(Tổ Quốc) - Với mục tiêu ổn định lạm phát, tăng trưởng tín dụng đã hạ nhiệt trong 2 tháng đầu quý 2, liệu điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến các ngân hàng, đâu sẽ là ngân hàng có kết quả kinh doanh khả quan?
Chương trình Tiêu điểm chứng khoán cuối tuần với chủ đề Triển vọng các ngành quý II/2022 do Công ty Cổ phần chứng khoán MB (MBS) tổ chức mới đây, các chuyên gia đã cùng thảo luận về vấn đề triển vọng các ngành trong quý II/2022.
Trong đó, ngành ngân hàng là ngành đầu tiên được các chuyên gia đưa lên 'bàn cân'. Theo ông Hoàng Công Tuấn, kinh tế trưởng MBS, sẽ có 2 điểm đáng chú ý ở nhóm này trong quý II đó là mặt bằng lãi suất huy động đang có xu hướng tăng và tăng trưởng tín dụng có phần chậm lại hơn so với quý trước.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng quý I của nhóm này là trên 5%, song sang đến quý II con số này được dự báo chỉ ở khoảng 3%.
Giải thích thêm ông Tuấn cho biết, "Thực tế trong hai tháng 4 và 5, tăng trưởng tín dụng đã có xu hướng hạ nhiệt đáng kể bởi các áp lực từ phía Ngân hàng nhà nước về việc phải điều chỉnh lại tốc độ tăng trưởng tín dụng để hài hòa công tác kiềm chế lạm phát".
Chuyên gia đánh giá, triển vọng ngành ngân hàng quý 2 chỉ ở mức trung tính và có sự phân hóa khá cao. Các ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao trong quý I, nhiều khả năng quý II kết quả kinh doanh có thể không được lạc quan như trước. Tuy nhiên, kết quả này vẫn là cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
"Một số ngân hàng rất tốt để đầu tư ví dụ như MB, HDBank. Tuy nhiên, quý II này sẽ là kém ấn tượng hơn so với quý I, mặc dù vẫn ghi nhận tăng trưởng hơn cùng kỳ. ACB hoặc VCB là các ngân hàng tương đối tốt trong quý II" - ông nhắc tới 4 cái tên đáng chú ý.
Kinh tế trưởng MBS cũng lưu ý, góc nhìn đầu tư của ông là dài hạn, ít nhất là 1 năm.
Bên cạnh nhóm ngân hàng, ông Tuấn cũng chỉ ra 5 nhóm ngành kinh tế khả quan như bất động sản khu công nghiệp, điện, xăng dầu, thủy sản và bán lẻ tiêu dùng.
Ngoài ra, ông Ngô Quốc Hưng, chuyên gia nghiên cứu của MBS cũng bổ sung thêm ngành cảng biển.
Chia sẻ thêm về những diễn biến trên thị trường chứng khoán trong thời gian qua, ông Ngô Quốc Hưng cho biết, lũy kế từ đầu năm đến nay, dòng tiền khối ngoại đã trở lại mua ròng hơn 11.000 tỷ đồng. Dòng tiền này tìm đến các quỹ ETF VNDiamond hoặc Fubon. Đồng thời, nhà đầu tư cá nhân cũng đã quay lại mua ròng. Bên cạnh đó, các nhóm cổ phiếu mang tính cơ bản sẽ quay lại dẫn dắt thị trường.
Về động lực cho thị trường chứng khoán trong quý II, ông Hưng đề cập đến 2 sự kiện đáng chú ý trong tháng 6 đó là gói hỗ trợ lãi suất 2% và MSCI công bố liệu Việt Nam có được thăng hạng thị trường hay không.
Ở góc nhìn của Kinh tế trưởng MBS, động lực để dẫn dắt giá cổ phiếu sẽ là triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp, các ngành nghề lĩnh vực. Ông cũng lưu ý, giá cổ phiếu luôn luôn đi trước kết quả kinh doanh, đặc biệt là dòng tiền thông minh sẽ tìm đến các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh xuất sắc trong quý II.
Hòa An