An toàn, minh bạch và lãi suất hấp dẫn, chứng chỉ tiền gửi đã trở thành kênh gửi tiền dài hạn được nhiều khách hàng lựa chọn.
Trong cơ cấu nghiệp vụ huy động tiền gửi, việc phát hành chứng chỉ tiền gửi là hoạt động phổ biến và theo quy định của NHNN được các ngân hàng tại Việt Nam thường xuyên tổ chức triển khai. Theo đó, chứng chỉ tiền gửi được phát hành từng đợt, với lãi suất cạnh tranh đã thu hút được đông đảo khách hàng. Chị Ngọc Hân (Quận 3, TP. HCM) cho biết: "Bên cạnh gửi tiết kiệm thông thường để đảm bảo linh hoạt vốn, tôi cũng dành một khoản đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi tại một ngân hàng để nhận được lãi suất tốt và giữ được khoản tiền lâu dài cho các kế hoạch trong tương lai".
Riêng với chứng chỉ tiền gửi, đây là một loại giấy tờ có giá trị tương tự như sổ tiết kiệm, được ngân hàng phát hành để chứng nhận quyền sở hữu của khách hàng đối với một khoản tiền gửi có kỳ hạn dài tại ngân hàng (thường là 5 đến 7 năm). Tuy nhiên chứng chỉ tiền gửi không được phát hành thường xuyên mà chỉ được đưa ra thành từng đợt tùy thuộc mỗi ngân hàng.
Đồng thời, số lượng có hạn, khi ngân hàng huy động đủ vốn có thể sẽ dừng phát hành. Đồng thời, với các chứng chỉ tiền gửi dài hạn sẽ là nguồn bổ sung vốn cấp 2 được NHNN đánh giá và ghi nhận vào các tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động của các ngân hàng theo quy định pháp luật. Do đó, các ngân hàng đều thực hiện nghiệp vụ này và có lãi suất cạnh tranh theo cung cầu thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tối ưu hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng.
Chính vì vậy, khi tham gia chứng chỉ tiền gửi, khách hàng được hưởng mức lãi suất cạnh tranh, điều chỉnh định kỳ theo quy định của ngân hàng đảm bảo an toàn và minh bạch. Các ngân hàng đều có quy định cụ thể về số tiền tham gia chứng chỉ tiền gửi tối thiểu, việc tất toán, rút tiền trước hạn… Đồng thời, tùy ngân hàng sẽ có một số điều kiện chặt chẽ đi kèm. Các thông tin về sản phẩm chứng chỉ tiền gửi được các ngân hàng niêm yết và công khai minh bạch trên hệ thống website để khách hàng có nhu cầu dễ dàng nắm bắt và tham khảo.
Nhìn chung, tiền gửi tiết kiệm hay chứng chỉ tiền gửi đều có đặc điểm về điều kiện giao dịch và mức lãi suất kỳ vọng khác nhau, do các quy định pháp luật mà ngân hàng và khách hàng phải tuân thủ. Khách hàng có nhu cầu nên tìm hiểu kỹ các thông tin về lãi suất, kỳ hạn và các điều kiện của từng ngân hàng để đưa ra lựa chọn tốt nhất. Nếu người gửi tiền có khoản tiền không cố định và muốn dự phòng trường hợp có thể rút trước hạn thì có thể chọn gửi tiết kiệm. Nếu khách hàng có khoản tiền có thể gửi dài hạn và quan tâm nhiều đến lãi suất dài hạn thì chứng chỉ tiền gửi là lựa chọn tối ưu.
Với thuộc tính là loại giấy tờ có giá theo quy định của NHNN, khi có nhu cầu, khách hàng sở hữu chứng chỉ tiền gửi cũng nhanh chóng có thể thực hiện chuyển quyền sở hữu chứng chỉ tiền gửi cho người khác dưới các hình thức mua, bán, cho, tặng, trao đổi, thừa kế và các hình thức khác phù hợp (Điều 17, Thông tư 01/2021/TT-NHNN). Đây thực sự là một loại tài sản linh hoạt, hiệu quả mà cả khách hàng và ngân hàng đều áp dụng theo quy định nhiều năm vừa qua, góp phần đem lại lợi ích cho ngân hàng, cho khách hàng, cho xã hội.