(Tổ Quốc) - Với kinh nghiệm 15 năm làm cố vấn phát triển sự nghiệp cho những người thành công và rất thành công. Tác giả - CEO Đỗ Thùy Dương sẽ “bật mí những dấu hiệu" giúp bạn tìm được “lối đi riêng” của mình.
Doanh nhân Đỗ Thùy Dương là chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp, phát triển năng lực lãnh đạo và đào tạo nhân sự chủ chốt cho các tập đoàn lớn tại Việt Nam. Khách hàng của chị là những người “đã thành công và có thể thành công hơn" và với họ chị không chỉ là chuyên gia, cố vấn mà còn là người “đánh thức” những ước mơ, thay đổi tư duy và mở rộng tầm nhìn
“Cố vấn” Đỗ Thùy Dương chia sẻ, chị từng gặp rất nhiều người đạt được các mục tiêu cá nhân khi tuổi còn rất trẻ, năng lượng còn rất nhiều. Họ khát khao “làm điều gì đó lớn hơn chính bản thân mình" nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu. Khi họ có nhiều lựa chọn hơn trong cuộc sống, cũng là lúc những lựa chọn đó trở nên thách thức hơn.
Theo chị Đỗ Thùy Dương, có một lựa chọn là định mệnh, có nhiều lựa chọn là thử thách. Nhất là khi bạn đã và đang rất thành công, mỗi quyết định của bạn có thể ảnh hưởng tới rất nhiều người.
Bởi vậy, việc có những nhà cố vấn bên cạnh, những người có thể cùng bạn suy nghĩ, thúc đẩy bạn nghĩ sâu hơn, nghĩ xa hơn, nghĩ rộng hơn với tâm thế và góc nhìn đa chiều rồi sau đó bạn tự mình đưa ra quyết định là hết sức cần thiết
Khi tích lũy tương đối đủ kiến thức và trải nghiệm chị Thùy Dương quyết định viết những gì mình tâm đắc nhằm giúp người trẻ rút ngắn hành trình hay đúng hơn là bớt khó khăn trên những chặng đầu sự nghiệp rồi đồng hành cùng họ ở những cột mốc quyết định nhất. Dưới đây là dấu hiệu “bà cố vấn cho các doanh nhân” bật mí để giúp bạn tìm thấy “lối riêng cho cuộc đời mình”:
“Khi bạn bế tắc trong đời sống cá nhân, mất định hướng sự nghiệp, hoang mang với quá nhiều thông tin, cơ hội kinh doanh trên thị trường. Bạn cần “đứng trên ban công nhìn xuống" [vui lòng đừng nhảy xuống]”, cố vấn Đỗ Thùy Dương chia sẻ một cách hóm hỉnh.
Theo chị, đứng trên ban công nhìn xuống là một hình ảnh biểu tượng cho việc chúng ta lùi lại để quan sát tổng thể, nhìn nhận vấn đề thấu đáo, không bị tác động bởi những diễn biến “quá nhanh, quá nguy hiểm" của thị trường hoặc bối cảnh ra quyết định.
Từ ban công nhìn xuống, ta có thể đánh giá lại dữ liệu, thiết lập những bối cảnh, nhận diện những dấu hiệu nhỏ có thể tạo thành xu hướng lớn, trò chuyện với cố vấn của mình, rồi mới “Nhập cuộc" để quyết định. Như vậy sẽ giảm thiểu được rủi ro và biến cơ hội thành kết quả.
Tất nhiên, ngay cả khi bạn đã suy nghĩ rất thấu đáo thì vẫn có thể có sai lầm. Quyết định đúng đến từ sự thông thái, sự thông thái đến từ những quyết định sai và mỗi sai lầm là trải nghiệm quý giá đối với mỗi người.
Bởi theo chị Thùy Dương: “Rất dễ dàng để có ai đó khuyên bạn phải làm gì. Nhưng người chịu trách nhiệm cho quyết định và hành động là chính bạn. Vì vậy, cần tư duy độc lập & đánh giá đúng khả năng chịu rủi ro của mình. Cố vấn không đưa ra lời khuyên hay quyết định thay bạn, càng không chịu trách nhiệm cho cuộc đời của bạn”.
“Người thành công học hỏi ở người khác chỉ là một phần thôi, còn phần lớn là học từ sự dám khát vọng lớn, dám hành động và dám sai lầm của chính mình. Trong những lúc “thất bại tạm thời” đó tôi thường nhắc mình bằng câu nói đại ý là vinh quang thuộc về những người dám chiến đấu, thực chiến, dám đổ mồ hôi và cả máu.
