(Tổ Quốc) - Thẻ tín dụng như con dao hai lưỡi, nhất là khi sử dụng nó trong chuyến du lịch nước ngoài.
Bạn chuẩn bị khá ít tiền mặt và dự tính dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt. Dừng lại! Bạn có biết bạn phải chịu phí rất đắt không khi thực hiện giao dịch này hay không? Dưới đây là chia sẻ từ kinh nghiệm du lịch nước ngoài dùng thẻ tín dụng của Travel Blogger Dy Khoa.
Lợi ích khi dùng thẻ tín dụng cho chuyến du lịch nước ngoài
Khi đạt được độ tuổi đủ khả năng chịu trách nhiệm cho các giao dịch tài chính cùng mức thu nhập ổn ổn, nhiều người bắt đầu sẽ sở hữu tấm thẻ tín dụng đầu tiên trong đời. Hạn mức ban đầu có thể rất thấp. Sau quá trình sử dụng liên tục thì hạn mức có thể tăng lên theo mức độ tín nhiệm của tổ chức tín dụng. Ngày kích hoạt thẻ và thực hiện giao dịch đầu tiên cũng là ngày trở thành "con nợ" của đơn vị phát hành thẻ.
Sau khi có kinh nghiệm sử dụng thẻ tín dụng, các "con nợ" sẽ bắt đầu tìm đến các dòng thẻ phù hợp nhất với các nhu cầu của bản thân. Thẻ tín dụng đang có trên thị trường Việt Nam chia thành các nhóm tích điểm, hoàn tiền và tích dặm hàng không. Các thẻ sẽ được gia tăng các quyền lợi khác như bảo hiểm du lịch, đặc quyền sử dụng phòng chờ tại các sân bay trong và ngoài nước, ưu đãi phí sân golf...
Đối với loại thẻ tích dặm, khi giao dịch bằng USD hoặc ngoại tệ khác (theo quy định của ngân hàng) sẽ tích dặm cao hơn. Ví dụ cùng 25.000 đồng nhưng thanh toán tại Việt Nam chỉ nhận được 1 dặm nhưng sẽ là 2 dặm nếu quẹt thẻ ở nước ngoài. Do vậy, chủ thẻ có thể cân nhắc ưu tiên quẹt thẻ tại nước ngoài để có tối đa dặm tích lũy.
Ngoài ra, tùy theo hạng thẻ, chủ thẻ có thể được ưu đãi tại các đơn vị chấp thuận thẻ ở nước ngoài. Danh sách này khá đa dạng, từ giảm giá khách sạn, nhà hàng hay ưu đãi vé tham quan. Chủ thẻ tham khảo ưu đãi này trên website của tổ chức thẻ quốc tế.
Ngoài ra, dịch vụ bảo hiểm du lịch quốc tế đi theo thẻ tín dụng quốc tế rất hữu ích nếu hành trình gặp bất trắc. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi này cần thực hiện thanh toán vé tàu, xe, máy bay bằng đúng thẻ tín dụng có quyền lợi này.
Cẩn trọng khi dùng thẻ tín dụng ở nước ngoài
Thẻ tín dụng có một danh sách rất dài các loại phí mà hiếm người dùng nào đọc kỹ lưỡng. Loại phí tiêu biểu nhất khi thực hiện giao dịch bằng ngoại tệ là phí quản lý hoặc phí chuyển đổi. Mức thu dao động trên dưới 3%, một số thẻ áp dụng mức phí tối thiểu (min) cho một giao dịch là 10.000 đồng.
Chẳng hạn, chủ thẻ quẹt 23.000 đồng (sau quy đổi theo tỷ giá công bố) thì phí cho giao dịch này là 10.000 đồng vì 3% của số tiền này thấp hơn mức min. Đồng nghĩa, người quẹt chi tổng cộng 33.000 đồng cho giao dịch này.
Khoản phí thứ hai mà người dùng thẻ cần đặc biệt lưu ý là phí rút tiền mặt. Mức phí này dao động khoảng 4%, mức thu min khoảng 100.000 đồng/giao dịch. Như vậy, chỉ hai phí này, chủ thẻ đã mất đến 7%.
Ngoài ra, tại một số quốc gia, máy ATM có thể yêu cầu thu thêm một khoản tiền đặc biệt. Chẳng hạn, khi rút 100 USD, chủ thẻ bị thông báo sẽ mất thêm 5,5 USD nếu chấp nhận giao dịch. Giao dịch được ghi sổ là 105,5 USD và tính phí như trên.
Vì thẻ tín dụng khuyến khích thanh toán hơn là rút tiền mặt nên chủ thẻ sẽ gánh lãi suất ngay lập tức khi tiền rời khỏi máy. Nếu có sẵn tiền trong tài khoản thanh toán tại Việt Nam thì hãy chuyển khoản tất toán ngay khoản tiền vừa rút để tránh phát sinh lãi suất.
Ngoài ra, với các loại thẻ có ưu đãi phòng chờ, người dùng nên đọc kỹ thể lệ. Một số thẻ cho phép mang thêm người và trừ lượt dùng phòng chờ trong năm của chủ thẻ. Tuy nhiên, một số loại thẻ sẽ tính mỗi người phát sinh (ngoài chủ thẻ) là 35 USD/người. 35 USD này vẫn sẽ tính phí quản lý giao dịch ngoại tệ.
Lời khuyên
Tối đa hóa lợi ích giảm thiểu chi phí đến mức thấp nhất. Tuy nhiên, theo trải nghiệm cá nhân, vẫn nên mang theo thẻ tín dụng quốc tế khi ra nước ngoài bởi việc mang quá nhiều tiền mặt bị xem là bất hợp pháp, có thể bị xử lý hình sự tại một số quốc gia.