(Tổ Quốc) - Theo một số chuyên gia quốc tế, việc thông qua Quy hoạch phát triển điện 8 (Quy hoạch điện VIII - QHĐ VIII) là một cột mốc quan trọng đối với quá trình xây dựng chính sách năng lượng của Việt Nam.
Vào ngày 15/5,Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII - QHĐ VIII). Theo đó, trọng tâm của QHĐ VIII tập trung phát triển rộng rãi các nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất điện.
Cụ thể, công suất của các nguồn năng lượng tái tạo gồm thủy điện, năng lượng mặt trời, gió và sinh khối, dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi, chiếm khoảng 50% công suất năng lượng vào năm 2030. Trong đó, điện gió trên bờ 21.880 MW (14,5% tổng công suất các nhà máy điện); Điện gió ngoài khơi (ĐGNK) 6.000 MW (tương đương 6 GW, 4,0%), trường hợp công nghệ tiến triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý thì phát triển quy mô cao hơn…
Từng nhận định về tiềm năng của điện gió ngoài khơi trong một báo cáo nghiên cứu cách đây không lâu, các chuyên gia của Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho hay, ĐGNK tạo ra lượng vốn đầu tư khổng lồ trong toàn bộ chuỗi giá trị điện gió.
GWEC dự kiến rằng, mục tiêu điện gió ngoài khơi khoảng 6 GW trước năm 2030 có thể mang lại hơn 20 tỷ USD (tương đương 3 tỷ USD/GW) vốn đầu tư vào các dự án ĐGNK, giúp thúc đẩy hơn nữa quá trình nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng biển, đầu tư vào chuỗi cung ứng địa phương và phát triển các ngành công nghiệp khác.
Không chỉ vậy, theo GWEC, nếu có thể đạt được mục tiêu này, Việt Nam có thể tránh được 2 tỷ USD chi phí nhập khẩu than và khí đốt mỗi năm (dựa trên chi phí nhiên liệu tính đến giữa năm 2022) - thay vào đó, số tiền này có thể chuyển sang đầu tư trong nước và vào các khía cạnh cải thiện năng suất khác.
Ngoài ra, các chuyên gia của GWEC đánh giá, lĩnh vực ĐGNK có thể tạo ra nhiều công ăn việc làm trong nước. Một dự án ĐGNK quy mô 500 MW điển hình có thể tạo ra 2,2 triệu ngày công trong toàn bộ vòng đời – tương đương với khoảng 8.650 công việc toàn thời gian. Việt Nam đã có năng lực chuỗi cung ứng mạnh mẽ có thể chuyển giao từ ngành công nghiệp dầu khí và các ngành sản xuất và xây dựng. Việt Nam có thể trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng về nguồn nhân lực và dịch vụ điện gió của khu vực
"Việc thông qua Quy hoạch phát triển điện 8 là một cột mốc quan trọng đối với quá trình xây dựng chính sách năng lượng của Việt Nam. Mục tiêu điện gió năm 2050 của Việt Nam đối với điện gió trên bờ là 60-77 GW và 70-91 GW đối với điện gió ngoài khơi. Cùng với 240 GW để sản xuất hydro và amoniac, những mục tiêu này củng cố vị thế của Việt Nam với tư cách là quốc gia dẫn đầu cũng như là thị trường trọng điểm của lĩnh vực công nghiệp gió trên toàn cầu", GWEC nhấn mạnh.
Còn theo Chủ tịch Ủy ban Lĩnh vực Tăng trưởng Xanh của EuroCham, ông Tomaso Andreatta, việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII là một bước quan trọng trong việc hoàn thiện khung chính thức của Chính phủ nhằm cải cách hệ thống năng lượng.
"Việc cần làm ngay bây giờ đó xác định các công cụ pháp lý để thực hiện các kế hoạch, thống nhất các quy trình cấp phép thông qua một cổng duy nhất, thay đổi quy trình ra quyết định của tất cả các bên liên quan bằng cách xem xét vòng đời kinh tế không chỉ của các khoản đầu tư ban đầu, và thích ứng với các công nghệ mới để tiến gần hơn đến mục tiêu giảm carbon".
"Những cải cách cần thiết để thành công bao gồm nhiều khía cạnh như phát triển hệ thống ngân hàng, mở cửa đầu tư quốc tế cho cơ sở hạ tầng, cải thiện vị thế tín dụng của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng cần đưa giá năng lượng bù đắp toàn bộ chi phí và đầu tư cần thiết để cải tạo hoàn toàn lưới điện với sự hỗ trợ của các công ty tư nhân. Điều nay cũng liên quan đến việc từ bỏ các kết nối sản xuất và thỏa thuận mua điện trực tiếp (DPPA) làm tăng thêm gánh nặng cho lưới điện. Các giải pháp dài hạn cần được đưa ra đối với biểu giá điện áp đầu vào (FIT) đối với công ty năng lượng", ông Tomaso Andreatta nói thêm.
Giang Anh