Dũng cảm chiến đấu thì ngay cả khi thất bại, bạn cũng hiểu rằng ít nhất mình đã dám “liều lĩnh một cách vĩ đại" cho sứ mệnh của mình - Đây là câu nói của Theodore Roosevelt - Tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ”, chị Đỗ Thùy Dương tâm sự.
Rất nhiều người tìm đến cố vấn Đỗ Thùy Dương nhờ hướng nghiệp cho con nhưng ngay cả với con mình thì chị Thùy Dương cũng luôn nói: “Cuộc đời thay đổi liên tục, con sẽ làm rất nhiều nghề trong đời mình nên quan trọng nhất là sống như thế nào chứ không phải chọn nghề gì.
Nghề nghiệp chỉ là phương tiện và một phần của cuộc sống. Nếu chọn nghề trước khi chọn cách sống, mình sẽ lấy cái nhỏ hơn mà bao trùm lên cái lớn lao cốt lõi hơn, đẩy mình vào mâu thuẫn nội tâm như vậy là thất bại.
Còn nếu đã biết mình muốn sống thế nào, mà lại vì một công việc trả lương cao hay danh giá mà từ bỏ lối sống của mình thì đó là “double thất bại””.
Chị đánh giá, các bạn trẻ bây giờ rất giỏi, công việc này không phù hợp thì họ tìm một việc khác. Tìm một việc làm không khó, học cách làm một việc mới cũng không quá khó.
Trong cuốn Nhập cuộc, chị Dương có phỏng vấn Nguyễn Thị Minh Giang - Tổng giám đốc tài năng và văn hoá Mekong Capital - cô ấy có thành công ngày hôm nay là vì dám làm những việc mình không biết làm nhưng biết đó là việc cần làm để công ty và đối tác phát triển. “Động lực đó sẽ thúc đẩy cô tìm ra cách làm. Như vậy chính cách sống của Giang - sống có trách nhiệm sẽ là động lực để Giang biến công việc thành sứ mệnh cá nhân của mình”, chị Thùy Dương kể.
Do đó, bạn không cần phải cân bằng công việc và sự nghiệp nữa mà hãy tích hợp công việc là cuộc sống, cuộc sống là công việc. Khi bạn thay đổi tư duy trong công việc, bạn cũng thay đổi cách tư duy trong đời sống cá nhân, hạnh phúc hơn, thành công hơn…
Thiết kế lối sống thế nào đương nhiên là không dễ. Cuốn sách “Chiến đạo" gần 300 trang được viết để hướng dẫn kỹ lưỡng các bạn trẻ cách tư duy chủ động và thiết kế tương lai của mình trong đó có những bản đồ hoặc chỉ dẫn, biển báo để mình không bị rơi những thứ khiến mình phải tiếc nuối, ân hận hoặc xấu hổ khi nhìn lại.
Chị Dương hay nói đùa mọi người là “mình hay tập trung vào nghiệp gì, nghiệp theo cái nghĩa phổ quát hơn chính là số phận của mình, chứ không phải công việc kiếm sống đơn thuần”.
Chị Thùy Dương chia sẻ: “Tôi hay nói rằng nếu bạn muốn cái gì đó mà không được, thì có hai kịch bản. Một là bạn chưa xứng đáng để có nó nhưng hai là bạn xứng đáng với điều tốt hơn cái mà bạn đang muốn.
Tiếc là rất nhiều người khi không đạt được điều mình muốn thì thường đánh giá thấp bản thân, cho rằng mình không đáng yêu, không đáng thưởng, không đáng trân trọng.
Họ quên mất một phương án khác rằng những điều không thực sự giá trị thì không nên hiện diện trong đời mình. Ngay cả khi đó là những người mà mình tưởng rằng thương yêu gắn bó. Nhớ rằng, đó chỉ là mình tưởng thế và rất có thể là ảo tưởng. Thực tế đẹp hoàn hảo hơn ảo tưởng rất nhiều”.
Vậy làm thế nào để không rơi vào ảo tưởng. Trước mắt phải suy nghĩ thấu đáo trước, tự vấn trước mọi quyết định, hành động của bản thân. Như vậy thì dù kết quả xảy ra như thế nào thì bạn không tiếc nuối.
Bởi vì suy cho cùng, quyết định đó là quyết định tốt nhất tại thời điểm đó, với kiến thức của mình lúc đó, mình không thể làm tốt hơn được nữa. Nếu mình đã làm tốt nhất rồi mà kết quả vẫn tệ thì vẫn ổn. Mình vẫn còn cơ hội để làm lại thay vì giá mà, ước gì…
Khi mà chúng ta đã lớn và có nguồn lực khác, góc nhìn khác, có trải nghiệm khác thì mình mới nhìn thấy cái "giá mà" đó. Mỗi quyết định ở thời điểm này, kể cả “ngu ngốc’’ trong mắt người khác nhưng nó vẫn là quyết định phù hợp nhất đối với mình tại thời điểm đấy, với năng lực đấy, bối cảnh đấy miễn là mình đã “cân nhắc thấu đáo".
