Cổ đông VPBank lần đầu tiên nhận cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng 1.000 đồng/cổ phiếu trong ít ngày tới, và dự kiến sẽ nhận cổ tức tiền mặt trong 5 năm liên tiếp trên cơ sở tăng trưởng bền vững mà ngân hàng đang thực hiện.
Cổ tức đến tay
Thông tin chia cổ tức tiền mặt một lần nữa được đại diện VPBank xác nhận với nhà đầu tư trong buổi cập nhật kết quả kinh doanh quý 3 tổ chức mới đây. Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng thực hiện việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt là 10/11/2023 và thời gian dự kiến thực hiện chia cổ tức là ngày 20/11/2023.
Đây sẽ là lần chia cổ tức tiền mặt đầu tiên của VPBank trong 10 năm trở lại đây. Thông tin có lẽ không còn quá bất ngờ với nhiều cổ đông của ngân hàng, khi kế hoạch này đã được ban lãnh đạo VPBank công bố trong Đại hội đồng cổ đông hồi tháng 4. Bắt đầu từ 2023, VPBank dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp từ nguồn lợi nhuận sau thuế của ngân hàng, cùng lúc bảo đảm nguồn vốn dành cho hoạt động kinh doanh và tăng trưởng theo kế hoạch hàng năm.
Nền tảng cơ bản sẵn có, cùng nguồn lực tăng cường sau thỏa thuận bán vốn cho nhà đầu tư Nhật Bản, theo chia sẻ của đại diện VPBank, sẽ giúp củng cố năng lực tăng trưởng bền vững của ngân hàng, từ đó hiện thực hóa cam kết chia cổ tức bằng tiền mặt với cổ đông.
Các đợt chia cổ tức bằng tiền mặt sắp tới dự kiến sẽ được triển khai sớm hơn trong nửa đầu năm, đáp ứng mong mỏi nhận cổ tức hàng năm của cổ đông.
Trong tháng 10 vừa qua, VPBank đã chính thức hoàn thiện giao dịch phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), chào đón ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản trở thành nhà đầu tư chiến lược đồng hành cùng ngân hàng trong chặng đường phát triển sắp tới.
Tổng giá trị của đợt phát hành riêng lẻ cho SMBC đạt hơn 35,9 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD), giúp nâng vốn chủ sở hữu của VPBank lên khoảng 140 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng, theo tính toán của tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s, sẽ tăng lên gần 19% – dẫn đầu trong các ngân hàng tại Việt Nam được tổ chức này đánh giá.
Nguồn tiền đổ vào tài khoản sẽ giúp bổ sung nguồn vốn trung-dài hạn, phục vụ hoạt động cho vay của ngân hàng trong thời gian tới đây. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ dành nguồn lực tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nền tảng công nghệ – trong đó có AI (trí thông minh nhân tạo) và machine learning (học máy), nhằm tạo dựng lợi thế cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của VPBank trong hiện tại và tương lai.
Tăng trưởng chất lượng
VPBank xác định mục tiêu tăng trưởng bền vững trong giai đoạn 5 năm 2022-2026 và ngân hàng này đã và đang triển khai hoạt động cho vay chất lượng, có chọn lọc, nhằm giảm thiểu rủi ro và bảo toàn chất lượng tài sản.
Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ trong quý 3 tăng hơn 22% so với đầu năm, đạt hơn 488 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tăng trưởng tín dụng trong phân khúc khách hàng cá nhân tăng 19% so với đầu năm đạt hơn 232 nghìn tỷ đồng.
Đây là các mức tăng trưởng cao hơn nhiều lần so với tăng trưởng tín dụng trung bình ngành 6,9% tại thời điểm cuối tháng 9. Tuy nhiên, theo lý giải của đại diện ngân hàng, mức tăng trưởng cho vay ấn tượng trong phân khúc, dù cao hơn bình quân ngành, vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng trên 30% đạt được trong các năm trước. Tốc độ tăng chậm lại này xuất phát từ định hướng tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, ưu tiên chất lượng của ban lãnh đạo ngân hàng đưa ra từ đầu năm, đặt trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn và thách thức.
"Trong 9 tháng đầu năm, chúng tôi ưu tiên tăng trưởng một số sản phẩm có mức độ rủi ro ổn định hơn và tạo ra tăng trưởng bền vững. Cụ thể như mảng cho vay mua nhà, chúng tôi tập trung vào cho vay mua nhà thứ cấp (tốc độ tăng trưởng 25%), cho vay sản xuất kinh doanh – tập trung vào cho vay các hộ sản xuất kinh doanh (tăng trưởng 22%), và đối với phần cho vay tín chấp, VPBank tiếp tục duy trì vị thế số 1 về doanh số chi tiêu trên thẻ và thẻ phát hành với dư nợ trên thẻ tín dụng tăng trưởng 19%," vị đại diện ngân hàng cho biết.
Hai phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo đó, đã đóng góp tới gần 60% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng trong quý 3.
Để duy trì bảng cân đối lành mạnh, ngân hàng mẹ VPBank giữ vững đà tăng trưởng ổn định của huy động trong quý 3, đạt gần 462 nghìn tỷ đồng, tăng gần 35% so với đầu năm, cao hơn so với trung bình ngành 5,9%.
Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) – nguồn vốn chi phí rẻ của ngân hàng, trong khi đó, đạt mức tăng trưởng hơn 22% so với đầu năm, góp phần nâng tỷ lệ CASA lên mức 17% trong cơ cấu nguồn vốn huy động của VPBank, giúp ngân hàng tối ưu hóa chi phí vốn.
Trong nỗ lực giảm thiểu chi phí vốn trong trung-dài hạn, VPBank luôn không ngừng khai thác nguồn vốn ngoại với kỳ hạn dài và chi phí hợp lý, nhằm đáp ứng nhu cầu vay phục vụ sản xuất, kinh doanh và đặc biệt là cho vay các dự án xanh hoặc các dự án do phụ nữ làm chủ.
Khoản vay song phương trị giá 300 triệu USD, kỳ hạn 7 năm, mà VPBank vừa ký kết với Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam đầu tháng 9 vừa qua, là một ví dụ. Việc thành công huy động nguồn vốn ngoại này không những khẳng định uy tín của VPBank trên trường quốc tế mà còn giúp ngân hàng đảm bảo tuân thủ tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ này đạt mức 26,6% tại thời điểm cuối tháng 9, dưới ngưỡng yêu cầu 34%.