(Tổ Quốc) - Nhìn vào kế hoạch đặt ra ở các kỳ đại hội cổ đông, gần như năm nào Hoà Phát cũng đạt và vượt kế hoạch, cá biệt năm 2021 vượt kế hoạch hơn 90%.
Sáng ngày 24/5/2022, trời Hà Nội mưa như trút nước. Các năm trước, Tập đoàn Hoà Phát thường tổ chức họp đại hội cổ đông ở Khách sạn Hilton, những ngày đầu khi quy mô tập đoàn chưa mở rộng còn tổ chức tại chi nhánh Nguyễn Du hoặc Nguyễn Đình Chiểu, còn năm nay Hoà Phát tổ chức đại hội cổ đông ở Melia.
Phòng họp của Melia rộng gấp đôi ở Hilton và rộng gấp gần chục lần phòng họp ở chi nhánh, nhưng đến hơn 9h, các ghế ngồi gần như kín chỗ. Năm nay, lượng cổ đông của Hoà Phát lên tới 161.000 người, đông nhất sàn chứng khoán.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch tập đoàn Hoà Phát xuất hiện ở Đại hội cổ đông với tâm trạng không vui. Một tập báo cáo được phòng truyền thông và quan hệ nhà đầu tư gửi lên với những lời bình luận tiêu cực về tập đoàn, cho rằng tỷ lệ cổ tức 35% trong đó 30% bằng cổ phiếu và 5% tiền mặt là quá thấp, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu là "phát hành giấy lộn", yêu cầu ông Long tăng tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt.
Xe lu đi chậm mà chắc
Năm 2021, Hoà Phát lãi sau thuế 37.000 tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch. Năm nay tập đoàn đặt kế hoạch doanh thu dự kiến 160.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trong khoảng từ 25.000 – 30.000 tỷ đồng, giảm so với năm trước. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đa phần thắc mắc tại sao tập đoàn lại đặt kế hoạch đi lùi như vậy trong khi 3 năm qua, "xe lu" (ông Long thường ví von Hoà Phát giống xe lu, đi chậm mà chắc) có mức tăng trưởng bằng lần.
Kể từ khi Nhà máy thép Dung Quất 1 chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2019, Hoà Phát đã bước sang một trang sử với. Doanh thu đã tăng gấp 3 lần từ 56.000 tỷ năm 2018 lên 150.800 tỷ năm 2021, LNST tăng từ 8.600 tỷ lên 34.500 tỷ. Những gì ông Long hứa với cổ đông tại các kỳ đại hội đều hoàn thành. Tất nhiên, phong cách của tỷ phú thép vẫn trước sau như một: vô cùng thận trọng.
Nhìn vào kế hoạch đặt ra ở các kỳ đại hội cổ đông, gần như năm nào Hoà Phát cũng đạt và vượt kế hoạch, cá biệt năm 2021 vượt kế hoạch hơn 90%. Có lẽ đã quen với đà tăng của Hoà Phát nên các cổ đông, những người trung thành với ông Long khi nắm giữ cổ phiếu HPG từ mức đỉnh 58.000 đồng/cp rơi xuống 34.000 đồng/cp (mức giảm hơn 40%) sẽ cảm thấy bị shock khi ông Long tuyên bố thẳng thắn trước đại hội: "Hoà Phát chỉ là tế bào trong nền kinh tế, mọi người đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III và quý IV của ngành thép nói riêng và các ngành nói chung sẽ hiểu tại sao tôi thận trọng, tôi nghĩ kế hoạch kinh doanh năm nay sẽ khó. Mọi người sẽ thấy KQKD thê thảm như thế nào vì lúc này ngành thép đang không thuận lợi. Tất nhiên trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào Hoà Phát sẽ cố gắng làm tốt nhất trong ngành thép. Nhưng tôi vẫn đề nghị cổ đông hết sức thông cảm. Ông giỏi mấy thì giỏi nhưng trong ngành có tỷ suất lợi nhuận trung bình ngành, mình không thể khác ngành được".