Tương tự như vậy, mục đích của chúng ta là trở thành một phiên bản tốt nhất của chính mình. Nhưng hướng đến một phiên bản tốt nhất của mình, không có nghĩa là phiên bản hiện tại không tốt. Chúng ta luôn có thể trở nên tốt hơn… Tại thời điểm hiện tại, bạn đang ở phiên bản tốt nhất của chính mình rồi.
"Không phải chúng ta đang trên đường trở thành mình tốt nhất mà lúc nào chúng ta cũng đang là tốt nhất của lúc đấy. Cuộc đời cũng thế, bất cứ thứ gì xảy ra với mình đều là thứ tốt nhất của mình trong lúc đấy. Giống như bố mẹ yêu con thì sẽ chỉ mang đến những thứ tốt nhất cho con…
Cuộc đời cũng sẽ yêu bạn theo cách đó. Có thể bạn muốn thành công nhưng lúc này thành công chưa tốt cho bạn nên cuộc đời cho bạn thất bại để có bài học. Nhưng chắc chắn những gì cuộc đời cho mình là điều tốt nhất với mình", CEO Đỗ Thùy Dương tâm sự.
Theo chị, công việc của “bà cố vấn” không chỉ là đồng hành với những người thành công, mà còn giúp họ tái lập lại bản thân thông qua cách kể chuyện. Nhiều người có cuộc đời rất thú vị, đáng trân trọng nhưng bản thân họ lại cho rằng cuộc đời của họ chẳng có gì đáng kể. Trong cuốn sách “Nhập cuộc” có cả câu chuyện về những người tự cho rằng cuộc đời mình bình thường và nhạt nhẽo, chỉ có đi học, đi làm vì mưu sinh mà trưởng thành lên mỗi ngày.
Sau khi đọc lại câu chuyện của mình qua ngòi bút của chị Dương, một nhân vật trong cuốn sách tâm sự: “Các chi tiết hoàn toàn chân thực, chị không thêm điều gì mới mà tôi thấy mình yêu và tự hào về bản thân hơn rất nhiều”.
“Nghề của tôi là khiến cho cuộc đời của mỗi người qua cách kể của họ, cộng thêm cách nhìn và cách viết khiến cả 2 bên cùng hạnh phúc khi đọc lại nó. Không phải ai cũng nói hay nhưng cuộc đời của họ đều thú vị và có thể tạo giá trị cho người khác học hỏi, có cảm hứng sống”, chị Dương chia sẻ.
Khi viết cuốn sách “Nhập cuộc", chị Thùy Dương có khát vọng mang các bài học cuộc đời, những câu chuyện sống động của những nhà quản lý thực chiến đang tạo thành tích thực tại các doanh nghiệp Việt Nam để làm bài học thực tiễn nhất cho những người lần đầu làm quản lý.
Khách hàng của chị có ngân sách đào tạo lớn mới có thể mở các lớp đào tạo thường xuyên, còn hàng triệu nhà quản lý trẻ trên đất nước này chỉ có thể mày mò, tự học và trả giá đắt bằng những sai lầm đáng ra có thể tiết kiệm được.
“Vì vậy, một lần nữa, sách là tài nguyên hữu ích nhất, là sự đầu tư hiệu quả nhất cho các bạn đang làm quen với vai trò làm quản lý khi không thể tiếp cận với những nhà quản lý thực chiến trong đời sống, bạn hãy tìm gặp họ qua những trang sách. Tôi phỏng vấn và viết rất kỹ.
Từ chuyện họ tiếp nhận và thay đổi vai trò, tới việc chinh phục lòng tin của lãnh đạo, nhân viên. Sắp xếp, tổ chức công việc mỗi ngày, tuần, tháng, năm. Giao việc và động viên nhân sự, phản hồi công việc với thưởng phạt phân minh và đồng hành để trưởng thành cùng nhau”, chị Thùy Dương nói.
Rất nhiều điều các nhà quản lý trẻ có thể học được qua Nhập cuộc. Nhưng nếu chỉ có một điều tâm đắc thì chị Thùy Dương luôn nhắc nhở các khách hàng của mình rằng: “Hãy giúp nhân viên của mình hoàn thành công việc. Làm quản lý là giúp phần hoàn thiện con người. Lựa chọn nằm ở bạn”.
Bài viết: Thu Hoài - Thiết kế: Quỳnh Anh