(Tổ Quốc) - Chia sẻ về câu chuyện của chính mình, Chủ tịch Alphanam Nguyễn Tuấn Hải cho rằng việc ứng biến của một nhà lãnh đạo doanh nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. "Tuổi trẻ thì sự ứng biến sẽ nhanh, mạnh quyết liệt. Đến tuổi trung niên sẽ điềm tĩnh hơn. Người ta sẽ nhìn lại tình huống tương tự đã xảy ra để có cách đối xử thách thức mới", vị này nói.
Sớm thành lập vào năm 1995, trải qua 2 lần chuyển đổi, từ một công ty chuyên sản xuất thiết bị, vật liệu điện đến nay Alphanam đã trở thành tập đoàn đa ngành lớn tại Việt Nam, sở hữu 40 công ty con ở 3 lĩnh vực chính là sản xuất công nghiệp, bất động sản và đầu tư tài chính, với mô hình công ty gia đình và từng là công ty niêm yết trên sàn chứng khoán.
Dù hiện tại khá kín tiếng, tuy nhiên Alphanam cùng "thuyền trưởng" Nguyễn Tuấn Hải (Doanh nhân Sao Đỏ 1999) phần nào để lại khá nhiều dấu ấn trên thương trường, thông qua các câu chuyện, bài học dù cũ nhưng luôn mới. Với chừng ấy thời gian tồn tại, qua nhiều giai đoạn khác nhau, Alphanam trải qua nhiều biến cố, thậm chí từng đứng trước bờ vực phá sản, bản thân lãnh đạo tiết lộ phải bỏ nhà ra đi.
"20 năm trôi qua nhưng trong tôi vẫn nguyên vẹn cảm giác nghìn cân treo sợi tóc, hàng trăm nhân viên bị mất việc, công ty đứng trên bờ đóng cửa…", ông Hải nhớ lại. Đó là những năm 1999-2000, biến cố "hòm công tơ gây chấn động" xảy ra khi Alphanam mới thành lập được khoảng 5 năm. Lúc bấy giờ, các sản phẩm cơ điện của Công ty bị đánh bật bởi đối thủ, đặc biệt từ các nhà thầu nước ngoài.
Mất thị trường, kinh doanh sa sút, ông chủ tâm sự từng bỏ nhà ra đi nhưng sau đó suy nghĩ lại và trở về. Nhận được động viên từ bạn bè người thân, ông Hải cùng Alphanma rũ mình đứng dậy bằng chính nội lực, một phần nhờ sản phẩm đã có chỗ đứng nhất định trên thương trường.
Biến cố lớn thứ hai đến sau khi Alphanam đưa công ty giao dịch lên sàn chứng khoán (mã giao dịch ALP), với kỳ vọng sánh vai cùng các doanh nghiệp lớn trong ngành, đơn cử là Cơ điện lạnh (REE).
Điểm lại, năm 2007, năm đầu tiên niêm yết cũng là thời điểm lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt đỉnh cao sau khi chuyển đổi cơ cấu hoạt động. Thời gian sau đó, dù liên tiếp đầu tư, liên doanh và sáp nhập các công ty, lợi nhuận sau thuế của Alphanam giảm dần và bắt đầu lỗ hàng trăm tỷ đồng vào năm 2012.
Đến cuối năm 2014, đứng trước nguy cơ lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp, Alphanam đã phải hủy niêm yết tự nguyện để tránh bị hủy niêm yết bắt buộc. Trước áp lực dư luận, Alphanam từng tuyên bố chấp nhận mang tiếng "không minh bạch", chứ quyết không để mất thêm tiền.
"Lúc đó, tôi nghĩ như vậy là thành công nhưng 10 năm sau, một ngày các con tôi trở về thì như thế nào? Gia đình tôi có nhiều buổi họp quyết định thay đổi mục tiêu không còn là công ty đại chúng", ông Hải nói.
Sau khi rời sàn chứng khoán, Alphanam đã chuyển dần sang bất động sản và hoạt động theo mô hình công ty gia đình. Ông Nguyễn Tuấn Hải nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Con trai Nguyễn Minh Nhật và nắm giữ chức vụ Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Alphanam, còn con gái Nguyễn Ngọc Mỹ là Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Foodinco.
Ở lần chuyển đổi thứ hai, ông Hải cho biết tập trung đào tạo thế hệ kế thừa, và để thế hệ này tiếp bước cống hiến cho xã hội. Vị doanh nhân này cũng sớm giao quyền cho 2 người con là Minh Nhật và Ngọc Mỹ.
Chia sẻ về câu chuyện của chính mình, ông Hải cho rằng việc ứng biến của một nhà lãnh đạo doanh nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. "Tuổi trẻ thì sự ứng biến sẽ nhanh, mạnh quyết liệt. Đến tuổi trung niên sẽ điềm tĩnh hơn. Người ta sẽ nhìn lại tình huống tương tự đã xảy ra để có cách đối xử thách thức mới. Giới tính cũng rất quan trọng. Nữ sẽ thích nghi ứng biến giỏi hơn nam, sự tương thích của phụ nữ đặc biệt là phụ nữ Việt Nam tốt hơn bởi họ biết chấp nhận tình huống để ứng biến phù hợp với tình huống thực tế", vị này nói.
Trong đó, sự ứng biến khác với thích nghi. Sự thích nghi có sự chủ động thì gọi là ứng biến, tạo đột phá để vươn mình thì sang một chủ đề cao hơn nữa. Chủ động làm thể nào vượt qua được những thách thức, vượt qua những rào cản, thậm chí vượt qua những thực trạng để chúng ta vươn lên, đòi hỏi cần phải có bản lĩnh, ý chí và đặc biệt phải có môi trường để phát triển.
Ghi nhận, những năm 2017-2019, tình hình kinh doanh Alphanam đã cải thiện đáng kể trở lại. Đặc biệt, doanh thu năm 2019 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh so với năm ngoái, đạt 1.435 tỷ đồng. Song, lợi nhuận ròng vẫn tiếp tục sụt giảm, từ 215 tỷ chỉ còn 97 tỷ đồng.
Sang năm 2020, trước biến cố Covid-19, Alphanma và một số công ty không những bị ảnh hưởng mà còn tăng truỏng đến 400%. Tại Alphanam giữa đại dịch, ông Hải cho biết những người thuộc thế hệ cũ chọn cách phòng thủ, tuy nhiên người trẻ - thế hệ đang điều hành trực tiếp Alphanam – thì ngược lại, Công ty theo đó quyết định thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng thủ, vừa tấn công.
"Covid-19 xảy ra đúng lúc Alphanam bàn giao cho thế hệ các con, tôi chỉ tham gia khoảng 20% ở tập đoàn", ông Hải tâm sự. Đặc biệt, giữa biến cố Covid-19, mô hình công ty gia đình phát huy tác dụng, giúp Alphanam đưa ra những quyết định nhanh chóng hơn, thuận lợi hơn so với mô hình doanh nghiệp đại chúng.
Thảo Anh