Chuyên gia kinh tế khuyên gì với giới đầu tư trái phiếu?

(Tổ Quốc) - Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, với vai trò to lớn là động lực của sự phát triển, trái phiếu doanh nghiệp cần được khuyến khích, tạo mọi thuận lợi để phát triển. Một số vụ việc gần đây không đại diện cho số đông và nhà đầu tư cần bình tĩnh chọn lựa doanh nghiệp uy tín cũng như cẩn trọng với “mồi nhử” lãi suất.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) về chủ đề nóng đang nhận được nhiều bàn luận.

"Dư địa phát triển thị trường trái phiếu Việt rất lớn"

- Sau vụ việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị Ủy ban Chứng khoán nhà nước hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu, tâm lí của các nhà đầu tư ít nhiều có phần lo lắng. Ở góc độ một chuyên gia tài chính, ông bình luận ra sao về động thái này cũng như thực tế thị trường thời điểm hiện tại?

Việc chấn chỉnh này theo tôi là vô cùng cần thiết. Với một thị trường còn non trẻ và phát triển mạnh những năm qua như trái phiếu, việc sốc lại thị trường, để đảm bảo sự trong sạch, minh bạch và khả năng hấp thụ vốn là đặc biệt quan trọng. Vụ việc gần đây theo tôi không đại diện cho số đông và động thái mạnh mẽ từ cơ quan quản lí sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư chân chính. Xa hơn là góp phần làm thị trường tránh được hệ lụy sau này. Chúng ta không thể để tình trạng có doanh nghiệp làm ăn không chân chính lừa dối nhà đầu tư, nói một đằng làm một nẻo.

Về tác động, tôi cho rằng, những xáo trộn của thị trường nếu có cũng chỉ là tạm thời và về trung, dài hạn, trái phiếu – kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế sẽ ngày càng hoàn thiện và có nhiều cơ hội phát triển một cách bền vững.

- Có ý kiến cho rằng, đã đến lúc siết lại thị trường trái phiếu, bao gồm hạn chế tổ chức, cá nhân tham gia thị trường để tránh sự phát triển quá nóng, thậm chí là đổ vỡ. Điều này có cần thiết không thưa ông?

Hoàn toàn ngược lại. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây cũng đã khẳng định cần khuyến khích, tạo mọi thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, hoạt động chân chính, lành mạnh, hiệu quả tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Trái phiếu doanh nghiệp cần được nhìn nhận đúng vai trò. Với chi phí hợp lí, đây là kênh huy động chủ yếu để bổ sung vốn cho doanh nghiệp trong nhiều nền kinh tế quốc dân. Tức là về bản chất, trái phiếu doanh nghiệp đóng vai trò "mạch máu" giúp cân đối hệ thống tài chính, không để nguồn vốn quá phụ thuộc vào hệ thống tín dụng cũng như góp phần đa dạng hóa kênh đầu tư và sản phẩm tài chính. Tại các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc… đây là kênh chiếm tới 70-80% tổng lượng huy động vốn của doanh nghiệp.

Với Việt Nam, mặc dù tỉ lệ này mới chỉ chiếm khoảng 10% nhưng thị trường cũng đang vận động theo xu hướng thế giới. Bằng chứng là trong giai đoạn 2017-2021, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường trái phiếu doanh nghiệp lên tới 46% mỗi năm. So với các nước, dư địa phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam rõ ràng còn rất lớn. Vụ việc của Tân Hoàng Minh thực tế chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" và việc xử lí sẽ giúp đảm bảo minh bạch, an toàn hơn cho các nhà đầu tư khi tham gia thị trường.

"Chọn mặt gửi vàng" đúng chỗ, cẩn trọng với bẫy lãi suất

- Điều gì sẽ xảy ra nếu thị trường trái phiếu doanh nghiệp không lưu thông tốt, thưa ông?

Như tôi đã nói ở trên, đây là kênh huy động vốn quan trọng hàng đầu của doanh nghiệp và nếu tắc nghẽn sẽ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cả nền kinh tế. Lấy ví dụ trong lĩnh vực bất động sản. Ta đều biết bất động sản là lĩnh vực lớn của nền kinh tế quốc dân. Muốn phát triển công nghiệp ta phải có bất động sản công nghiệp, muốn phát triển an sinh, xã hội, nền kinh tế cần bất động sản nhà ở, muốn phát triển thương mại cần bất động sản thương mại… Ngoài ra còn là hàng chục ngành nghề, lĩnh vực phía sau bất động sản. Bất động sản bởi thế đóng vai trò động lực của phát triển. Nhưng nếu doanh nghiệp không huy động được nguồn lực từ trái phiếu thì không cách gì phát huy được lợi thế của mình.

Chính vì quan trọng nên việc cần làm không phải là siết chặt, bóp nghẹt thị trường vốn mà là việc thanh lọc, chấn chỉnh, điều tiết, để thị trường đi theo hướng phát triển bền vững,lâu dài, quyền lợi của nhà đầu tư được đảm bảo.

- Theo ông, chúng ta cần làm gì để thị trường trái phiếu thực sự là nơi nhà đầu tư chân chính có thể yên tâm tham gia?

Với thị trường non trẻ như trái phiếu Việt Nam, rõ ràng là còn nhiều việc phải làm. Trước hết theo tôi là cần hoàn thiện Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với quy định rõ hơn về điều kiện phát hành trái phiếu, xếp hạng tín nhiệm, mục đích sử dụng vốn vay...

Ngoài ra, theo tôi, chúng ta phải nghiên cứu và xây dựng khuôn khổ pháp lý để phát triển thị trường trái phiếu thứ cấp. Về nguyên tắc, muốn nâng cấp thị trường từ cận biên lên mới nổi, chúng ta cần một thị trường chứng khoán thứ cấp, thị trường trái phiếu thứ cấp để mua bán trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp mạnh mẽ. Khi người dân được mua đi bán lại, thị trường sẽ tự "chà xát" và sẽ có đánh giá chính xác hơn về trái phiếu.

- Ông có lời khuyên gì với các nhà đầu tư trong thời điểm hiện tại?

Bình tĩnh, hoàn toàn không cần run sợ. Trái phiếu doanh nghiệp thực tế là vẫn kênh đầu tư an toàn, sinh lời tốt. Vấn đề quan trọng với nhà đầu tư là phải hiểu đơn vị phát hành trái phiếu là ai, tình hình tài chính doanh nghiệp ra sao để chọn mặt gửi vàng. Đặc biệt, giới đầu tư cần cẩn trọng với "bẫy" lãi suất cao. Trong kinh tế, lãi suất càng cao, càng rủi ro, đó là nguyên tắc. Một số trái phiếu quảng cáo mức lãi suất 10-12%, thậm chí 15-17%, chúng ta càng cần cẩn trọng suy xét bởi doanh nghiệp sẽ sản xuất, kinh doanh ra sao để trả mức lãi này cho nhà đầu tư?

- Xin cảm ơn ông!


PV

Tin mới