Sau tuyên bố của Chủ tịch Hoà Phát, giá cổ phiếu HPG lao dốc ngay trong phiên chiều, thậm chí bị bán giá sàn xuống 34.200 đồng/cp.
Thực tế, câu "KQKD thê thảm" không phải những gì ông Long nói về Hoà Phát. Vua thép muốn truyền thông điệp đến cổ đông, thị trường rằng: "Tính tôi thận trọng nên tôi nghĩ là tình hình sẽ khó khăn, nhưng mọi người đừng nhìn vào Hoà Phát, nhìn chung vào ngành thép, chỉ 4-6 tháng nữa thôi sẽ thể hiện qua KQKD nên mình phải thận trọng".
Sản lượng bán hàng thép xây dựng giảm so với cùng kỳ 2021
Vừa khởi công Dung Quất 2 đã nghĩ tới Dung Quất 3: Hoà Phát sẽ không dừng lại
Năm 2022, 90% vốn đầu tư phát triển dành cho mảng thép. Hoà Phát bắt đầu khởi công Dự án Dung Quất 2 vào tháng 5/2022, hiện đã ký được các gói thầu trọng yếu và các nhà thầu bắt đầu đưa công nhân đến Dung Quất. Đây là một trận đánh lớn của ông Trần Đình Long, để có thể đưa Hoà Phát vượt ra khỏi biên giới Việt Nam và vào top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất toàn cầu.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội thép, hiện tại thị phần thép xây dựng của Hoà Phát chiếm gần 36% sản lượng toàn thị trường, thị phần HRC mới đạt 1 triệu tấn trong 4 tháng đầu năm, chiếm 40% thị phần, vẫn sau Formosa Hà Tĩnh (1,5 triệu tấn). Dung Quất 2 khi hoàn thành vào cuối năm 2024 sẽ cung ứng ra thị trường 6 triệu tấn HRC, gần như bao phủ được nhu cầu thị trường thép cuộn cán nóng trong nước khi hiện nay mỗi năm Việt Nam vẫn phải dành ra vài tỷ USD để nhập khẩu HRC.
"Dung Quất 2 chiếm trọng số rất lớn, không thể chậm được", ông Long đang dồn toàn lực và vốn để dự án này được hoàn thành đúng hạn. Nhu cầu vốn cho Dung Quất 2 là gần 80.000 tỷ, các ngân hàng trong nước cho vay 35.000 tỷ, vẫn thiếu đâu đó 45.000 tỷ.
Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, giám đốc tài chính của Tập đoàn, vốn điều lệ của công ty mẹ Hoà Phát hiện nay ở mức 44.000 tỷ đồng, trong khi công ty mẹ đã đầu tư xuống các công ty con 63.000 tỷ đồng. Lộ trình sau khi hoàn thành Dung Quất 2 vào cuối năm 2024, riêng vốn điều lệ của Hoà Phát Dung Quất là 70.000 tỷ nên trong 2-3 năm tới công ty mẹ phải tiếp tục tăng vốn điều lệ, con số bao nhiêu phụ thuộc vào kế hoạch từng năm.
Ông Long cũng tuyên bố tập đoàn đang nghiên cứu tiếp dự án Dung Quất 3, "Hoà Phát không dừng lại, Hoà Phát sẽ tiếp tục tiến lên, khẳng định là một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam, mang tầm cỡ khu vực".
"Mỗi ngày chúng ta tạo ra 500 tỷ doanh thu, nếu năm nay làm tốt có thể đạt 160.000 – 180.000 tỷ doanh thu. Không có một công ty nào trên lãnh thổ Việt Nam có thể đọ được với chúng ta. Để vươn lên một tầm mới thì chúng ta cần rất nhiều vốn. Điều này cần tài chính vững vàng", ông Long khẳng định.
