(Tổ Quốc) - Theo bà Camilla Holbech, Tham tán năng lượng, điện gió ngoài khơi Đại sứ quán Đan Mạch, Việt Nam đã đủ sẵn sàng để đi những bước tiến trong việc phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi trong 5 năm tới.
Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2021 được tổ chức dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương và các đơn vị liên quan. Chủ đề của phiên hội thảo chuyên đề 4 ngày 10/11 là “Phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tại buổi hội thảo, bà Camilla Holbech đã chia sẻ những kinh nghiệm của Đan Mạch trong việc phát triển điện gió. Theo đó, Đan Mạch đã có hơn 40 năm kinh nghiệm về quá trình chuyển đổi xanh hệ thống điện. Hiện nay, Đan Mạch đạt mức 47% năng lượng gió vào năm 2019 và sẽ là 100% năng lượng điện xanh trong cơ cấu điện trước năm 2030.
Bà Camilla Holbech nhận định: "Chúng ta phải nói đến quy hoạch dài hạn bởi vì chúng ta không thể nào nói một ngày nào đấy thức dậy hệ thống của chúng ta phải 100% năng lượng tái tạo được. Như thế thì công việc của chúng ta dễ dàng quá".
Với hệ thống năng lượng tái tạo, Việt Nam phải thiết lập được tải cơ sở, phát điện dựa trên nguyên liệu tái tạo, xây dựng khả năng linh hoạt của hệ thống. Hơn nữa, Việt Nam cũng phải nghĩ đến công nghệ lưu trữ.
Ở Đan Mạch, bà cho biết có rất nhiều các hoạt động kết nối với quốc gia khác. Vì vậy, điện gió vào điện lưới nhiều quá thì chúng tôi xuất bán cho quốc gia khác như vậy thì cung cầu vẫn được cân bằng. Một vấn đề liên quan đến thiết kế dựa trên thị trường mà có thể thúc đẩy lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Bà Camilla Holbech, Tham tán năng lượng, điện gió ngoài khơi Đại sứ quán Đan Mạch, phát biểu tại hội thảo chuyên đề số 4.
"EVN hiện nay cũng làm nhiều hoạt động liên quan đến dự báo về sản lượng phát điện tái tạo. Để biết được trong tương lai sẽ là như thế nào thì chúng ta phải yêu cầu các đơn vị phát khác phải cắt giảm, bởi chúng ta sẽ có lượng điện tái tạo cao đưa vào lưới", bà Camilla Holbech cho biết:
Cơ chế đã được áp dụng ở châu Âu là thiết kế dựa trên thị trường, kết hợp điều độ ưu tiên với năng lượng tái tạo đưa vào lưới. Các đơn vị phát phải có quyền để truy cập lưới và công suất dựa trên nhiên liệu tái tạo sẽ phải nhường chỗ cho cái công suất năng lượng tái tạo. Thị trường ở đây đang được nghĩ đến theo một cách thức khác. Bởi thị trường được xây dựng để hỗ trợ được các tổ máy có tính tập trung cao.
Trong giai đoạn 10 - 15 năm tới, Việt Nam sẽ có những tổ máy phân tán quy mô nhỏ ở trên cả nước. Vậy nên, ngành điện Việt Nam phải xem xét về lưới.
Tham tán của Đại sứ quán Đan Mạch cho rằng, bởi vì chúng ta đã xây dựng lộ trình đi từ A đến B nhưng cái lộ trình của chúng ta lại đi theo nhiều hướng khác nhau đến những nơi khác nữa thế thì tăng cường lưới cần phải xem xét trong quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam.
Việt Nam có thể có thách thức nhất định. Song, bà Camilla Holbech thấy được ở nhiều thị trường khác là các giải pháp cũng sẽ không tốn kém và có tác động tích cực với an ninh năng lượng của hệ thống. Việt Nam phải tận dụng lợi thế của các quốc gia đi trước, thu thập bài học của họ và sau đó thì sẽ đi rất xa và lớn về năng lượng tái tạo.
Kết thúc phần trả lời, bà Camilla Holbech nói: "Tôi nghĩ là chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Tôi biết đây là một nhiệm vụ lớn. Tôi biết chúng ta phải 'bò trước khi đi'. Nhưng nếu mà sẵn sàng thì Việt Nam đã đủ để đi những bước tiến rồi, thay vì phải 'bò' trong những giai đoạn đầu đời".
Đặng Sơn