(Tổ Quốc) - Những doanh nghiệp đang mấp mé cột mốc trăm nghìn tỷ là MBBank và ACB (hơn 90.000 tỷ), Masan Consumer và BSR (hơn 80.000 tỷ)…
Chốt phiên 1/4, cổ phiếu FPT lập đỉnh mới 111.000 đồng, đưa vốn hóa công ty công nghệ này lần đầu vượt mốc 100.000 tỷ đồng, đạt 100.738 tỷ đồng. Trước đó ít ngày, Đầu tư Thế giới Di động (MWG) cũng tiến nhanh qua mốc 100 nghìn tỷ đồng và hiện có vốn hóa đạt 114.200 tỷ đồng.
Cùng với việc Sabeco và Viettel Global quay trở lại cột mốc này, hiện sàn chứng khoán Việt Nam có 18 doanh nghiệp vốn hóa trên 100.000 tỷ đồng – con số kỷ lục từ trước đến nay. Số doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô cũng ở mức kỷ lục với 64 doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp đang mấp mé cột mốc trăm nghìn tỷ là MBBank và ACB (hơn 90.000 tỷ), Masan Consumer và BSR (hơn 80.000 tỷ)…
Doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất hiện là Vietcombank (291.800 tỷ đồng, tương đương 12,9 tỷ USD). Vốn hóa của nhà băng này đã tăng liên tục từ năm 2017 đến nay. Hiện tại, vốn hóa của Vietcombank cùng Vingroup và VinHomes vẫn khá vượt trội so với các doanh nghiệp còn lại.
Hầu hết các doanh nghiệp chủ chốt của thị trường đều gia tăng quy mô trong giai đoạn từ 2017 đến nay, ngoại trừ Vinamilk và Sabeco.
Từng có một thời gian dài đứng trong top đầu vốn hóa thị trường nhưng với vốn hóa chỉ còn 171.000 tỷ đồng thì Vinamilk hiện không còn trong Top10. Cuối năm 2017, giá trị của Vinamilk vẫn còn đạt trên 300.000 tỷ đồng.
Vốn hóa của Sabeco hiện nay còn thấp hơn cả số tiền 110.000 tỷ đồng mà ThaiBev đã từng chi ra để mua 53,6% cổ phần vào cuối năm 2017.
Trường An