(Tổ Quốc) - "Đã đến lúc chúng ta phải tính toán mở cửa nhưng trên cơ sở thận trọng, đảm bảo an toàn. Muốn vậy, Chính phủ, Bộ Y Tế cần quy định quy chuẩn thị trường an toàn, có sự công nhận lẫn nhau giữa các nước để mở cửa", đó là ý kiến của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ.
Đầu tháng 6/2020, tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, thông báo nêu rõ trong thời gian qua Việt Nam đã có thành công lớn trong việc phòng chống và kiểm soát tốt dịch bệnh, 2 tháng qua cả nước không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành vừa tiếp tục phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ bên ngoài, nhưng vẫn chuẩn bị sẵn sàng, tốt nhất trong tương lai gần để hội nhập, xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới, không chỉ là nhằm các mục tiêu phát triển kinh tế mà còn vì các mục tiêu chính trị, đối ngoại của đất nước, nhất là với các đối tác quan trọng, các quốc gia đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Với việc mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế, Thủ tướng Chính phủ giao Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 công bố các vùng, địa bàn an toàn (với tiêu chí cụ thể như trong vòng 30 ngày qua không có ca nhiễm mới trong cộng đồng) để từng bước mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế một cách chắc chắn và có hướng dẫn cụ thể việc cách ly các đối tượng nhập cảnh qua các chuyến bay này.
Về các địa điểm mở lại chuyến bay, Thủ tướng giao các Bộ: Ngoại giao, Y tế, Giao thông vận tải cân nhắc cụ thể, trước mắt lựa chọn một số địa điểm để mở sớm như Quảng Châu, Đài Loan, Seoul, Tokyo, Lào… trên cơ sở tình hình chung, có phương thức quản lý cụ thể song không nên mở ồ ạt. Các chuyến bay này cũng phải thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Tại Hội thảo trực tuyến "Hậu Covid-19: Vị thế chủ động trước vận hội mới" do Báo Trí Thức trẻ tổ chức, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) cũng đã có những chia sẻ về việc Việt Nam có nên mở sớm đường bay thương mại hay không.
Theo ý kiến của ông Kỳ, việc mở cửa thị trường quốc tế là cần thiết nhưng phải đi song song với an toàn.
"Đã đến lúc chúng ta phải tính toán mở cửa nhưng trên cơ sở thận trọng, đảm bảo an toàn. Muốn vậy, Chính phủ, Bộ Y Tế cần quy định quy chuẩn thị trường an toàn, có sự công nhận lẫn nhau giữa các nước để mở cửa".
Ông Kỳ cho biết chúng ta có thể xây dựng bộ tiêu chí an toàn theo hướng xét dựa trên số ca nhiễm trên 1 triệu dân, ở những nước như Việt Nam tỷ lệ này rất an toàn, dưới 0,2 ca nhiễm trên 1 triệu dân. Chúng ta xây dựng các mức an toàn màu xanh, vàng, đỏ, nước nào đạt chuẩn màu xanh thì chúng ta ký "tay đôi" với họ và đảm bảo không có khách bay từ nước thứ ba vào.
"Cần phải mở, chúng ta biết như Thái Lan hay Singapore hiện nay đã chấp nhận khách Việt Nam ở Việt Nam 14 ngày sang đó không phải cách ly tập trung nữa, vì thế việc mở lại thị trường quốc tế vừa giúp ngành du lịch, vừa giúp ngành hàng không, vừa giúp các ngành nghề khác phát triển" - ông Kỳ nói.
Với 3 kịch bản, mở cửa vào tháng 8, tháng 11 hoặc tháng 2 năm sau, thì kịch bản tháng 8, theo ông Kỳ là đẹp nhất. Mở cửa tháng 8 sẽ áp dụng với một số quốc gia và khu vực trọng điểm, chiếm tới 70% khách du lịch vào Việt Nam trong đó bao gồm 5 nước và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hongkong, Đài Loan, mở thứ tự từng nước và vùng lãnh thổ một.
Nếu mở sớm, khách quốc tế vào Việt Nam tính đến cuối năm có thể được 8 triệu khách, nếu mở vào tháng 11 chúng ta chỉ thu hút được khách mùa đông, chỉ khoảng 5-6 triệu khách còn nếu sang năm 2021 thì năm nay không có khách quốc tế nữa. Lượng khách Việt Nam ra nước ngoài cũng bị dừng toàn bộ. Khách nội địa hiện nay chỉ đảm bảo 30% công suất phòng, doanh thu chi phí cho ngành du lịch. Như vậy ngành du lịch sẽ không đảm bảo sự tồn tại được hết năm nay, chờ sang năm tới chờ dòng khách mới vào. Do đó ông Kỳ cho rằng, việc mở cửa nước ngoài cần phải được lên khung chương trình, đặt ra mốc thời gian để các đơn vị du lịch đặt kế hoạch triển khai.
"Chúng tôi đánh giá càng chậm càng mất cơ hội vì nếu những năm trước chúng ta quảng bá thị trường điểm đến chưa thành công, thì nay có thể chọn thị trường trọng điểm để đầu tư, kéo khách sang mình", ông Kỳ dự tính.
Sẵn sàng cho việc mở cửa
Ông Kỳ cũng chia sẻ, hiện nay Vietravel đang làm rất mạnh chương trình "Tôi yêu Việt Nam" đã sẵn sàng mở cửa lại cho thị trường nước ngoài, nhấn mạnh rằng công ty này có 6 văn phòng ở thị trường nước ngoài hiện nay. 6 văn phòng này đều ở những thị trường quan trọng bao gồm Mỹ, Úc, và Pháp, Singapore, Thái Lan, Campuchia, các văn phòng đại diện này đã được yêu cầu duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch bắt đầu được kiểm soát để giữ quan hệ với khách hàng.
Với Vietravel, thị trường quan trọng nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thì cũng đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cho các bộ sản phẩm, chương trình xúc tiến cho các đối tác tại các thị trường này. Chủ tịch Vietravel cho rằng nếu không mở đường bay quốc tế thì chuẩn bị vẫn chỉ là chuẩn bị. "Những tín hiệu cho thấy những thị trường này mong muốn sang Việt Nam rất lớn nhưng phải chờ những quy định về mặt an toàn, sức khỏe thị trường điểm đến để mở trở lại đường bay quốc tế".
Thị trường trong nước chưa được đầu tư đúng mức
Đánh giá về thị trường trong nước, ông Kỳ cho rằng mặc dù Covid-19 tác động nặng nề đến ngành du lịch song có một điểm sáng đó là qua đại dịch này chúng ta nhìn nhận lại rằng thị trường nội địa thời gian qua đã bị bỏ ngỏ, thị trường lớn nhất với 100 triệu dân nhưng chúng ta đầu tư chưa đúng mức với sự phát triển, các sản phẩm "na ná" như nhau, chất lượng chưa cao.
Hiện nay chúng ta đang tạo ra các sản phẩm giá tốt, chất lượng tốt cho thị trường nội địa. Ông Kỳ cho rằng, dù sau dịch có hay không có khách quốc tế, ngành du lịch Việt Nam phải nhìn thấy cần đầu tư cẩn thận vào thị trường trong nước. "Trong định hướng phát triển sắp tới cần đánh giá lại vị trí kinh tế mũi nhọn, kinh tế tổng hợp của ngành du lịch".
Châu Cao