(Tổ Quốc) - Sau một thập kỷ trầm lắng, kỳ vọng lạm phát cao hơn bắt đầu phản ánh vào giá. Tuy nhiên, theo báo cáo "Triển vọng Thị trường Toàn cầu: Lo ngại về lạm phát?" của Standard Chartered vừa công bố, trong 12 tháng tới, triển vọng tăng trưởng sẽ là động lực quan trọng hơn với cổ phiếu, khi so với lạm phát.
Báo cáo khuyến nghị, nhà đầu tư nên ưu tiên cổ phiếu và trái phiếu hơn tiền mặt. Song, phân bổ đầu tư một phần vào vàng có thể giúp giảm thiểu ảnh hưởng do số liệu lạm phát không như kỳ vọng.
Theo đó, báo cáo chia ra 2 nhóm thị trường để phân tích: Thị trường mới nổi và Thị trường phát triển.
Đối với thị trường phát triển, triển vọng tăng trưởng và thu nhập vẫn là động lực lớn nhất. Chứng khoán toàn cầu, sau khi điều chỉnh chỉ hơn 5% từ đầu tháng 9 đến đầu tháng 10, đã quay lại quanh mức đỉnh lịch sử vào đầu tháng 9. Mô hình này phù hợp với quy luật suy yếu theo mùa vụ từ tháng 9 đến tháng 10 trước đợt tăng trong quý 4.
Ngược lại, từ đầu tháng đến nay, hầu hết thị trường trái phiếu đều giảm, giá vàng tăng và đồng USD ít biến động. Tình trạng giằng co hiện tại của thị trường chủ yếu xoay quanh triển vọng tăng trưởng và lạm phát. Nỗi lo về tăng trưởng ít hơn, ít nhất là ở Mỹ và châu Âu.
Trong khi một số chỉ số tần suất cao đã giảm trong tháng qua, thị trường vẫn kỳ vọng tăng trưởng cao hơn mức trung bình trong năm 2022, được củng cố bởi các khảo sát PMI và báo cáo lợi nhuận gần đây.
Tuy nhiên, thị trường lại có quan điểm khác nhau về lạm phát. Tại Mỹ, kỳ vọng lạm phát bắt đầu tăng từ cuối tháng 9 trong khi dự báo lạm phát cũng được điều chỉnh tăng mạnh (lạm phát CPI lên mức 4.3% trong năm 2021 và 3.3% trong năm 2022).
Đối với thị trường, mức độ lạm phát và phản ứng chính sách là yếu tố then chốt. Lạm phát trên 2% nhìn chung không kìm hãm được các tài sản rủi ro, trừ khi kỳ vọng lạm phát dài hạn tăng lên đáng kể.
Nguồn: Bloomberg, Standard Chartered (số liệu từ 2005-2021).
Tăng trưởng quyết định biến động cổ phiếu
Thông thường, khi so sánh giữa tăng trưởng và lạm phát, thì tăng trưởng tác động đáng kể đến thị trường chứng khoán hơn. Điều này có nghĩa rằng, trừ khi kịch bản tăng trưởng suy yếu kết hợp với lạm phát rất cao và gia tăng, cổ phiếu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn khi tăng trưởng kinh tế và thu nhập vẫn rất tốt.
Các nhà phân tích tại Standard Chartered kỳ vọng tăng trưởng kinh tế tại các thị trường phát triển chính sẽ duy trì trên mức xu hướng. Tăng trưởng thu nhập có thể giảm xuống mức bền vững, nhưng vẫn mạnh trong năm tới.
Do đó, báo cáo khuyến nghị nhà đầu tư nên có sự ưu tiên dành cho cổ phiếu, nếu so sánh với trái phiếu và tiền, dù chưa có ý kiến nhất quan hiện nay về lạm phát. Tại thị trường mới nổi, tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại hơn so với thị trường phát triển, đồng USD suy yếu, cộng thêm chính sách nới lỏng đáng kể ở Trung Quốc.
Báo cáo cho biết, dù một số chỉ số kinh tế vĩ mô đang cải thiện nhất định tại một số thị trường mới nổi, nhưng vẫn không đủ để cổ phiếu thị trường mới nổi tăng mạnh hơn thị trường phát triển.
Riêng với thị trường Trung Quốc, vấn đề then chốt vẫn là chính sách. Về mặt tích cực, chính sách đang bắt đầu chuyển sang lỏng hơn một chút trên cơ sở có chọn lọc - các nhà hoạch định chính sách cho biết họ tin tưởng rằng các yếu tố bất lợi trong lĩnh vực bất động sản vẫn sẽ được kiểm soát, một số chính sách thế chấp và nhà ở đã được nới lỏng một chút.
Dù không mong đợi kích thích đại trà quay trở lại, các chuyên gia Standard Chartered kỳ vọng kích thích tài khóa có mục tiêu và nới lỏng nhất định của NHTW sẽ giúp ổn định tăng trưởng. Điều này, cùng với tiến trình giải quyết các thách thức nợ của Evergrande, có thể cần thiết trước khi triển vọng thị trường chứng khoán Trung Quốc được cải thiện bền vững hơn.
Tuy nhiên, báo cáo vẫn chỉ ra cần ưu tiên trái phiếu lợi suất cao châu Á. Trong khi chứng khoán Trung Quốc có thể chờ đợi các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tích cực hơn, các nhà đầu tư vào trái phiếu châu Á có niềm tin vào tỷ lệ vỡ nợ vẫn được kiểm soát tốt trong hoặc dưới mức kỳ vọng hiện tại của thị trường.
Cân nhắc đầu tư vào vàng
Dù vậy, theo báo cáo, các thị trường đang kiểm chứng nhận định lạm phát là hiện tượng ngắn hạn. Một số ngân hàng trung ương như NHTW Anh dường như đã sẵn sàng hành động để lạm phát do gián đoạn nguồn cung không lan rộng.
Theo quan điểm của các chuyên gia Standard Chartered, việc phân bổ đầu tư vào vàng có thể là một cách giảm thiểu rủi ro lạm phát cao hơn dự kiến. Thông thường, trong các kịch bản tăng trưởng/lạm phát, vàng có ưu thế so với các loại tài sản phi chứng khoán trong thời kỳ lạm phát gia tăng.
Lợi suất tăng có phải là rủi ro với trái phiếu?
Triển vọng tăng trưởng và lạm phát cao hơn khiến rủi ro lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Dù đây có thể là cản lực lớn đối với trái phiếu xếp hạng tín dụng cao có lợi suất thấp, nhưng trái phiếu chính phủ USD thị trường mới nổi có vị thế tốt hơn tương đối, do chúng mang lại lợi suất và phần bù lợi suất cao hơn nhiều.
Hà Trần