Trả lời thắc mắc của một quỹ đầu tư nước ngoài, hiện nay công suất các nhà máy thép của Hoà Phát, nếu tính cả Dung Quất 2 đạt khoảng 15 triệu tấn, nếu xây tiếp Dung Quất 3 quy mô 6 triệu tấn nữa tổng công suất của Hoà Phát lên 21 triệu tấn thì nguồn cung này bán đi đâu? Ông Long tự tin cho rằng, mọi quyết định đầu tư đều được HĐQT và Ban điều hành đánh giá kỹ. Hiện tiêu thụ thép VN vẫn ở mức tương đối thấp (240 kg/đầu người) vẫn thấp hơn trung bình thế giới, với các nước đang trên đà phát triển và công nghiệp hoá như Việt Nam, mức tiêu thụ có thể tăng lên thể 350-400 kg/đầu người, vẫn yên tâm về đầu ra.
Ông Long cũng không giấu tham vọng có thể sẽ nghiên cứu việc xây nhà máy ở nước ngoài, quốc tế hoá hoạt động của tập đoàn sau khi đã mua thành công mỏ quặng ở Úc.
Đầu tư cổ phiếu Hoà Phát đường dài thì không lỗ
Ông Trần Đình Long tiết lộ, Hoà Phát có 161.000 cổ đông, lớn nhất trên sàn. Trong số những người đội mưa đi dự đại hội hôm đó, có rất nhiều người nắm giữ hàng trăm nghìn cổ phiếu Hoà Phát mua ở vùng đỉnh 56.000 – 58.000 đồng/cp, và họ nắm giữ đến lúc cổ phiếu HPG rơi xuống vùng 35.000 đồng/cp, dân trong nghề gọi là "lỗ trạng thái" vài chục tỷ đồng.
Trước đại hội, ông Long 2 lần nhắc đến câu: "Tôi không nói là mọi người không thích thì bán đi cổ phiếu nhé, tôi không nói như thế".
Trước kỳ vọng của cổ đông, tỷ phú thép chỉ nhắn nhủ rằng: "Đầu tư kinh doanh cổ phiếu Hoà Phát phải nhìn xa ra, nhìn gần "sáng gieo chiều gặt" thì khó lắm, đầu tư dài theo năm, theo chiều sâu. Các nhà đầu tư có thể đầu tư ngắn hạn các cổ phiếu mà sáng mua hôm sau có lời luôn, còn lại dành một phần danh mục đầu tư giá trị vào cổ phiếu Hoà Phát, cũng không nên dành qúa nhiều vào Hoà Phát không lại thất vọng. Lúc nãy có cổ đông nói rằng "rất buồn vì mua cổ phiếu bị lỗ" nhưng tôi nói rằng trên một chặng đường dài đầu tư cổ phiếu Hoà Phát không thể lỗ được. Thực tế chứng minh những người theo lâu dài với Hoà Phát không lỗ, thậm chí còn lời và lời rất nhiều".
Cũng đã có nhiều lời đề nghị ông Long mua cổ phiếu quỹ để cứu giá cổ phiếu, nhưng Luật Doanh nghiệp mới yêu cầu các doanh nghiệp khi mua cổ phiếu quỹ phải giảm vốn điều lệ, điều này đi ngược với chủ trương tăng vốn của tập đoàn. Còn mua theo tiền của cá nhân, ông Long cho rằng: "Cổ phiếu mang tên tôi từ những ngày đầu tiên tôi khẳng định tôi không bán, còn muốn tôi tiếp tục mua cổ phiếu thì nếu lúc nó lên thì phải cho tôi bán thì mới có tiền ra tiền vào, còn không bán thì không thể có tiền mãi để mua được".
Tính đến thời điểm cuối năm 2021, gia đình ông Trần Đình Long bao gồm vợ Vũ Thị Hiền và con trai Trần Vũ Minh đang nắm giữ hơn 1,56 tỷ cổ phiếu HPG, chiếm 34,97% cổ phần Tập đoàn. Giá cổ phiếu HPG giảm 40% trong hơn 1 tháng qua, giá trị cổ phiếu gia đình ông Long nắm giữ giảm gần 36.000 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD).
Cổ phiếu HPG rơi thẳng đứng trong 6 tháng qua
Châu Cao