(Tổ Quốc) - Theo CNN, BTS - nhóm nhạc nam có số lượng fan lớn nhất thế giới hiện nay, đã đóng góp giá trị hơn 4,5 USD tỷ cho nền kinh tế Hàn Quốc, 0,3% tổng GDP.
Được nhiều người coi là "mặt hàng" xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc, K-Pop không chỉ là một trong những hiện tượng âm nhạc phát triển nhanh nhất thế giới mà còn là một trong những ngành công nghiệp sinh lợi cao nhất (Theo CNN, BTS, nhóm nhạc nam có số lượng fan đông đảo hàng đầu thế giới, đã đóng góp giá trị hơn 4,5 USD tỷ cho nền kinh tế Hàn Quốc, 0,3% tổng GDP).
Ngoài việc thu lợi từ bán vé, tải nhạc và bán các sản phẩm in hình thần tượng, các ngôi sao K-Pop còn tích lũy tài sản thông qua hoạt động nhận tài trợ. Với sự phổ biến ngày càng tăng của các nhóm nhạc K-Pop trên toàn cầu, nhiều thương hiệu luôn chờ đợi để có một cơ hội hợp tác cùng họ.
Với mong muốn tận dụng sự nổi tiếng của BTS, Hyundai đã đưa ban nhạc này trở thành đại sứ toàn cầu cho thương hiệu của mình vào năm 2018. Và để đánh dấu Ngày Môi trường Thế giới năm nay, Hyundai đã hợp tác với BTS để tạo ra một sản phẩm âm nhạc đặc trưng Kpop, tăng cường sự gắn kết trong mối quan hệ hợp tác lâu dài này.
Coca Cola đã chạy chiến dịch "Taste the Feeling" với sự góp mặt của nhóm nhạc nam NCT 127, vừa là quảng cáo, vừa là video âm nhạc. Một phiên bản đậm chất K-Pop được thể hiện trên nền các bài hát đặc trưng của Coca-Cola, các đoạn trích đều thể hiện hình ảnh thương hiệu xuyên suốt quảng cáo.
Korean Air đã kết hợp với nhóm nhạc SuperM và BoA cho ra mắt ca khúc 'You Can Go Anywhere', thể hiện nhóm nhạc nam đang trên chuyến bay qua một sân bay tương lai. Phát hành sản phẩm này vào năm ngoái, hãng hàng không cho biết họ muốn "đóng góp vào sự lan tỏa của K-pop và văn hóa đại chúng Hàn Quốc trên toàn thế giới".
Với mong muốn tận dụng và đẩy mạnh hơn sự nổi tiếng của BlackPink, vào đầu năm nay, Samsung đã mời Blackpink làm đại sứ để ra mắt dòng điện thoại mới Galaxy A80. Sau khi hợp tác với Blackpink, Samsung tiếp tục đạt được thỏa thuận với BTS.
Dù vậy, không phải tất cả các mối quan hệ hợp tác của nhãn hàng với K-Pop đều kết thúc trong thành công. Chính phủ Hàn Quốc từng đổ lỗi cho K-Pop về việc tỷ lệ phụ nữ uống rượu tăng cao, bởi ngày càng nhiều nữ minh tinh xuất hiện trong quảng cáo rượu.
Năm 2014, ngôi sao K-pop IU trở thành gương mặt đại diện cho thương hiệu rượu khi mới 21 tuổi, trong khi nữ diễn viên kiêm người dẫn chương trình truyền hình Lee Hyori là gương mặt đại diện cho một hãng rượu. Irene của nhóm nhạc nữ K-pop Red Velvet đã thay thế IU trở thành người đại diện vào năm 2018.
Đây là một công việc kinh doanh sinh lợi cao. Những thần tượng này được cho là đã kiếm được tới 16,8 triệu USD khi xuất hiện trên các chiến dịch cho các nhãn hiệu rượu mỗi năm. Dù có những lo ngại nhưng Chính phủ Hàn Quốc cũng không cấm các ngôi sao K-Pop làm đại diện cho thương hiệu đồ uống có cồn.
Tại Việt Nam, thương hiệu V-Pop duy nhất có sức ảnh hưởng quốc tế thực sự là nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Với số lượng người xem, views trên Youtube của MV mới ra mắt "Có chắc yêu là đây" đạt nhiều "kỷ lục thế giới" trong thời gian gần đây, Sơn Tùng M-TP đang khẳng định vững chắc khả năng ảnh hưởng quốc tế của mình. Tuy nhiên, đúng như ca sĩ này thừa nhận trong một bài phỏng vấn, đó mới là ảnh hưởng... trên mạng. Việc tạo ra các ảnh hưởng offline mới thực sự đem đến các tác động thương mại đối với Sơn Tùng M-TP và đem đến những nguồn thu cũng như ảnh hưởng khổng lồ ra quốc tế kiểu K-Pop.
Hiện tại, các thành công về thương mại của chàng ca sĩ này mới gắn liền với OPPO tại Việt Nam. Sơn Tùng cũng góp công không nhỏ khi giúp Bitis lấy lại hào quang sau nhiều năm. Nhờ các hiệu ứng đặc biệt với 2 thương hiệu đó, Sơn Tùng M-TP nhanh chóng phủ sóng khắp các nhãn hiệu như VinFast, GoJek, Oreo, Pepsi... và tất cả các thương hiệu này cũng mới chỉ sử dụng hình ảnh Sơn Tùng cho các chiến dịch ở Việt Nam.
Liệu Sơn Tùng M-TP có thể bước ra khỏi cái bóng của một ca sĩ ảnh hưởng quốc tế nhưng... trên mạng, trở thành một biểu tượng V-Pop có sức ảnh hưởng văn hóa và thương mại thực sự ra quốc tế? Đó sẽ là một câu chuyện rất dài.
Theo một lãnh đạo một công ty giải trí lớn trong nước chuyên tổ chức các sự kiện lớn, việc một ca sĩ Việt Nam có ảnh hưởng cực lớn trên mạng nhưng "để bước ra nước ngoài ở đời thật, có show diễn ở khu vực thôi chứ chưa nói đến châu Âu hay Mỹ và nhận được sự hâm mộ như ngôi sao K-Pop là một khoảng cách cực kỳ lớn. Điều này cần một bộ máy lớn, một ngành công nghiệp giải trí vận hành chuyên nghiệp ở phía sau chứ không chỉ có bộ máy của Sơn Tùng M-TP".
Nhận xét về khả năng đóng góp của Sơn Tùng M-TP cho nền kinh tế, lãnh đạo này cho biết: "Không nên so sánh cậu ấy với BTS về thương mại hay tác động với nền kinh tế vì BTS là thương hiệu đem lại hàng tỷ đô, còn Sơn Tùng chỉ mới triệu đô. BTS cùng K-Pop là một ngành công nghiệp giải trí hùng mạnh là một cái đích mà V-Pop nói chung và Sơn Tùng M-TP nói riêng muốn vươn tới".
T. Hạnh