(Tổ Quốc) - Tại sự kiện gặp gỡ trao đổi giữa FPT và Câu lạc bộ Doanh nhân Sao đỏ với chủ đề "Phải sống", các doanh nhân đã cùng nhau chia sẻ các giải pháp để doanh nghiệp vượt qua đại dịch, thiết lập trạng thái "bình thường mới" hậu Covid-19.
Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam: Nhân cơ hội này sốc lại toàn bộ, tái cấu trúc xoay lại mô hình kinh doanh
Để trả lời câu hỏi doanh nghiệp làm thế nào thời hậu Covid-19, Chủ tịch Deloitte cho rằng doanh nghiệp không chỉ sống thế nào cho khỏe mà còn phải sống phong cách hợp với thời đại. Với lịch sự 175 năm, Deloitte đã trải qua 3 cuộc khủng hoảng lớn của thế giới, sau mỗi lần khủng hoảng, tất cả các lãnh đạo của Deloitte đều nhìn thấy cơ hội và luôn thấy nguy cơ.
"Nguy cơ duy nhất là không theo được cơ hội mà thôi. Nhân cơ hội này chúng tôi sốc lại toàn bộ, tái cấu trúc xoay lại mô hình kinh doanh. Sống sót và sung sướng cần phải có cơ hội", bà Thanh chia sẻ.
Theo bà Thanh, trong bối cảnh hiện tại việc số hóa không phải là một xu thế mà là một lựa chọn. Chế độ làm việc từ xa giúp cho năng suất lao động tốt hơn, chi phí quản trị tốt hơn.
Ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ): PNJ phải mở động cơ dự phòng
Chia sẻ với các doanh nhân Sao Đỏ, ông Lê Trí Thông cho biết PNJ đã thực hiện tái cấu trúc từ 2 năm trước. Nếu tiếp tục phát triển theo hướng cũ PNJ vẫn phát triển khỏe sau 5 năm nữa nhưng câu hỏi đặt ra là công ty phải sống thế nào sau năm 2025.
Theo ông Thông, từ sản xuất đến bán lẻ phải là sự kết hợp của Digital, Covid-19 chỉ là một chất xúc tác. Tại thời điểm cách ly toàn xã hội, ngày 1/4/2020 PNJ đã phải đóng 85% cửa hàng, qua tháng 4 đóng gần 90%. Khi đó, PNJ đã phải "kích hoạt động cơ dự phòng", bằng cách kết hợp với thương mại điện tử doanh số vẫn chạy được 50% mặc dù hầu hết các cửa hàng phải đóng.
PNJ nhận thấy, tại thời điểm khó khăn nhất của tháng 4, công ty vẫn còn cửa để sống.
"Có 3 giai đoạn, giai đoạn 1 là giai đoạn dịch bệnh, thứ 2 là suy thoái và khủng hoảng, 3 là phục hồi. Chúng ta vẫn đang trong giai đoạn 1. PNJ phải chuẩn bị nếu tình trạng này kéo dài, động cơ dự phòng phải được đẩy mạnh lên, đi vào các thị trường mới. Muốn sống sót thì phải tái tạo nhanh hơn nữa", ông Thông chia sẻ.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ chia sẻ thêm, câu chuyện chuyển đổi số không chỉ ngày một ngày hai mà đòi hỏi ý chí của cả tập đoàn từ người lãnh đạo đến nhân viên. Trở thành văn hóa digital, định vị lại văn hóa doanh nghiệp. Việc tái định vị văn hóa DN trong thời đại mới đã giúp PNJ sống và sống khỏe.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành: Các doanh nghiệp lớn kết hợp sẽ tạo ra chuỗi cung ứng hoàn toàn mới ở Việt Nam
Ông Mai Hữu Tín dùng từ "thời chiến" để đánh giá tình hình hiện nay và cho rằng trong nội bộ Gỗ Trường Thành xác định thời thế chỉ dành cho anh hùng. "Thời thế có đến mà không có sự chuẩn bị thì không đón được kết quả gì từ thời thế này. Như vậy muốn làm anh hùng thì phải là những con người như thế nào?", ông Tín đặt câu hỏi.
Theo ông Tín, "mình chỉ là anh hùng khi mình có sự chuẩn bị tốt với thời thế đó, anh hùng phải giỏi, phải khỏe. Nối lại chuỗi cung ứng thì đúng là không nên làm nhưng với sự kết hợp của vài anh em lớn của một vài ngành nghề cụ thể nào đó mình sẽ tạo ra được chuỗi cung ứng hoàn toàn mới ở Việt Nam. Như vậy mới tạo ra anh hùng đáp ứng thời thế đó".
"Bây giờ người ta không nói đến lợi thế cạnh tranh mà nói đến lợi thế so sánh. Chúng tôi xác định làm anh hùng ở Việt Nam để đón được thời thế thì phải sử dụng lợi thế so sánh. Chúng tôi hiểu là nếu không có dữ liệu thì không ra quyết định tốt được và chúng tôi đi cùng lúc tinh gọn với dữ liệu. Gỗ Trường Thành phải đo được dữ liệu tới từng cá nhân cụ thể trong hoạt động sản xuất kinh doanh như vậy chúng tôi mới dễ đưa ra được quyết định. Người này có mức năng suất lao động thấp hơn của ngành – lợi, người kia có mức cao hơn của ngành thì đào tạo giữ lại phát triển lên. Nếu có công cụ giúp được đo từng con người như vậy thì tôi tin các DN sẽ chạy theo", ông Tín gửi thông điệp tới các tập đoàn công nghệ.
Ông Trần Huy Bảo Giang, Giám đốc Chuyển đổi số FPT: DN cần ưu tiên sinh tồn, tiếp theo là tính liên tục và đảm bảo phát triển cho tương lai
Theo ông Giang, Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề và chưa biết bao giờ kết thúc. Có 4 nhóm khủng hoảng mà DN phải đối mặt đó là mất cân bằng cung cầu toàn diện, suy giảm thanh khoản và khủng hoảng tài chính, đứt gãy chuỗi cung ứng và biến đổi môi trường làm việc.
Theo ông Giang, để kiến tạo bình thường mới, DN cần xác định ưu tiên: Đầu tiên cần đảm bảo vấn đề sinh tồn, tiếp theo là tính liên tục và đảm bảo phát triển cho tương lai.
Ông Giang cho biết FPT đặt toàn bộ nguồn lực của mình vào giai đoạn thời chiến và đẩy mạnh chuyển đổi số sâu rộng trong toàn tập đoàn nên khi Covid xảy ra FPT đã có một nền tảng tốt để ứng phó.
FPT cũng rất sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm này với các DN và có những vũ khí để đồng hành cùng doanh nghiệp bứt phá. Thứ nhất, phương pháp luận FPT Digital Kaizen thời chiến sẽ giúp doanh nghiệp chủ động trước diễn biến bất ngờ, phức tạp; quản trị, ra quyết định một cách hiệu quả nhất. FPT có thể cử ra những chuyên gia cấp cao nhất, cùng khách hàng thành lập team tinh nhuệ, tập trung tác chiến, cùng phân tích, dự báo thường xuyên và nhanh chóng đưa ra lời giải đúng cho những vấn đề nguy cấp nhất. Kho sản phẩm, giải pháp công nghệ sẵn có hoặc tạo ra giải pháp mới đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trong thời gian ngắn chỉ một vài tuần, thậm chí là vài ngày.
Kết luận, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT ho rằng trong giai đoạn khó khăn các doanh nghiệp phải thành lập các liên minh quân sự để sống và hợp tác với nhau.
Châu Cao