Chuyên gia khuyến nghị: Với tiềm lực hiện nay, Việt Nam có thể tăng chi ngân sách, tăng cung tiền ở mức độ hợp lý

(Tổ Quốc) - Chuyên gia cho rằng Việt Nam nên xem xét có gói hỗ trợ tổng thể tiếp theo, trên cơ sở cân nhắc, tính toán dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ, mức độ tác động của dịch bệnh, bối cảnh và cơ hội mới để thiết kế chính sách phù hợp.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo cập nhật Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các ngành kinh tế Việt Nam và khuyến nghị.

Báo cáo cho biết, nền kinh tế Việt Nam quý 3/2021 đã phản ánh rõ những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Tăng trưởng GDP quý 3 ước giảm -6,17%; tính chung 9 tháng, GDP chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng 9 tháng thấp nhất kể từ khi mở cửa nền kinh tế đến nay. Mặc dù dịch bệnh đang dần được kiểm soát cùng với tiến trình bao phủ vaccine được đẩy nhanh hơn, cùng với việc điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch giúp cân bằng hơn giữa việc đảm bảo sức khỏe người dân và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; lĩnh vực nông nghiệp, xuất – nhập khẩu tăng khá và ổn định kinh tế vĩ mô được đảm bảo; nhưng Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Với từng lĩnh vực, Nhóm tác giả cũng đưa ra những đánh giá về tác động của Covid-19 trong 9 tháng qua, trong đó có những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nhưng có những ngành bị ảnh hưởng ít chẳng hạn lĩnh vực tài chính-ngân hàng-bảo hiểm vẫn đạt mức tăng trưởng 8,37% trong 9 tháng qua. Theo các chuyên gia, đây là ngành hưởng lợi từ xu thế chuyển đổi số, kinh doanh trực tuyến, vận chuyển giao hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, cùng với sự quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán. 

Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý là tác động đối với lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm là có độ trễ; do tác động của dịch bệnh đối với doanh nghiệp, người dân, đã và đang tác động tiêu cực hơn đối với lĩnh vực ngân hàng, nợ xấu gia tăng rõ rệt với tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể tăng lên mức 2% cuối năm 2021 và khoảng 2,3-2,5% năm 2022; và nợ xấu gộp (gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC và nợ xấu tiềm ẩn) tăng từ 5,1% cuối năm 2020 lên 7,2% hiện nay (nếu tính cả các khoản nợ cơ cấu lại nhưng không bị chuyển nhóm theo Thông tư 01 và Thông tư 03 của NHNN, theo báo cáo của NHNN).

Với kết quả 9 tháng đầu năm và bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế từ đầu tháng 10, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV dự báo kinh tế Việt Nam sẽ sớm hồi phục từ quý 4/2021, tăng trưởng quý 4 có thể đạt 3,5% - 5,3%; giúp GDP cả năm 2021 có thể tăng 2,5% (kịch bản cơ sở) đến 3% (kịch bản tích cực).

Về lạm phát, nhóm chuyên gia dự báo CPI bình quân cả năm 2021 ở mức 2,3-2,5%, thấp nhất trong vòng 6 năm, năm 2022 ở mức 3-3,3% - dù thấp so với dự báo trước đó nhưng vẫn ở mức cao trong khu vực ASEAN, vì vậy, không thể chủ quan, cần chú trọng phối hợp chính sách nhằm đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế bền vững.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV cũng đưa ra các khuyến nghị nhằm góp phần hỗ trợ nền kinh tế nhanh chóng hồi phục. Một trong số đó là xem xét có gói hỗ trợ tổng thể tiếp theo, trên cơ sở cân nhắc, tính toán dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ, mức độ tác động của dịch bệnh, bối cảnh và cơ hội mới để thiết kế chính sách phù hợp. Theo các chuyên gia, lúc này chúng ta cần chấp nhận nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và tín dụng tăng trong tầm kiểm soát. Với tiềm lực, dư địa tài khóa và tiền tệ hiện nay, Việt Nam có thể tăng chi ngân sách, tăng cung tiền ở mức độ hợp lý và từ năm 2023 có thể quay lại quỹ đạo, kiểm soát những cán cân này lành mạnh hơn.


H. Kim

Tin mới