(Tổ Quốc) - Vượt khó với công nghệ được xem là chìa khóa cho tăng trưởng hậu đại dịch giúp doanh nghiệp đón đầu thử thách, tận dụng cơ hội và phát triển bền vững.
Cú hích chuyển đổi số từ đại dịch
Trong giai đoạn Covid-19, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ áp dụng kỹ thuật số cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo nhận định của Chuyên gia Công nghệ số từ McKinsey & Company, hiện vẫn còn nhiều dịch vụ ở Việt Nam chưa được số hóa, đồng nghĩa với việc thị trường vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
Đây là một phần nội dung trong tọa đàm Leaders Talk với chủ đề "Doanh nghiệp đổi mới, đón đầu thử thách hậu đại dịch" do Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) và Hiệp hội các Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BritCham Vietnam) đồng tổ chức. Sự kiện nhằm thảo luận về các vấn đề vận hành và công nghệ của doanh nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh hậu đại dịch.
Tại tọa đàm, bà Marieke van der Pijl - Quản lý (Practice Manager), Công ty luật ACSV Legal chia sẻ, đại dịch Covid-19 xảy ra trong hai năm 2020-2021, đặc biệt là làn sóng dịch lần thứ 4 ở Việt Nam đã tác động và làm thay đổi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có Công ty luật ACSV Legal.
ACSV Legal bắt đầu cải tiến các công cụ phần mềm làm việc trực tuyến nhằm giúp nhân sự làm việc dễ dàng và thuận tiện hơn.
Bà Marieke cho hay, công ty đã phải đẩy mạnh việc xử lý các thủ tục hành chính, lưu trữ tài liệu của công ty thông qua các dịch vụ đám mây trực tuyến. Điều này góp phần tạo thuận lợi cho quy trình vận hành và làm việc của công ty ngay cả khi làm việc từ xa, nhất là khi không phải mọi công việc pháp lý đều có thể hoàn thành xử lý trong giờ hành chính.
Để sẵn sàng cho năm 2022 và những năm tiếp theo, việc chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân sự cũng là một trong những giải pháp căn cơ. Công ty cũng dự định triển khai phần mềm hỗ trợ một số công việc hành chính, tạo thuận lợi cho nhân viên tập trung vào công việc chuyên môn là tư vấn luật.
Còn theo nhận định của ông Gareth Davies, Chuyên gia Công nghệ số (Digital Expert), Công ty tư vấn quản lý và chiến lược McKinsey & Company, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình số hoá ở Việt Nam diễn ra nhanh hơn.
"Trong giai đoạn Covid-19, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ áp dụng kỹ thuật số cao nhất khu vực Đông Nam Á", ông cho hay.
Tiềm năng to lớn chờ khai phá ở Việt Nam
Cụ thể, nếu so sánh Việt Nam với một số các quốc gia khác trong khu vực, ví dụ như Singapore, Thái Lan, Indonesia…, thì Việt Nam đang cho thấy mức độ tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng số và Fintech.
"Người dùng ngân hàng kỹ thuật số tích cực của Việt Nam đã tăng từ 41% vào năm 2017 lên 82% vào năm 2021 và con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi hệ sinh thái kỹ thuật số của quốc gia trưởng thành hơn", ông Gareth Davies chia sẻ.
"Hiện tại, ở Việt Nam vẫn còn nhiều dịch vụ chưa được số hóa, đồng nghĩa với việc thị trường vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Theo đó, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông mạng xã hội và thương mại điện tử ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng, cả về yếu tố thâm nhập thị trường cũng như áp dụng công nghệ và số hóa", ông Gareth Davies nhận định.
Trên cơ sở báo cáo của McKinsey & Company về "Các xu hướng công nghệ", vị chuyên gia cũng đưa ra dự báo về 10 lĩnh vực công nghệ có tiềm năng phát triển trên thế giới, bao gồm châu Á nói chung và Việt Nam. Đầu tiên là ứng dụng IoT vào sản xuất công nghiệp nhằm tối ưu hóa quy trình làm việc của doanh nghiệp.
Thứ hai là kết nối 5G với dự đoán tốc độ bao phủ khoảng 80% dân số thế giới vào năm 2030.
Thứ ba là phát triển cơ sở hạ tầng phân tán, cụ thể đến năm 2025, hơn 75% dữ liệu do doanh nghiệp tạo ra trên toàn thế giới có thể được xử lý bằng điện toán đám mây hoặc điện toán biên. Chính vì thế, một số công ty đa quốc gia đang có xu hướng đầu tư vào các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
"Điều này cho thấy mức độ hào hứng của các doanh nghiệp về Việt Nam với tư cách là quốc gia về đón đầu công nghệ và số hóa", ông Gareth Davies.
Ngoài ra, một số lĩnh vực khác cũng được đề cập như máy tính lượng tử, phần mềm 2.0, ứng dụng AI vào nhận diện ngôn ngữ và giọng nói, blockchain, công nghệ sinh học, …
Cũng trong buổi tọa đàm, trước câu hỏi về giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, vị chuyên gia từ McKinsey & Company cho rằng, với mỗi loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có một giải pháp chuyển đổi số khác nhau tùy thuộc vào từng lĩnh vực.
"Vì vậy không có giải pháp chung nào cả, mỗi loại hình doanh nghiệp cần một cách xử lý khác nhau, ví dụ có một loạt các nền tảng quản lý bán hàng, phần mềm kế toán và POS dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ", ông Gareth Davies cho biết.
Theo ông, điều này cũng tăng cơ hội kinh doanh cho các đơn vị đứng ra cung cấp và tư vấn lộ trình chuyển đổi số với mức chi phí phù hợp.
Ánh Dương