(Tổ Quốc) - Tại Việt Nam, nhiều người có tục cúng ngày Vía Thần Tài vào mùng 10 Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, có một ngày Vía Thần Tài vào mùng 5 Tết.
Chỉ còn vài ngày nữa, một bộ phận người dân Việt Nam sẽ thực hành Vía Thần Tài vào mùng 10 Tết Nguyên đán, năm nay rơi vào ngày 31/1 dương lịch. Không rõ từ bao giờ ngày Vía Thần Tài trở nên phổ biến tại Việt Nam. Vào mùng 10 Tết hằng năm, nhiều người Việt sẽ mua các vật phẩm như heo quay, chuối chín... để cúng Thần Tài.
Tuy nhiên, ngày Thần Tài lại là ngày mùng 5 Tết Nguyên đán theo truyền thống của người Hoa. Trong dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã xuất bản một poster đặc biệt cho ngày Thần Tài vào mùng 5 Tết. Poster mang tiêu đề "Chào đón Thần Tài".
Đăng kèm poster này, Tân Hoa Xã viết vài dòng diễn giải: "Vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán, người dân đón Thần Tài đến nhà của họ. Chào Thần Tài là phong tục truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán ở Trung Quốc. Thần Tài được tin là sẽ mang lại tài lộc cho con người".
Hồi 2012, Tân Hoa Xã cũng phát hình ảnh nhóm người đốt vàng mã vào ngày Thần Tài mùng 5 Tết. "Người dân đốt vàng mã như một truyền thống để cầu may mắn trong năm mới ở Đài Bắc, phía đông nam Đài Loan vào 27/1/2012, ngàycủa Thần Tài trong truyền thống Trung Hoa".
Trang Better Chinese nói về mùng 5 Tết, sau ngày Tết, tiếng pháo bắt đầu thưa dần, nhưng đến ngày thứ năm (tức mùng 5 Tết - PV), tiếng pháo lại nổ lách tách vào khoảng nửa đêm. Sau ngày thứ năm của Tết Nguyên đán, tất cả truyền thống hoặc điều cấm kỵ của lễ mừng năm mới có thể bị phá vỡ. Có nhiều câu chuyện khác nhau về nguồn gốc của ngày này, nhưng nói chung, nó đánh dấu sự kết thúc của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và bắt đầu những công việc kinh doanh mới và một cuộc sống mới.
"Ở một số vùng của Trung Quốc, một trong những hoạt động quan trọng nhất là chào đón và thờ cúng Thần Tài. Ở Trung Quốc cổ đại, sự giàu có chủ yếu liên quan đến việc đi lại, cho phép mọi người giao dịch. Do đó, người ta nói rằng Thần Tài cũng là thần của những con đường, người bảo vệ những người kinh thương đi khắp các hướng khác nhau. Bất kể họ đi đâu, vận may và may mắn sẽ theo họ", trang này bình luận về ngày Thần Tài.
Ở các vùng khác của Trung Quốc, truyền thống là ăn nhiều nhất có thể, cầu mong một năm dư dả và không bị đói. Một số nơi có bánh bao, vì nó trông giống như một thỏi tiền, tượng trưng cho sự may mắn; trong khi những nơi khác sẽ cúng cá, cầu mong một năm luôn có dư. "Dù người ta có làm lễ gì đi chăng nữa thì vào ngày này, họ đều cầu mong một năm mới ấm no, hạnh phúc, không còn đói kém, tai ương", Better Chinese kết lại.
Còn trang China Culture cho rằng Thần Tài là một trong những vị thần được thờ cúng rộng rãi nhất ở Trung Quốc, theo truyền thuyết dân gian, ngày mồng 5 tháng giêng Âm lịch là ngày sinh của thần.
Cũng khẳng định mùng 5 Tết Nguyên Đán là ngày vía Thần Tài, trang Chinese Fortune Calendar, cho rằng: "Nhiều gia đình cúng Thần Tài vào sáng sớm. Lễ xong, người ta đốt pháo mời Thần Tài vào nhà. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể liên tục nghe thấy tiếng pháo vào buổi sáng".
Nhiều cửa hàng mở cửa vào ngày này sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Một số chủ cửa hàng kinh doanh đặt bàn cúng trước lối vào chính của công ty. Họ chuẩn bị trái cây, hoa, bánh kẹo, trà, đèn nến và các vật phẩm khác trên bàn cúng này. Thậm chí, có người còn mời cả đội múa lân đến mừng lễ khai trương. Thần Tài sẽ xuất hiện và bước vào cửa hàng. Chủ cửa hàng sẽ trao cho một phong bao lì xì có tiền thưởng bên trong.
Dy Khoa