(Tổ Quốc) - Chủ tịch Foxconn Young Liu phát biểu: "Một mặt, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á sẽ trở thành trung tâm sản xuất mới của khu vực. Mặt khác, sẽ không có quốc gia đơn lẻ nào có thể thay thế hoàn toàn Trung Quốc trở thành cường quốc sản xuất toàn cầu".
Foxconn, nhà sản xuất theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nhà cung cấp quan trọng nhất của Apple, cho biết gần một phần ba năng lực sản xuất của họ hiện nằm ngoài Trung Quốc. Con số này có thể sẽ tiếp tục tăng do sự tách biệt "không thể tránh khỏi" của chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc và Mỹ.
"Xu hướng toàn cầu hướng tới G2 là không thể tránh khỏi. Phục vụ cả hai thị trường lớn là điều mà chúng tôi luôn hướng tới", Chủ tịch Foxconn Young Liu phát biểu tại một hội nghị nhà đầu tư ở Đài Bắc hôm thứ Tư, đề cập đến Mỹ và Trung Quốc.
Ông Liu cho biết ngoài khoản đầu tư vào bang Wisconsin hai năm trước, Foxconn đã tăng công suất tại Mexico, Brazil, Đông Nam Á và Ấn Độ. Foxconn có cơ sở lắp ráp iPhone ở Ấn Độ, nơi họ sản xuất iPhone XR, mẫu điện thoại ra mắt vào năm 2018 và gần đây đã bắt đầu sản xuất iPhone 11, mẫu hàng đầu được giới thiệu vào tháng 9 năm ngoái. Foxconn cũng đã mở rộng năng lực sản xuất tại Việt Nam vào năm ngoái.
Foxconn không phải là nhà cung cấp công nghệ duy nhất để mắt đến Ấn Độ. Pegatron đã thành lập một công ty con ở nước này vào tháng trước để bắt đầu xây dựng năng lực sản xuất của mình ở đó. Đối thủ nhỏ hơn Wistron, gần đây đã bán một trong những cơ sở iPhone của mình cho Luxshare Precision Industry. Wistron đã thông báo vào hôm thứ Tư rằng họ có kế hoạch bơm 45 triệu USD vào các cơ sở ở Ấn Độ.
Foxconn, cũng sản xuất cho HP, Dell, Cisco, Nokia, Google và Tesla. Công ty này có trụ sở sản xuất tại 16 quốc gia và là một trong những nhà sản xuất hàng công nghệ phản ứng sớm nhất với căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Công ty này đã chuyển phần lớn nhà máy và hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc kể từ năm 2018, khi chính quyền Trump áp thuế trừng phạt đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, coronavirus đã làm gián đoạn kế hoạch đa dạng hóa sản xuất của Foxconn trong năm nay. Liu nói: "Có rất nhiều điều không chắc chắn và nhiều khách hàng cũng đã điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất của họ".
Ông nói thêm: "Việc hình thành hai chuỗi cung ứng trên thế giới là xu hướng tất yếu trong tương lai. Một mặt, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á sẽ trở thành trung tâm sản xuất mới của khu vực. Mặt khác, sẽ không có quốc gia đơn lẻ nào có thể thay thế hoàn toàn Trung Quốc trở thành cường quốc sản xuất toàn cầu".
Bình luận của Liu được đưa ra khi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký lệnh cấm các ứng dụng TikTok và WeChat của Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia.
Apple, công ty đóng góp hơn 50% tổng doanh thu của Foxconn, có thể bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Trump đối với WeChat ở thị trường Trung Quốc, vì người dùng ở đó cho biết họ sẵn sàng từ bỏ iPhone để tiếp tục sử dụng Wechat.
Những bất ổn địa chính trị càng làm giảm triển vọng bán iPhone 5G sắp tới của Apple, vốn đã phải đối mặt với sự chậm trễ sản xuất do đại dịch.
Lợi nhuận ròng của Foxconn trong quý 2 đã tăng 34% so với cùng kỳ năm trước lên 779 triệu USD, với doanh thu đạt 1,12 nghìn tỷ Đài tệ. Foxconn cho rằng kết quả này là do các khoản trợ cấp liên quan đến coronavirus do chính quyền địa phương và khách hàng cung cấp. Foxconn cho biết, nhu cầu tăng ngoài mong đợi đối với điện thoại thông minh và bảng điều khiển trò chơi cũng góp phần vào sự khởi sắc đó.
Về tương lai, công ty dự đoán tình hình sẽ trầm hơn trong quý 3. "Nhìn chung, doanh thu của chúng tôi trong quý này sẽ tăng trưởng so với quý trước, nhưng ước tính sẽ giảm hai con số so với cùng kỳ năm ngoái", Liu nói. Ông cho rằng sự sụt giảm này là do khách hàng bị trì hoãn ra mắt sản phẩm mới, được hiểu là đang ám chỉ đến iPhone của Apple.
H.A
Nikkei Asian Reivew