(Tổ Quốc) - Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất tháng 3 vừa qua là của một ngân hàng nhỏ, với mức tăng tới gần 40%. Dù giá tăng mạnh nhưng thanh khoản lại thấp nhất ngành.
Cổ phiếu ngân hàng nhìn chung diễn biến không mấy tích cực trong tháng 3 vừa qua khi đa số phiên chìm trong sắc đỏ, các phiên hồi phục cũng tăng rất yếu.
Ngày 31/3, chỉ có 7 mã ngân hàng có giá đóng cửa cao hơn so với cuối tháng 2 là KLB, NVB, EIB, SSB, SGB, VIB, BID. Trong đó, SGB, VIB, BID tăng dưới 1%.
Mã tăng mạnh nhất gần 40%, 19 cổ phiếu ngân hàng giảm giá
Cổ phiếu tăng mạnh nhất ngành là KLB với mức tăng tới 39% trong tháng 3 vừa qua. Cổ phiếu này có chuỗi tăng mạnh từ 9/3-16/3 với nhiều phiên tăng trần.
Giá tăng mạnh nhưng thanh khoản KLB thấp nhất ngành ngân hàng khi chỉ có 2,3 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trong tháng 3 vừa qua, tương đương chỉ hơn 100.000 cp/phiên. Giao dịch thỏa thuận của KLB cũng không có đột biến, tuy nhiên ghi nhận những giao dịch "lạ" với 7 phiên có khối lượng trao tay đều là 113.000 cp.
Mã tăng giá mạnh tiếp theo cũng là của một ngân hàng nhỏ: NVB tăng 19% trong tháng 3/2021. NVB tăng mạnh sau khi đã hoàn thành chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, một công ty con trong hệ sinh thái của Sun Group đa tham gia vào đợt phát hành của ngân hàng.
EIB của Eximbank là cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo với mức tăng 9,3%. Cổ phiếu này khởi sắc trong tháng 2, tháng 3 sau khi ngân hàng đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên hôm 15/2 và bầu ra được HĐQT nhiệm kỳ mới. ngày 18/3, cổ đông lớn đến từ Nhật Bản – SMBC đã chính thức thông báo về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh với Eximbank, đồng thời cho biết các cuộc thảo luận liên quan đến 15% vốn cổ phần ngân hàng đang được tiến hành. Theo đó, giới quan sát tin rằng, sở hữu giữa các nhóm cổ đông lớn tại Eximbank thời gian tới sẽ còn nhiều biến động.
Ở chiều ngược lại, có tới 19 mã giảm giá trong tháng 3, trong đó PGB giảm mạnh nhất 8,2%, tiếp theo là ABB (-5,4%), BVB (-4,9%), OCB (-47%), MSB (-4,5%),….Các cổ phiếu lớn như CTG, VPB, TCB, VCB cũng chìm trong sắc đỏ.
STB được khối ngoại gom ròng hơn 30 triệu cp, giá trị gần 1.000 tỷ đồng
Cổ phiếu có thanh khoản cao nhất nhóm ngân hàng là STB với hơn 420 triệu cổ phiếu được trao tay trong tháng qua, tương đương giá trị hơn 13.600 tỷ đồng. Cổ phiếu này cũng được khối ngoại gom mạnh nhất với lượng mua ròng hơn 30 triệu đơn vị, giá trị gần 1.000 tỷ đồng.
HDB bị khối ngoại bán mạnh trong nửa đầu tháng 3 nhưng đã quay đầu mua ròng liên tục trong 9 phiên trở lại đây. Dù vậy, tính chung cả tháng, HDB bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 11 triệu cp.
Nhiều cổ phiếu có giao dịch thỏa thuận đột biến
Một số cổ phiếu ngân hàng có giao dịch thỏa thuận khủng trong thời gian trở lại đây. Đáng chú ý nhất là LPB có gần 47 triệu cp được trao tay với giá 1.000 tỷ đồng phiên 16/3 và hơn 18,7 triệu cp giá trị 420 tỷ đồng phiên 21/3. Số cổ phiếu này tương đương với 5,2% cổ phần ngân hàng.
Ngoài ra, EIB có 48,4 triệu cp được trao tay theo phương thức thỏa thuận trong tháng 3, giá trị hơn 1.800 tỷ đồng. Đặc biệt, phiên 31/3, có tới 25 triệu cổ phiếu được thỏa thuận ở giá trần 40.000 đồng/cp, tương đương 1.000 tỷ đồng.
Các ngân hàng đang bước vào mùa cao điểm Đại hội đồng cổ đông thường niên, chủ yếu diễn ra vào nửa cuối tháng 4. Hiện nhiều nhà băng đã công bố tài liệu cuộc họp với kế hoạch kinh doanh tăng trưởng ấn tượng. Có 3 ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận vượt mốc 10.000 tỷ trong năm nay như VIB, HDBank, SHB.
Một số ngân hàng tham vọng tín dụng tăng trưởng cao trong năm nay để đón cơ hội khi nền kinh tế phục hồi. VIB, MB, OCB, MSB, VPBank,…có kế hoạch mở rộng danh mục tín dụng 20-30%. Tuy nhiên, việc tăng trưởng tín dụng sẽ còn phụ thuộc vào hạn mức mà Ngân hàng Nhà nước giao cho theo từng giai đoạn.
Thu Thủy