(Tổ Quốc) - Nếu như nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt đều có các bộ luật quy định thì dữ liệu cũng tương tự, cần có hệ thống pháp luật quy định.
"Kinh tế nền tảng đã tồn tại từ rất lâu đời với nhiều hình thức khác nhau, từ "chợ" thật cho đến những "chợ" ảo. Tại đó, người bán, người mua có thể gặp nhau để có thể trao đổi thông tin và đưa đến quyết định là mua hay không mua, giao dịch hay không giao dịch. Ví dụ như "chợ người" Giảng Võ là một nền tảng cực kỳ điển hình. Với sự phát triển của công nghệ thì nền tảng vật lý dần dần mất đi và thay vào đó là những nền tảng số như Amazon, eBay, Facebook…", đó là chia sẻ của ông Ngô Vĩnh Bạch Dương - Trưởng phòng Kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp Luật tại toạ đàm "Vai trò của nền tảng số trong phục hồi kinh tế sau đại dịch" do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức mới đây.
Tại Việt Nam hiện chưa có nhiều nền tảng số lớn quy mô như Amazon, eBay,... nhưng các nền tảng nhỏ lẻ lại khá nhiều. Trong khi các nền tảng số đang phát triển mạnh mẽ thì theo ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, các vấn đề liên quan đến pháp lý cũng cần được quan tâm.
Nếu như các chợ vật lý sẽ có cơ quan quản lý thị trường đến kiểm tra xem các cửa hàng bán hàng thật/hàng giả, giá cả thế nào thì trên nền tảng số, việc này trở nên khó khăn hơn. Tuy vậy, vẫn có mặt thuận lợi hơn vì tất cả dữ liệu của người bán, người mua đều được lưu trữ. Vấn đề nằm ở việc thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu đòi hỏi các nhà phát triển đưa ra những thuật toán phù hợp để phục vụ cho việc phát triển của nền tảng. Và trong quá trình đó có thể xảy ra vấn đề bóc lột dữ liệu, lạm dụng dữ liệu,...
Thứ nhất, là truy cập dữ liệu. Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương cho biết, hiện nay chúng ta chưa có chuẩn về vấn đề thu thập dữ liệu. Mặc dù đã có Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, quy trình thu thập dữ liệu công bằng và thỏa đáng theo các nguyên tắc của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đã dần được luật hóa nhưng vẫn chưa được hoàn chỉnh.
Bên cạnh đó, bản thân người thu thập dữ liệu có quyền gì sau khi đã cung cấp dữ liệu, hay sau khi xóa dữ liệu thì việc điều tra các giao dịch trong quá khứ như thế nào? Đặc biệt là liên quan đến những giao dịch có thể hàm chứa những mục đích hoặc đối tượng bất hợp pháp. Vì vậy, việc xử lý, thu thập những dữ liệu này cũng đòi hỏi một quy trình nghiêm khắc.
Đối với chủ dữ liệu, cần phải có luật bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt hơn để bảo đảm rằng việc thu thập dữ liệu đó được sự đồng thuận của chủ dữ liệu. Việc xử lý dữ liệu cũng phải được sự chấp nhận của chủ sở hữu. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nhận định việc thu thập dữ liệu là một câu chuyện rất lớn. Việc xây dựng đạo luật về an toàn dữ liệu cũng rất khác so với Luật An ninh mạng hay là Luật An toàn thông tin mạng.
Thứ hai, việc thu thập dữ liệu phải có sự đồng thuận với nhiều tiêu chuẩn khác nhau, từ sở hữu trí tuệ, các quy tắc về bảo vệ quyền con người và hàng loạt các vấn đề khác. Tuy nhiên, thực trạng cho thấy hầu hết người dùng chỉ mong muốn là cài đặt thật nhanh chóng và chấp nhận luôn điều khoản sử dụng dịch vụ mà không cần đọc hết.
Ông Bạch Dương lấy ví dụ như khi cài đặt Uber. Khi nhấn đồng ý cài đặt thì sẽ thấy 18 điều khoản điều kiện giao dịch chung, với tổng độ dài lên tới 400 trang.
"Tôi có thể khẳng định rằng sẽ không có người tiêu dùng nào có thể đọc hết được, đến bản thân những người làm luật như chúng tôi cũng phải mất rất nhiều thời gian mới có thể hiểu được. Đây là một lỗ hổng rất lớn về bất đối xứng thông tin mà các cơ quan cần quản lý tốt hơn", vị chuyên gia bày tỏ.
Thứ ba, là về phía nền tảng. Với sự phát triển kinh tế số với những kỳ vọng rằng chúng ta sẽ có những sản phẩm tốt hơn, rẻ hơn. Tuy vậy trong thời gian vừa qua, ngoài những nền tảng phát triển khá ổn định như các sản phẩm họp hội nghị của FPT, các nền tảng giao dịch ví điện tử… thì còn có những nền tảng giá có có giá cao khi đến tay người tiêu dùng. Trong khi đó, một trong những mục tiêu tạo ra các nền tảng số là để tiết kiệm chi phí. Do đó, vấn đề đặt ra là các chi phí tuân thủ của các đơn vị kinh doanh nền tảng liệu đã đúng chưa?
Các diễn giả bàn luận các vấn đề xung quanh vai trò của nền tảng số trong phục hồi kinh tế sau đại dịch
Vị chuyên gia cho rằng cần rà soát lại các chi phí tuân thủ của các đơn vị kinh doanh nền tảng để họ có thể giảm bớt được các chi phí không cần thiết. Xem xét sự kết nối của các cơ quan nhà nước như cơ quan thuế, cơ quan thống kê... có sự đấu nối, kết nối phù hợp, để khai thác dữ liệu, xử lý các thủ tục hành chính đơn giản hơn mà không cần tăng thêm nhân công.
Cũng là một diễn giả trong toạ đàm, ông TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đồng tình với quan điểm trên, đồng thời cho rằng dữ liệu chính là nguồn tài nguyên mới. Nếu như nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí đốt đều có các bộ luật quy định thì dữ liệu cũng tương tự, cần có hệ thống pháp luật quy định.
Theo Hoàng Thuỳ