chuỗi giá trị bất động sản, hỗ trợ duy trì việc làm và góp phần nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Phú Mỹ Hưng là công ty phát triển bất động sản uy tín tại Việt Nam, cung cấp nhà ở chủ yếu tại thành phố Hồ Chí Minh. Công ty cũng cho thuê văn phòng và không gian bán lẻ cho trên 300 doanh nghiệp, hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tình trạng gián đoạn kinh doanh bởi đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến các khách hàng của công ty, bao gồm cả người thuê mặt bằng, người mua nhà, nhà cung cấp và nhà thầu.
Công ty Phú Mỹ Hưng được thành lập năm 1993, là liên doanh giữa 2 công ty TNHH Một Thành Viên Phát Triển Công Nghiệp Tân Thuận (IPC – Việt Nam, tên cũ là Công ty Phát Triển Công Nghiệp Tân Thuận) và Công ty Phú Mỹ Hưng Asia Holdings (trước đây là Tập đoàn Central Trading & Development (CT&D – Đài Loan)).
Đây là chủ đầu tư khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP HCM) với diện tích hơn 400 ha, đồng thời đảm nhận vai trò xây dựng đại lộ Nguyễn Văn Linh, quận 7 có chiều dài gần 18 km.
Những năm gần đây, Phú Mỹ Hưng phát triển mạnh lĩnh vực bất động sản, khi mua lại dự án Khu dân cư sinh thái và nhà vườn Sen Việt rộng 212 ha ở Long An; phát triển dự án Khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ Sannam Hòa Bình (406 ha); dự án Khu đô thị sinh thái Hồng Hạc - Xuân Lâm ở Bắc Ninh (198 ha).
Trước đó vào năm 2019, IFC đã cho Phú Mỹ Hưng vay 1.700 tỷ đồng (khoảng 75 triệu USD) thông qua khoản trái phiếu doanh nghiệp. Khoản vay này trước hết giúp doanh nghiệp xây dựng khu đô thị Phú Hưng Khang ở tỉnh Hòa Bình trong vòng 15 - 20 năm tới. Dự kiến khi hoàn thành, khu đô thị cung cấp hơn 1.000 đơn vị nhà ở cùng trường học, bệnh viện, khách sạn.
Dù thị trường bất động sản đã và đang đối mặt nhiều khó khăn bởi đại dịch COVID-19, song chủ đầu tư khu đô thị Phú Mỹ Hưng cho biết doanh nghiệp này vẫn thi công đúng tiến độ nên từ giờ đến cuối năm sẽ bàn giao các dự án gồm: The Signature, Urban Hill và Hưng Phúc Premier. Tổng sản phẩm thuộc ba dự án này là 997 căn hộ và cửa hàng. Trong đó, số lượng sản phẩm thuộc khu Nam Viên chiếm phần lớn (hơn 83%), gồm The Signature và Hưng Phúc Premier; 17% sản phẩm còn lại (tương đương 169 căn) thuộc khu Cảnh Đồi – dự án Urban Hill.
Dự án đầu tiên được bàn giao trong năm nay là The Signature và thời gian bắt đầu từ ngày 29.6 vừa qua. Công trình gồm hai khối nhà ký hiệu M7A và M7B với tổng số căn hộ và cửa hàng là 619 căn.
Chương trình tài trợ nhanh ứng phó với Covid-19 lên tới 8 tỷ USD của IFC
Khoản vay của Phú Mỹ Hưng là dự án ứng phó với COVID-19 đầu tiên của IFC tại Việt Nam. Dự án thuộc Gói Hỗ trợ Khủng hoảng Khối Ngành Sản xuất - Hàng hóa – Dịch vụ, cung cấp 2 tỷ USD cho các khách hàng của IFC trong các ngành y tế, hạ tầng, sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ để ứng phó với đại dịch. Tổng chương trình tài trợ nhanh ứng phó COVID-19 của IFC lên tới 8 tỷ USD để hỗ trợ khu vực tư nhân và duy trì việc làm trên toàn cầu.
"Doanh nghiệp trong nước là khu vực tạo nhiều việc làm nhất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh COVID-19, khoản vay của IFC sẽ cho phép chúng tôi mở rộng hỗ trợ cho các khách hàng của mình. Điều này giúp tạo nên một hệ sinh thái cộng sinh nơi chúng tôi có các giải pháp tương trợ lẫn nhau để cùng hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau khủng hoảng COVID-19," ông Gary Tseng, Tổng Giám đốc Phú Mỹ Hưng cho biết.
"Với kinh nghiệm từ những cú sốc trong quá khứ, IFC tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân để hạn chế thiệt hại kinh tế. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng là đặc biệt quan trọng, bởi đây chính là nguồn tạo việc làm chính tại các nền kinh tế mới nổi," ông Vivek Pathak, Giám đốc Khu vực Đông Á- Thái Bình Dương của IFC cho biết. "Hỗ trợ của IFC, một phản ứng hiệu quả để giúp đảm bảo khả năng chống chịu, thể hiện sự tin tưởng của chúng tôi đối với các doanh nghiệp trong nước cũng như cho thấy cam kết của chúng tôi giúp phục hồi nền kinh tế Việt Nam theo lộ trình tăng trưởng bền vững sau đại dịch."
Sau khi ngăn chặn đại dịch thành công, Việt Nam hiện đang khắc phục các tác động tiêu cực của COVID-19 đối với nền kinh tế, đặc biệt là trong thương mại, dịch vụ và xây dựng — những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Trước đó, vào tháng 2, IFC đã tăng hạn mức tài trợ thương mại cho các ngân hàng đối tác tại Việt Nam, một sáng kiến ứng phó nhanh để đón đầu những khó khăn về tài trợ thương mại mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp phải bởi COVID-19.
Châu Cao